Với các hiệp định thương mại tự do (FTA), hàng Việt đang phải cạnh tranh sòng phẳng với hàng nhập ngoại. Các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh chủ động nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường.
Sức ép lớn
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã có hiệu lực, mở ra cơ hội xuất khẩu cho hàng hóa trong nước nói chung, Quảng Nam nói riêng. Các DN dệt may, da giày, chế biến nông, lâm, thủy sản của Quảng Nam đẩy mạnh cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe để xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU).
Tương tự, hàng hóa của các nước EU sẽ vào thị trường trong nước ngày càng nhiều hơn. Các mặt hàng rau củ quả nói riêng, nông sản nói chung sẽ chịu sức ép lớn bởi các quy trình sản xuất hữu cơ, VietGAP chưa được nhân rộng trên địa bàn tỉnh để sản phẩm đáp ứng quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Các loại trái cây Trung Quốc có mặt hầu khắp trên thị trường Quảng Nam tạo sức ép về giá cả với trái cây được trồng trên địa bàn tỉnh từ nhiều năm nay. Nhiều ý kiến cho rằng, với lợi thế của trái cây nhập khẩu từ EU là mẫu mã đẹp, lạ, chất lượng tốt, được bao gói bắt mắt, nhiều loại trái cây của Quảng Nam càng khó được thị trường đón nhận. Không chỉ vậy, EVFTA có hiệu lực, trái cây đến từ EU sẽ được miễn giảm thuế, giá cả phải chăng cũng là lợi thế lớn so với trái cây được trồng trên địa bàn tỉnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, với cam kết của EVFTA, nước ta sẽ mở cửa để hàng hóa EU vào Việt Nam, tạo “sân chơi” sòng phẳng. Cọ xát, cạnh tranh lành mạnh sẽ khiến cho hàng hóa trong nước dồi dào hơn, thuận tiện cho mua sắm của người tiêu dùng. Cạnh tranh cũng buộc DN tự vượt lên so với chính mình, đổi mới, sáng tạo, cải tiến sản xuất, đón đầu thị trường, tạo nên các mặt hàng chất lượng hơn, nâng tầm hàng Việt.
Bộ Công Thương hỗ trợ DN trong nước bằng cách chú trọng tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, đưa hàng Việt đến gần với người tiêu dùng hơn. Các nhóm giải pháp xây dựng cơ chế, cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh, cải cách hành chính nhằm hỗ trợ DN sản xuất, kinh doanh thuận lợi sẽ được triển khai sâu rộng, kỳ vọng đem lại hiệu quả lớn.
Thích ứng của doanh nghiệp
Hàng hóa của EU sẽ rộng đường có mặt trên địa bàn tỉnh. Để cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu cùng loại từ EU, các DN trên địa bàn tỉnh đang vận động, thích ứng.
Ông Dương Phú Minh Hoàng - Giám đốc Công ty CP Cẩm Hà - DN chuyên sản xuất, kinh doanh mặt hàng gỗ nội thất, gỗ dân dụng ở TP.Hội An cho biết, mỗi năm, khách hàng thường xuyên yêu cầu giảm giá bán sản phẩm để họ chiếm ưu thế cạnh tranh trong kinh doanh trên thị trường. Trong khi giá cả và các yếu tố đầu vào trong nước như chi phí bảo hiểm xã hội, giá điện, nước, giá vật tư, sắt, thép, xăng dầu liên tục tăng nên DN rất khó khăn.
Không có cách nào khác, Công ty CP Cẩm Hà phải đào tạo đội ngũ nhân viên thiết kế có tay nghề cao, năng lực chuyên môn vững vàng, sáng tạo nên các sản phẩm có nét riêng. Công ty cũng phải thường xuyên cải tiến, tối ưu hóa sản phẩm nhằm mang lại hiệu quả kinh doanh cao. Ngoài ra, DN phải thường xuyên đầu tư thêm máy móc thiết bị tự động nhằm tăng năng suất, giảm giá thành sản phẩm. “Hội nhập ngày càng sâu rộng đòi hỏi DN phải đổi mới từng ngày để thích ứng” - ông Hoàng nói.
Đã định hình thương hiệu, được người tiêu dùng đón nhận khi sản phẩm có mặt ở hầu hết các siêu thị lớn như BigC, Co.opMart, VinMart tại TP.Tam Kỳ và TP.Đà Nẵng nhưng ông Phạm Văn Huệ - Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất dầu thực vật nguyên chất Bảo Tâm (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) vẫn tìm cách nâng cao chất lượng cho sản phẩm. Để chế biến các loại dầu phụng, dầu mè, dầu dừa, dầu gấc nguyên chất được thuận lợi trong mùa mưa, mới đây, ông đã đầu tư hệ thống sấy tự động, nguồn nguyên liệu luôn được chủ động.
“Tôi tiếp tục đầu tư công nghệ khép kín để vừa tăng năng suất, giảm chi phí, vừa khiến các loại dầu đảm bảo chất lượng hơn. Tôi sẽ hạn chế sử dụng chai nhựa cho sản phẩm, thay vào đó là chai thủy tinh, thân thiện với người dùng và môi trường. Logo thương hiệu là chưa đủ, tôi dán tem QR cho hàng hóa để thêm gây ấn tượng với người tiêu dùng” - ông Phạm Văn Huệ nói.
Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, DN trên địa bàn tỉnh cần chủ động chuẩn bị nguyên liệu, đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tăng sức cạnh tranh với các kế hoạch dài hạn, bài bản. Điều quan trọng nhất là các DN ứng dụng công nghệ mới, kỹ thuật tiên tiến để nâng cao chất lượng cho sản phẩm. Một điều quan trọng nữa là cần phối hợp chặt chẽ giữa các DN để xây dựng chuỗi liên kết, khẳng định thương hiệu, vị thế của sản phẩm, hàng hóa.