Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 của tỉnh tăng 12% so với tháng trước và tăng 43% so với tháng cùng kỳ năm trước (tăng cao nhất từ đầu năm đến nay). Cũng trong tháng 7, chỉ số tiêu thụ sản phẩm công nghiệp tăng gần 3% so với tháng 6 và tăng 15% so với cùng kỳ.
Nhiều ngành hàng có lượng tồn kho giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp lớn, nhất là các doanh nghiệp chế biến, chế tạo (lĩnh vực chiếm 2/3 giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp Quảng Nam) vẫn hoạt động ổn định. Đó là những dấu hiệu cho thấy sản xuất công nghiệp của tỉnh đã bắt đầu phục hồi sau một thời gian dài ảm đạm.
Tuy nhiên, áp lực đối với sản xuất công nghiệp vẫn còn rất lớn. Trong khi lãi suất huy động tiếp tục giảm mạnh thì lãi suất cho vay, nhất là cho vay trung và dài hạn vẫn còn khá cao (từ 12 - 15%). Đến cuối tháng 7, tổng vốn huy động tại chỗ của các ngân hàng tăng 6%, nhưng dư nợ cho vay giảm 0,5% so với đầu năm. Thị trường tín dụng chưa được khai thông, đồng nghĩa với việc nhiều doanh nghiệp đã chưa thể đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh; chưa dám mạnh dạn triển khai các kế hoạch phát triển trong tầm nhìn dài hạn. Sự ách tắc từ nguồn vốn tín dụng, có thể xuất phát từ những thủ tục của ngân hàng, cũng có thể từ sự thiếu quyết tâm của bản thân doanh nghiệp. Bởi, trong khi kinh tế vĩ mô chưa thật sự ổn định, thì gần đây, nhiều yếu tố đầu vào của sản xuất công nghiệp lại tăng giá. Tháng 7, sau khi giá xăng liên tục điều chỉnh tăng, thì đầu tháng 8 này, điện đột ngột tăng giá thêm 5% so với trước. Nhiều mặt hàng, dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống cũng tăng giá mạnh, khiến doanh nghiệp phải tiếp tục tự xoay xở trước những bài toán không hề đơn giản.
Như vậy, dẫu có những tín hiệu rõ ràng về sự phục hồi tăng trưởng, song phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa thể thoát khỏi giai đoạn khó khăn. Cũng vì thế, việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, đồng hành với doanh nghiệp vẫn là mệnh lệnh mà lãnh đạo tỉnh tiếp tục yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện.
LÊ VĂN