Áp lực giữ đất lúa

C.B.L 05/06/2018 09:26

Cơn mưa đột xuất hôm qua có thể đã vơi đi một phần nỗi lo của những nông dân đang toát mồ hôi trên cánh đồng lúa hè thu. Dù vậy, ở những nơi sản xuất lúa nhờ nước trời, nông dân vẫn chưa hết lo vì vụ hè thu nào nước nôi cũng bấp bênh, năng suất sụt giảm. Than trời, nhưng chuyện từ bỏ cây lúa với nhiều nông dân có vẻ là một quyết định tồi tệ!

Thường vào mỗi vụ hè thu, một số diện tích lúa ở những vùng khó khăn nước tưới lại bị bỏ hoang, nhưng phần lớn vẫn được nông dân bám trụ sản xuất vì theo nhiều người dù lấy công làm lời, thậm chí lỗ vốn nhưng được cái có thóc lúa trong nhà để nuôi gia súc gia cầm, có rơm cho đàn trâu bò, và... có việc để làm. Làm lúa ở nhiều vùng ven sông của Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành thì đến vụ hè thu càng khổ sở vì đất đai manh mún, chưa có hệ thống thủy lợi, nước mặn từ sông lăm le lấn vào..., nhưng nhiều người vẫn bám trụ vì dường như không biết cách nào ổn định hơn. Trong khi đó, ở các vùng sản xuất thuận lợi như Phú Ninh, Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, dù cây lúa đã giúp gánh gồng bớt chi phí đời sống cho nhiều gia đình, nhưng chuyện làm giàu từ lúa chỉ là giấc mơ. Mong ước trước mắt của nông dân là hạt lúa có thể trở thành thứ hàng hóa ổn định, nuôi sống được những lao động quá tuổi vì đã bám trụ đằng đẵng với cây lúa.

Bám trụ cây lúa với cái nhìn của nông dân là để ổn định một khoản thu hoạch nào đó có thật, “mọc” lên từ đồng đất và có thể tạo ra “chuỗi sản xuất” kinh tế hộ dù ở quy mô rất nhỏ, bấp bênh. Còn xa hơn, theo cái nhìn của các nhà quản lý xã hội, giữ đất lúa là cách để đảm bảo an ninh lương thực, ổn định cơ cấu lao động và dân cư vùng nông thôn, giảm áp lực về môi trường... Tuy nhiên, theo thống kê, Quảng Nam hiện có khoảng 60.000ha đất trồng lúa, nhưng trong 2 năm trở lại đây diện tích sụt giảm 600ha. Theo kế hoạch sử dụng đất, từ năm 2011 đến 2020 sẽ chuyển khoảng 2.100ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, trong đó nhiều diện tích trồng lúa nằm ở vị trí thuận lợi đã và đang nhường chỗ cho các dự án. Dễ thấy nhất là nhiều ruộng lúa dọc quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh được chuyển đổi mục đích để khai thác quỹ đất, xây dựng các công trình cây xăng, bệnh viện... Còn ở vùng nông thôn, các địa phương cũng đã khai thác nhiều thửa đất lúa để trả nợ xây dựng cơ bản nông thôn mới. Đất lúa có nguy cơ hao hụt cao còn bởi việc khai thác đất lúa hiện nay được cho là “dễ ăn” do ít tốn chi phí giải tỏa, không vướng mặt bằng, có thể đẩy nhanh tiến độ dự án.

Giữ đất và phát huy hiệu quả sản xuất lúa là chủ trương được thực hiện xuyên suốt, và Quảng Nam là một trong những địa phương được đánh giá thành công với nhiều mô hình nâng cao hiệu quả kinh tế cho cây lúa. Tuy nhiên, việc giữ đất lúa hiện nay có quá nhiều áp lực khi hiệu quả của những cánh đồng không dễ thấy như các dự án khai thác đất lúa!

C.B.L

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Áp lực giữ đất lúa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO