UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư, địa phương nỗ lực hợp tác, tìm kế sách để đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 tốt nhất.
Tỷ lệ giải ngân thấp so bình quân cả nước
Quảng Nam có hàng nghìn dự án, công trình khắp địa bàn. Không chỉ riêng những dự án vốn lớn địa phương thiếu nhân lực, mà ngay cả khối tỉnh với các ban quản lý chuyên ngành... cũng ì ạch giải ngân.
Thống kê của Kho bạc Nhà nước Quảng Nam, tính đến ngày 27/9/2024, vốn đầu tư công năm 2024 (không bao gồm các dự án trung ương quản lý) chỉ giải ngân đạt gần 40,8% (3.624 tỷ/8.884 tỷ đồng). Tỷ lệ này thấp hơn cùng kỳ (năm 2023 khoảng 43,8%), thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân cả nước (42,63%).
Kế hoạch vốn đầu tư công 2024 chỉ đạt 38,8% (2.741 tỷ/7.057 tỷ đồng). Kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài thời gian giải ngân khá hơn đôi chút, nhưng cũng không thể đạt đến 50% khi chỉ đạt 48,3% (883 tỷ/1.827 tỷ đồng). Một thống kê khác công bố chỉ 10/27 chủ đầu tư khối tỉnh và 6/18 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân hơn 50%.
Theo ông Nguyễn Hưng - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, nguyên nhân chính giải ngân yếu vẫn là việc quản lý, điều hành thiếu quyết liệt, sâu sát. Giải phóng mặt bằng kéo dài.
Nhân lực phục vụ công tác giải phóng mặt bằng không đủ. Thiếu vật liệu xây dựng thông thường, giá thành cao so với đơn giá lập dự toán. Phần lớn công trình theo hình thức hợp đồng trọn gói hoặc đơn giá cố định, dẫn đến một số nhà thầu triển khai thi công cầm chừng chờ cập nhật, điều chỉnh chỉ số giá xây dựng phù hợp với đơn giá thị trường.
Các dự án sử dụng ngân sách trung ương chuyển tiếp phải hoàn thành năm kế hoạch (năm 2024), theo quy định của Thủ tướng Chính phủ phải ưu tiên bố trí đủ vốn cho dự án từ đầu năm, khi vướng mắc, tỷ lệ giải ngân thấp, vẫn khó điều chỉnh giảm kế hoạch vốn, để chuyển sang các dự án khác đã có khối lượng và tỷ lệ giải ngân tốt.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng yêu cầu chậm nhất ngày 10/10/2024, nếu tiêu không hết vốn, các chủ đầu tư phải báo cáo và đề xuất UBND tỉnh điều chuyển vốn. Sau ngày 10/10/2024, nếu chủ đầu tư, địa phương không báo cáo thì cuối năm làm không xong sẽ bị xử lý trách nhiệm. Người đứng đầu, người phân công phụ trách sẽ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ.
Ngoài ra, thời tiết miền núi phức tạp, mưa kéo dài, nguy cơ sạt lở rất cao nên việc thi công bị gián đoạn. Các dự án y tế gặp khó liên quan đến công tác thẩm định giá thiết bị. Dự án sử dụng vốn ODA chậm do công tác xem xét và chấp thuận của nhà tài trợ đối với các thủ tục đầu tư, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ rút vốn thường rất lâu.
Còn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia thiếu sự phối hợp đồng bộ, thống nhất và quyết tâm cao trong chỉ đạo điều hành từ cấp ủy đảng đến chính quyền. Nhiều dự án bị vướng đất rừng, quy hoạch vẫn còn, luật chồng chéo và ngay cả nguồn vốn sự nghiệp hơn 100 triệu đồng vẫn phải đấu thầu... dẫn đến ảnh hưởng tiến độ giải ngân.
Nguyên nhân viện dẫn cho tỷ lệ giải ngân thấp không có gì mới. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nói, tiến độ giải ngân thấp như hiện tại là điều không thể chấp nhận được. Không thể đổ lỗi cho cơ chế, chính sách, nguyên nhân này, kia.
Tại sao cũng cơ chế, chính sách ấy, nhưng có chủ đầu tư, địa phương lại giải ngân tốt, còn mình thì không? Các chủ đầu tư, địa phương phải xem lại trách nhiệm, nhìn nhận sự yếu kém của mình khi không thể giải ngân hết vốn. Có phải vì thiếu trách nhiệm, quyết tâm trong quản lý, điều hành của chủ đầu tư hay chính quyền địa phương hay không?
Tìm mọi cách giải ngân tốt nhất
Các chủ đầu tư, địa phương đều cam kết sẽ giải ngân tối đa vốn đầu tư công năm 2024. Song theo phân tích của các cơ quan quản lý (KH-ĐT, Tài chính, Kho bạc Nhà nước) thì giải ngân hết vốn đầu tư năm 2024 chỉ là quyết tâm chính trị; không thể nào thực hiện được khi chỉ còn 4 tháng nữa là kết thúc niên độ tài chính.
Ông Nguyễn Hưng nói, giải ngân chỉ còn 3 tháng nữa là kết thúc. Số vốn còn lại phải giải ngân khoảng hơn 5.500 tỷ đồng. Nguồn kéo dài 2023 sang rất lớn. Số vốn này chỉ được phép giải ngân trong năm 2024, nên các chủ đầu tư, địa phương sẽ phải ưu tiên cho việc giải ngân hết các nguồn vốn kéo dài này cũng đã là chuyện vô cùng khó khăn.
Xem xét trách nhiệm các chủ đầu tư, địa phương khi giải ngân thấp là chuyện sẽ thực hiện. Nhưng điều đó cũng không quá quan trọng bằng việc làm thế nào để nâng cao năng lực các chủ đầu tư để có thể tiêu hết vốn đầu tư công năm 2024. Các chủ đầu tư, địa phương đều cam kết giải ngân 100% vốn năm 2023 kéo dài. Sẽ rà soát, xin chuyển nguồn hoặc trả vốn về ngân sách tỉnh.
Ông Lê Văn Sinh - Chủ tịch UBND huyện Núi Thành thừa nhận, năng lực địa phương yếu kém nên dù đã rà soát dự án nào không đủ khả năng thực hiện thì điều chuyển, nhưng không thể đạt tỷ lệ giải ngân tốt, chỉ mới dừng lại việc tạm ứng hoặc thanh toán một ít công trình có khối lượng. Sẽ cố gắng giải ngân, nhất là phần tư vấn, được chừng nào hay chừng ấy và số vốn không giải ngân xin điều chuyển hoặc trả về ngân sách.
Tiến độ thực tế cho thấy, không thể giải ngân hết 100% kế hoạch vốn năm 2024. Việc cắt giảm, điều chuyển vốn sẽ gia tăng tỷ lệ giải ngân cũng chỉ là những giải pháp nhất thời, tình thế. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại thì “cơ chế” này là phương pháp tốt nhất.
Ông Nguyễn Hưng nói, phải điều chuyển ngay trong nội bộ ngành, đẩy nhanh tiến độ nguồn vốn trung ương, không để kéo dài. Những dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài nhiều năm không triển khai được thì cắt, dừng dự án, quyết toán, không để kéo dài quá thời gian quy định...
“Trả vốn, điều chuyển thì chủ đầu tư, địa phương nên đề xuất sớm. Muốn điều chuyển, đẩy nhanh tiến độ thì phải hoàn thành trước 15/11/2024” - ông Hưng nói
Áp lực giải ngân thời gian còn lại quá lớn. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn, giải pháp gì chăng nữa cũng phải hạn chế mất vốn. Phải giải ngân 100% kế hoạch vốn kéo dài. Ưu tiên giải ngân vốn trung ương.
Lãnh đạo địa phương, chủ đầu tư không thể đứng ngoài cuộc. Xác định các phần việc còn lại trong từng dự án, phân kỳ đầu tư, từ đó xem xét đâu là điều chuyển, đâu là cương quyết giải ngân. Công trình, dự án nào bất khả kháng thì phải xác định điều chuyển trước 15/11/2024.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng yêu cầu các chủ đầu tư, địa phương đặt quyết tâm cao nhất để đạt tỷ lệ giải ngân tốt nhất. Các chủ đầu tư chủ động kiểm tra, rà soát đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án cụ thể có tỷ lệ giải ngân thấp để đề xuất cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn sang các dự án đảm bảo khối lượng, có thể giải ngân ngay khi tiếp nhận nguồn vốn bổ sung trong nội bộ của từng đơn vị hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh giảm kế hoạch vốn năm để điều chuyển cho các đơn vị, địa phương có nhu cầu bổ sung vốn trong kỳ họp HĐND tỉnh dự kiến cuối tháng 10/2024 sắp đến. Ưu tiên bố trí đủ kinh phí để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích có đủ điều kiện. Tránh để tình trạng dự án chờ mặt bằng, “ngâm” vốn, làm giảm hiệu quả đầu tư dự án. Thường xuyên báo cáo tiến độ dự án (hai tuần/lần).