Giám đốc Sở Tài chính Phan Văn Chín khẳng định, nếu không có gì bất trắc hoặc đột biến, khả năng thu ngân sách năm 2018 sẽ đạt và vượt kế hoạch; nhưng áp lực ngân sách căng kéo, khó có thể cân đối, đang là vấn đề nan giải của địa phương.
Nguồn thu chủ yếu và lớn nhất Quảng Nam vẫn phụ thuộc vào ô tô Trường Hải. Ảnh: T.DŨNG |
Thu, chi ngân sách ổn định
Không lâm vào tình trạng ngân sách “ảm đạm” như giữa năm 2017, trong 6 tháng đầu năm 2018, thu ngân sách nhà nước đã có những chuyển biến đáng kể. Báo cáo với Thường trực HĐND tỉnh vào hôm qua 5.7, ông Phan Văn Chín - Giám đốc Sở Tài chính cho hay, thu ngân sách đã đạt và vượt tiến độ dự toán. Tính đến ngày 30.6.2018, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 57,6% (11.325 tỷ đồng), tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu nội địa 8.493 tỷ đồng (đạt 54,9% dự toán trung ương và HĐND tỉnh giao), tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trừ doanh nghiệp nhà nước trung ương, địa phương không đạt tiến độ, tất cả nguồn thu khác đều đạt và vượt dự toán. Cụ thể, khu vực FDI đạt 50,5% dự toán, tăng đến 97,8% cùng kỳ năm trước. Số thu từ khu vực này chủ yếu do Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Quảng Nam nộp đạt tiến độ dự toán. Tăng trưởng mạnh nhất vẫn thuộc khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh với số thu ngân sách 5.720 tỷ đồng, đạt 53,1% dự toán, tăng 26% so cùng kỳ năm trước. Nguồn thu từ khu vực này vẫn chủ yếu thu từ Công ty CP Ô tô Trường Hải (đóng góp đến 75,4% số thu của khu vực và chiếm 52,4% tổng thu nội địa toàn tỉnh). Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm, thu từ ô tô đã đạt khoảng 4.365/8.115 tỷ đồng, đạt 53,8% kế hoạch. Các khoản thu từ lệ phí trước bạ đã tăng 85,6% so với cùng kỳ, thuế thu nhập cá nhân tăng 40,9%, thu phí và lệ phí tăng 2,19 lần so cùng kỳ, thu tiền sử dụng đất đạt 65% dự toán, nguồn thu khác ngân sách đạt đến 79,6% dự toán và thu xuất nhập khẩu cũng đã đạt đến 67,4% dự toán. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố đa số đều vượt tiến độ. Một số địa phương thu đạt tỷ lệ cao như Hiệp Đức (89%), Nông Sơn (83%), Đại Lộc (80%)… Chỉ có Núi Thành, Tiên Phước và Nam Giang mới chỉ đạt 42%.
Thu ngân sách tăng, chi ngân sách cũng đảm bảo sự ổn định. Số chi thực tế 6 tháng qua là 8.825 tỷ đồng, đạt 38% dự toán. Ông Phan Văn Chín cho hay, chi ngân sách bảo đảm theo dự toán, kế hoạch, giải quyết kịp thời các chế độ chính sách, khắc phục, hỗ trợ nhân dân ổn định đời sống, sản xuất nông nghiệp do thiệt hại bão lụt cuối năm 2017...
Khó cân đối ngân sách
Thường xuyên đánh giá khả năng thu ngân sách nhà nước Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Võ Hồng yêu cầu ngành tài chính cần xác định chính xác trong khả năng có thể tăng thu ngân sách. Tính toán sử dụng tài chính cho những mục tiêu cấp bách. Nghị quyết, đề án nào có hiệu quả sẽ được tiếp tục bố trí nguồn, còn thiếu hợp lý sẽ phải được bãi bỏ. Ngành tài chính cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, kiên quyết xử lý, thu hồi nợ đọng thuế và các khoản nợ đọng khác. Các cấp ngân sách tổ chức điều hành ngân sách bám sát các dự toán được giao, định kỳ hằng, quý đánh giá lại khả năng thu ngân sách nhà nước để chủ động điều hành chi ngân sách. Tất cả phải điều hành chi ngân sách trong phạm vi dự toán đã được cấp có thẩm quyền giao, bảo đảm đúng quy định, hiệu quả, tiết kiệm. Trích lập, quản lý nguồn cải cách tiền lương từ tăng thu, vượt thu, tiết kiệm chi và giải quyết tốt, kịp thời các chính sách an sinh, xã hội… |
Ông Phan Văn Chín dự báo từ nay đến cuối năm, nếu không có những tác động bất thường thì thu ngân sách Quảng Nam 2018 sẽ đạt và vượt dự toán (15.476 tỷ đồng). Tuy nhiên, theo phân tích của ông Chín, ngân sách sẽ bị căng kéo, khó có thể giải quyết. Số thu từ ô tô vượt tiến độ, nhưng lượng nộp ngân sách của doanh nghiệp Trường Hải đã có dấu hiệu giảm dần sau 2 tháng đầu năm nộp ngân sách vượt xa so tiến độ (2 tháng đầu năm đã nộp 1.909 tỷ đồng, đạt 23,5% kế hoạch nộp ngân sách năm 2018). Sản lượng tiêu thụ và số thu từ ô tô giảm kể từ tháng 3 đến nay. Số thu bình quân chỉ khoảng 614 tỷ đồng/tháng, thấp hơn tiến độ thu (tiến độ thu theo kế hoạch là 676 tỷ đồng/tháng). Dự báo số thu này sẽ biến động trong 6 tháng cuối năm. Trong khi đó, nguồn thu yến sào và tiền thuê đất nộp một lần là nguồn thu cân đối chung của ngân sách địa phương (chi thường xuyên và chi đầu tư), nhưng Quảng Nam lại sử dụng toàn bộ nguồn thu này để lại chi theo mục tiêu. Cụ thể, phí tham quan để lại chi quản lý và tu bổ di tích, nguồn thu lợi nhuận sau thuế của khai thác yến sào để lại chi đầu tư xây dựng hạ tầng xã đảo, kiến thiết thị chính…, tiền thuê đất nộp một lần để lại chi đầu tư. Những thay đổi này đã dẫn đến không đảm bảo nguồn để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định (sử dụng 50% tăng thu, vượt thu so với dự toán năm 2017 để tạo nguồn cải cách tiền lương).
Không chỉ vậy, hiện Quảng Nam phải tự cân đối ngân sách, phải tự bảo đảm 20% nguồn kinh phí để thực hiện các chế độ chính sách, an sinh xã hội tăng thêm trên địa bàn (80% còn lại trung ương cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương của địa phương còn dư thực hiện). Tổng nguồn kinh phí địa phương phải tự đảm bảo rất lớn là áp lực không nhỏ trong cân đối ngân sách. Ngoài ra, năm 2017, ngân sách tỉnh hụt thu nên thực hiện cắt giảm chi tiêu và sử dụng toàn bộ nguồn số dư năm 2017 để bù hụt thu. Điều này dẫn đến không có nguồn tiết kiệm chi, nguồn vượt thu chuyển sang năm 2018 để bổ sung nguồn cho đầu tư như các năm về trước, nhất là nguồn vốn để thanh toán nợ khối lượng dự án hoàn thành. Đây cũng là áp lực chi ngân sách ngay trong năm 2018.
Yêu cầu tăng thu, chi ngân sách, dù không dễ dàng trong bối cảnh hiện tại vẫn là chuyện buộc phải đặt ra. Ông Phan Văn Chín cho hay, các cơ quan quản lý sẽ theo dõi chặt chẽ tiến độ thu, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế và các nguồn thu phát sinh. Xác định rõ các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực còn thất thu để có biện pháp quản lý thu hiệu quả. “Cần theo dõi, phân tích, đánh giá tình hình hoạt động của Trường Hải, nhà máy bia…, xác định số thu nộp ngân sách hằng tháng của các công ty này để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và điều hành ngân sách phù hợp. Trong trường hợp nguồn thu không đạt dự toán thì các cơ quan, đơn vị, địa phương buộc phải cắt giảm, giãn nhiệm vụ chi” - ông Chín nói.
TRỊNH DŨNG