Áp lực cân đối ngân sách

TRỊNH DŨNG 15/07/2015 09:13

Việc tăng thu ngân sách để có thêm nguồn chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên… dù không dễ dàng nhưng là “điều kiện cần” đặt ra cho 6 tháng cuối năm 2015.

Thu tăng, chi ổn định

Sở Tài chính cho hay 6 tháng đầu năm 2015, tổng thu ngân sách nhà nước đã tăng 65% so với cùng kỳ năm trước. Hai số thu chủ yếu là thu nội địa và thu xuất nhập khẩu đều tăng đến 41,38% và 158,61%. Theo một thống kê khác, thu ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm cũng đã đạt khoảng 9.889/14.057 tỷ đồng, bằng 70% dự toán, có được kết quả cao này là do chủ yếu thu chuyển nguồn năm trước sang và trung ương bổ sung ngoài dự toán giao đầu năm. Nếu loại trừ khoản thu từ ngân sách trung ương 2.436 tỷ đồng, thu chuyển nguồn 3.289 tỷ đồng thì con số thu nội địa đã đạt 64,05% dự toán.

Nguồn tăng thu ngân sách nhà nước chủ yếu vẫn dựa vào sự tăng trưởng của Thaco. TRONG ẢNH: Thaco vừa giới thiệu mẫu xe Mazda 2 được xem là sản phẩm chiến lược, góp phần nâng doanh số ô tô bán ra. Ảnh: T.D
Nguồn tăng thu ngân sách nhà nước chủ yếu vẫn dựa vào sự tăng trưởng của Thaco. TRONG ẢNH: Thaco vừa giới thiệu mẫu xe Mazda 2 được xem là sản phẩm chiến lược, góp phần nâng doanh số ô tô bán ra. Ảnh: T.D

Nhìn vào con số thống kê có thể thấy thu ngân sách gia tăng nhưng chi tiết nguồn thu từ các khu vực kinh tế có sự khập khiễng, thiếu an toàn. Động lực phát triển mạnh nhất và đóng góp số thu ngân sách nhiều nhất vẫn thuộc khu vực doanh nghiệp công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh, còn lại, từ doanh nghiệp nhà nước địa phương, FDI đều bị sụt giảm. Khu vực kinh tế tư nhân đã đóng góp đến 70% số thu nội địa khi nộp khoảng 2.845 tỷ đồng, đạt 71,9% dự toán, tăng 74% so cùng kỳ năm ngoái. Giám đốc Sở Tài chính – ông Phan Văn Chín thừa nhận thu ngân sách nhà nước tăng, nhưng thiếu bền vững và không đồng đều giữa các địa phương. Hiện có đến 6/18 địa phương thu không đạt tiến độ (Phước Sơn 4%, Phú Ninh, Bắc Trà My, Tây Giang 36%, Hội An, Đại Lộc 47%). Phước Sơn mất cân đối lớn vì không thể thu được gì từ Công ty Vàng Phước Sơn. UBND tỉnh đã phải tạm ứng ngân sách 60 tỷ đồng và khả năng sẽ còn tiếp tục tạm ứng cho địa phương này trong 6 tháng cuối năm.

Thu ngân sách tăng, nhưng chi ngân sách đang gặp nhiều bất trắc. Hiện chi ngân sách địa phương mới đạt 43,12% dự toán với 6.062 tỷ đồng. Chi cân đối ngân sách khoảng 5.938 tỷ đồng, đạt 43,32% dự toán, nhưng chiếm nhiều nhất là chi thường xuyên 3.808 tỷ đồng và chi đầu tư phát triển ít hơn, vào khoảng 2.005 tỷ đồng. Ông Phan Văn Chín cho hay chi ngân sách đã bảo đảm theo dự toán, kế hoạch, nhưng đã xuất hiện các nguồn chi mới khá lớn như lễ lạt, phòng chống thiên tai và tiếp tục kinh phí chi thoát nghèo bền vững. Địa phương nào cũng kêu thiếu hụt, nhưng khả năng cân đối ngân sách có hạn. Không biết tìm đâu ra nguồn để chi. Nếu các địa phương ứng quá lớn thì sẽ không còn quỹ để chi tiền lương, nên đã kiểm soát kỹ hơn việc ứng kinh phí để chi thường xuyên. Chỉ trong trường hợp “bất khả kháng”, phải thực hiện chi thì mới cho tạm ứng.

“Thắt lưng buộc bụng”

Ông Phan Văn Chín dự báo từ nay đến cuối năm, nếu không có những tác động bất thường thì thu ngân sách Quảng Nam năm 2015 sẽ đạt và vượt dự toán (8.600 tỷ đồng dự toán trung ương giao và 9.100 tỷ đồng dự toán HĐND tỉnh giao). Chỉ Phước Sơn và Phú Ninh khả năng sẽ bị hụt thu. Xét về lý thuyết, hơn 30% chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước còn lại cho 6 tháng cuối năm sẽ không khó, nhưng với nguồn thu còn hạn chế và thiếu bền vững như hiện tại, trong khi nhu cầu chi để phát triển, nhất là nhu cầu vốn cho các chương trình trọng điểm (cầu Cửa Đại, trả nợ đối ứng dự án hiện đại hóa thủy lợi Phú Ninh, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới), đang đẩy áp lực ngày càng gia tăng trong cân đối ngân sách. Khá nhiều địa phương hiện không biết tìm đâu ra kinh phí để chi cho đầu tư phát triển. Ông Nguyễn Văn Dũng - quyền Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay kinh tế địa phương tăng trưởng ổn định, duy trì tốc độ tăng trưởng hơn 10%. Khách du lịch đến Hội An sẽ đạt con số 2 triệu lượt khách, tăng gần 20%. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đang rất lúng túng vì không biết tìm đâu ra tiền đầu tư hệ thống đấu nối với các hộ dân vào nhà máy xử lý nước thải sẽ vận hành vào cuối năm nay.

Yêu cầu tăng thu, chi ngân sách, dù không dễ dàng gì trong bối cảnh hiện tại vẫn là chuyện buộc phải đặt ra. Tuy nhiên, trước sức ép tăng trưởng ngày càng lớn này, ông Phan Văn Chín cho hay ngành thuế, hải quan sẽ chịu trách nhiệm thường xuyên theo dõi, xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế, phí… còn thất thu, kịp thời có các giải pháp để thu vào ngân sách nhà nước, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu ngân sách, triển khai thu nợ thuế, nhất là 2 công ty vàng. Các địa phương tập trung thu ngân sách nhà nước, thu hồi các khoản nợ đọng thuế, kê khai, quyết toán thuế… Đối với những nhiệm vụ chi phát sinh không thể trì hoãn nữa thì địa phương tự cân đối, sắp xếp trong dự toán đã giao, kể cả điều chỉnh cắt giảm những nhiệm vụ chi chưa thật sự cấp bách nhằm bảo đảm tính hiệu quả và trong khả năng cân đối của ngân sách cấp mình. “Theo dõi, thu hồi nợ đọng, tận thu các khoản để cân đối thu chi. Không để bội chi. Kiểm soát chặt chẽ việc tạm ứng của các địa phương. Nếu hụt thu thì phải giảm chi, không thể theo dự toán được. Các địa phương cần thông cảm cho tình hình ngân sách hạn hẹp vì nếu như cấp tạm ứng quá lớn sẽ không còn quỹ để chi tiền lương, dẫn đến sự bất ổn ngân sách” - ông Chín nói.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Áp lực cân đối ngân sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO