Dịch vụ du lịch là yếu tố quan trọng để thu hút và lưu giữ khách ở lại nhiều ngày tại mỗi điểm đến. Những năm gần đây, cùng với tốc độ tăng trưởng du lịch thì các dịch vụ liên quan như hạ tầng, lưu trú, sản phẩm lưu niệm… cũng chịu áp lực chung trước nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Tỷ lệ đăng ký phòng thấp
Tính đến hết quý I.2013 toàn tỉnh có 185 khách sạn và cơ sở lưu trú với 5.216 phòng, tập trung chủ yếu tại TP.Hội An. Trong đó, khách sạn từ 3 - 5 sao có khoảng 2.500 phòng, chiếm gần 50% tổng số phòng khách sạn của tỉnh. Nhiều khách sạn như The Nam Hải, Palm Garden, Golden Sand, Victoria… đã đạt chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, dù lượng khách đến Quảng Nam không ngừng gia tăng nhưng tỷ lệ lấp đầy phòng tại các khách sạn cũng chỉ đạt khoảng 60 - 70%, thậm chí trong những tháng thấp điểm (tháng 9, 10) tỷ lệ lấp đầy phòng chưa đến 25%. Ông Trần Ngọc Trung - Giám đốc Khách sạn Golf Hội An cho rằng, trong tình hình hiện nay, với tỷ lệ như vậy là chấp nhận được, dù mục đích của doanh nghiệp luôn mong muốn tỷ lệ lấp đầy phải đạt từ 90 - 100%. Theo ông Trung, dù mới bước vào những tháng đầu năm nhưng tỷ lệ khách lưu trú đã có dấu hiệu sụt giảm, dự kiến những tháng mùa hè sắp đến tỷ lệ khách đặt phòng cũng chỉ đạt khoảng 50%. “Một trong những nguyên nhân khách sụt giảm là thời gian qua Đà Nẵng xuất hiện nhiều khách sạn mới đẹp, giá rẻ nên khách nội địa chỉ đến Hội An dạo phố cổ, tham quan trong ngày rồi quay về Đà Nẵng ở lại” - ông Trung nói.
Nhiều khách sạn tiện nghi nhưng tỷ lệ lấp đầy phòng vẫn còn thấp. |
Thực tế cho thấy, trong vài năm gần đây tỷ lệ đặt phòng tại các cơ sở lưu trú, khách sạn mới chỉ đạt 65% công suất, những dịp có sự kiện đặc biệt như lễ, tết… tỷ lệ này có nhích hơn, nhưng khoảng thời gian này không nhiều. “So với 60% của Đà Nẵng và 50% của Huế thì tỷ lệ lấp đầy phòng của các khách sạn tại Quảng Nam không phải là thấp. Điều cần quan tâm hiện nay là sự mất cân đối giữa khu vực phía bắc và nam của tỉnh, khi từ Duy Xuyên vô đến Núi Thành mới chỉ có 11 khách sạn đạt chuẩn. Thời gian đến khi 2 khu du lịch Hố Giang Thơm và Bàn Than (Núi Thành) hoạt động sẽ khó đáp ứng được nhu cầu lưu trú của khách” - ông Hồ Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết. Ngoài ra, số khách sạn đạt sao cũng rất ít, hiện mới chỉ có khách sạn Lê Dung (Tam Kỳ) đạt 3 sao, còn lại hầu hết mới đạt chuẩn đón khách. Tuy nhiên, theo ông Phạm Quốc Hùng (khách sạn Lê Dung), việc phát triển khách sạn chủ yếu phụ thuộc vào thị trường và dân số tại chỗ nên dù có vị trí nằm ngay trung tâm hành chính của tỉnh nhưng tỷ lệ lấp đầy phòng của khách sạn hiện rất thấp, chỉ đạt khoảng 15%, chủ yếu đón khách công vụ và dự án. “Mỗi tuần khách sạn chỉ đón khách được 3 ngày là thứ Ba, thứ Tư, thứ Năm nhưng cũng chỉ được khoảng 40% số phòng, thứ Sáu thứ Bảy, Chủ nhật hầu như vắng vẻ” - ông Hùng chia sẻ.
Áp lực khách Trung Quốc
Ngoài áp lực về công suất lấp đầy phòng ốc, một vấn đề gây “đau đầu” cho du lịch Quảng Nam thời gian gần đây là sự gia tăng đột biến khách Trung Quốc, đây được xem là những khách chi tiêu ít nhưng “phá phách” nhiều nên doanh nghiệp hầu như không mặn mà với nguồn khách này. Một số doanh nghiệp còn “né” khách Trung Quốc, thậm chí có doanh nghiệp phải bố trí phòng ăn riêng tại khách sạn cho khách Trung Quốc vì sợ ảnh hưởng đến các nhóm khách khác. Theo ông Nguyễn Công Hường - Trưởng ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn, mỗi khi có đoàn khách Trung Quốc đến tham quan Mỹ Sơn là một lần “cực hình” cho lực lượng bảo vệ và phục vụ nơi đây. “Họ xả rác, vệ sinh bừa bãi hoặc leo trèo lên tường tháp dù đã có bảng cấm, bảo vệ nói họ giả lơ không hiểu hoặc không chịu xuống” - ông Hường than thở. Với những “đặc tính” như trên về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến khách ở các thị trường khác, nhất là thị trường khách châu Âu.
Thống kê từ Sở VH-TT&DL cho thấy, tổng lượng khách Trung Quốc đến Quảng Nam đã tăng từ 13.343 khách năm 2012 lên con số 33.791 khách năm 2013, riêng quý I.2014 số khách Trung Quốc đã chiếm khoảng 35% trong số gần 790 nghìn lượng khách đến Quảng Nam. “Rất khó xác định những tác động tiêu cực của khách Trung Quốc gây ra tính đến thời điểm hiện tại. Vì vậy, Sở VH-TT&DL cần phải tổ chức một buổi tọa đàm có sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch mới có thể khẳng định những mặt tích cực và tiêu cực do khách Trung Quốc mang lại” - ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm VH-TT Hội An đề xuất. Ông Phùng cũng cho rằng, trong khi chờ kết luận về những tác động do khách Trung Quốc gây ra thì không thể phủ nhận việc tăng trưởng nguồn khách Trung Quốc là tín hiệu tốt giúp đa dạng hóa thị trường khách hiện nay, đặc biệt là bổ sung thay thế nguồn khách châu Âu đang có dấu hiệu sụt giảm trong những tháng thấp điểm.
Lợi ích của du lịch mang lại cho kinh tế, xã hội địa phương là điều không bàn cãi. Tuy nhiên, thành công của du lịch không chỉ dựa trên số lượng khách tăng hàng năm mà còn thể hiện ở sự phát triển đồng bộ các dịch vụ, đáp ứng được nhu cầu của du khách. Khi đó áp lực du lịch cũng sẽ chính là động lực để thúc đẩy du lịch Quảng Nam phát triển ổn định và bền vững trong thời gian đến.
KHÁNH LINH