Sáu tháng đầu năm 2019, mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh đang gặp áp lực lớn khi chỉ có hơn 60% số hộ nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững, và hơn 84% số hộ cận nghèo đăng ký thoát cận nghèo.
Lo lắng chỉ tiêu giảm nghèo
Theo Sở LĐ-TB&XH, đến nay có 3.165 hộ nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững, so với chỉ tiêu năm 2019 của tỉnh (5.005 hộ) chỉ đạt 63,32%. Số hộ đăng ký thoát cận nghèo bền vững có 2.522 hộ, chỉ đạt 84,07% so với mục tiêu đặt ra là 3.000 hộ. Mục tiêu về con số thoát nghèo và cận nghèo bền vững đã được đặt ra trong các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh từ đầu năm 2019. Trong nhiều cuộc họp bàn về chỉ tiêu này, ngành LĐ-TB&XH lo lắng sẽ khó đạt con số giao, các huyện kêu khó, nhưng chỉ tiêu đã giao phải đặt quyết tâm phấn đấu giúp hộ nghèo thoát nghèo. Kế hoạch đã được đặt ra, một số huyện miền núi có quyết tâm cao còn bàn bạc, ban hành hẳn những nghị quyết trợ giúp hộ nghèo thoát nghèo trong các kỳ họp HĐND ở huyện từ đầu năm như Nam Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My.
Ở khu vực 9 huyện đồng bằng, UBND tỉnh giao cấp huyện phấn đấu đạt 1.755 hộ thoát nghèo bền vững, đến nay chỉ có 725 hộ nghèo đăng ký (đạt 41,31%). Ở khu vực 9 huyện miền núi, UBND tỉnh giao giảm 3.250 hộ thoát nghèo bền vững, nhưng chỉ có 2.444 hộ nghèo đăng ký cho đến nay (đạt 75,20%). Theo phân tích của Sở LĐ-TB&XH, thực tế tình trạng của hơn 31 nghìn hộ nghèo còn lại hiện nay chủ yếu ở khu vực miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (hơn 18.700 hộ), các huyện đồng bằng dù còn ít nhưng lại rơi vào nhóm đặc biệt khó khăn, khó thoát nghèo, thậm chí có những hộ chỉ còn người già, hoặc hộ người đơn thân nuôi con nhỏ, nên chỉ biết chờ những đứa con lớn lên, có việc làm thì mới mong gia đình hết nghèo.
Ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Giảm nghèo càng về sau càng khó, như các con số đã phân tích thì khu vực tập trung đông hộ nghèo rất khó khăn, khó phát triển kinh tế, thiếu việc làm, ý thức, dân trí thấp, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách... nên vận động họ thoát nghèo rất khó. Nếu các địa phương thực hiện không quyết liệt thì e rằng con số hộ nghèo phải giảm năm nay gặp thách thức lớn”.
Giảm nghèo phải thực chất
Từ thực tế trên mà trong buổi làm việc với Ban Văn hóa - xã hội (HĐND tỉnh) vào sáng qua 26.6, Sở LĐ-TB&XH kiến nghị điều chỉnh chỉ tiêu theo hướng giảm 3.500 hộ nghèo của cả năm 2019. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh tham gia cuộc họp cho rằng con số là mục tiêu phấn đấu, nên phấn đấu cứ mang tính thực chất, giảm được bao nhiêu hộ nghèo một cách bền vững thì mừng bấy nhiêu.
Bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa - xã hội nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục khảo sát tại cơ sở đưa ra con số để phấn đấu làm thực chất và làm tốt. Vấn đề ở đây là các huyện đã vào cuộc thế nào trong việc giúp dân giảm nghèo thực chất, dù là con số nào thì mục tiêu cũng là giúp người dân thoát nghèo”. Bà Thu khuyến nghị các địa phương không nên “ép”, đưa hộ không đủ điều kiện vào danh sách để đạt được con số báo cáo. Sau đó vì không hội đủ các điều kiện, họ tái nghèo. Các huyện phải xét thực tế từng hộ gia đình, xét thấy hộ nào đủ điều kiện thì vận động họ thoát nghèo, và chính quyền huyện, xã phải đồng hành với người dân.
Về những thách thức trong công cuộc giảm nghèo của tỉnh, bà Trương Thị Lộc - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh nhìn nhận việc giảm nghèo hiện nay chủ yếu tập trung ở khu vực miền núi, nhưng đồng bào dân tộc thiểu số muốn thoát nghèo rất khó. Bà Lộc cho hay: “Ở miền núi đa số người dân không biết làm gì để thoát nghèo, chính quyền xã thì thờ ơ, chưa tích cực giúp dân thoát nghèo. Chỉ một số huyện có đề án, có sự vào cuộc của lãnh đạo huyện quyết liệt thì mới mong thoát nghèo được. Tôi dám khẳng định những con số báo cáo lên mà thoát nghèo cao là bệnh thành tích chứ không phải thực chất. Chúng ta nên đi bước nào chắc bước đó. Con số hộ đăng ký thoát nghèo bền vững và thoát cận nghèo bền vững đến nay dù chưa đạt được chỉ tiêu, nhưng nếu đó là con số thực chất thì vẫn là điều đáng mừng”.