Áp lực kiểm soát nước thải

TRẦN HỮU 22/03/2017 08:58

Hôm qua (21.3), hưởng ứng Ngày nước thế giới (22.3) và Ngày khí tượng thủy văn (23.3), Sở Tài nguyên - môi trường tổ chức tọa đàm với chủ đề “Nước thải” nhằm tìm kiếm những giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước.

Trạm xử lý nước thải cho đô thị Tam Kỳ đưa vào vận hành năm 2016 tại phường Hòa Hương.  Ảnh: TRẦN HỮU
Trạm xử lý nước thải cho đô thị Tam Kỳ đưa vào vận hành năm 2016 tại phường Hòa Hương. Ảnh: TRẦN HỮU

Ô nhiễm tràn lan

Chính sách phát triển kinh tế “nóng”, thu hút đầu tư bằng mọi giá một thời đã khiến nhiều vùng, địa phương trong tỉnh thành bãi chứa nước thải. Cảnh quan môi trường tự nhiên một số vùng bị bức tử, ô nhiễm lan rộng từ đầu nguồn xuống biển, phổ biến ở các khu công nghiệp (KCN) - cụm công nghiệp (CCN), khu đô thị, cơ sở y tế...  Nước thải công nghiệp luôn là mối lo hàng đầu, đe dọa môi trường sống, sức khỏe con người. Đến nay, cả tỉnh có 6 KCN và 51 CCN đang hoạt động, cùng hàng trăm cơ sở sản xuất nhỏ lẻ với lượng nước thải phát sinh ước khoảng 23.600m3/ngày đêm. Trong số 51 CCN thì chỉ có mỗi CCN Trường Xuân (TP.Tam Kỳ) được xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.  Đối với các cơ sở đang hoạt động trong và ngoài CCN mới có 77/144 cơ sở, đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, còn lại chưa xây dựng hệ thống xử lý hoặc có hệ thống xử lý nhưng chưa có nguồn tiếp nhận.   

Theo dự báo, đến năm 2020, lưu lượng nước thải của toàn tỉnh ước khoảng 246.670m3/ngày đêm (chưa kể nước thải nông nghiệp), tăng 81,6% so với giai đoạn hiện nay (tương đương 110.944 m3/ngày đêm). Trong đó, nước thải công nghiệp chiếm đến 93,8% tổng lượng nước thải tăng thêm, điều này đặt ra áp lực không nhỏ đối với chất lượng nguồn nước trên các lưu vực hạ lưu sông.

Kết quả phân tích gần đây cho thấy, các thông số ô nhiễm chính trong nước thải của các nhà máy xả thải vào mạng lưới thu gom nước thải của KCN Điện Nam - Điện Ngọc gồm COD, BOD5, chất rắn lơ lửng, NH4+, nitơ, phốt pho… Điển hình một số nhà máy có lượng xả thải nhiều, có mức độ ô nhiễm và ảnh hưởng lớn đến nhà máy nước thải như nhà máy Lixil Inax (thành phần kim loại nặng) của Công ty Giấy Sài Gòn miền Trung; nhà máy sản xuất bao bì Tấn Đạt của Công ty Đông Phương... Riêng nước thải từ cơ sở y tế ước khoảng 710m3/ngày đêm.

Theo bà Lê Thị Tuyết Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, nguồn thải chứa nhiều chất ô nhiễm, tiềm ẩn nguy cơ gây dịch bệnh cho cộng đồng. Trong tổng số 25 cơ sở  y tế hiện nay thì mới có 5 cơ sở đầu tư hệ thống xử lý nước thải hoạt động hiệu quả, 9 cơ sở đầu tư hệ thống nhưng sử dụng kém hiệu quả và 11 cơ sở chưa đầu tư hạng mục xử lý nước thải theo quy định. Nước thải sinh hoạt tăng hàng năm từ tốc độ đô thị hóa (đạt ngưỡng 110.800m3/ngày đêm) nhưng hiện mới có 2 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung ở TP.Tam Kỳ và Hội An. Tại đô thị Tam Kỳ, trước đây đầu tư hệ thống thoát nước chung (nước thải và nước mưa) đổ ra sông Bàn Thạch và sông Tam Kỳ chưa qua xử lý. Hệ thống thoát nước chung hiện có của thành phố cũng chỉ đáp ứng nhu cầu cho các phường trung tâm và chỉ giải quyết được phần nào hiện tượng ngập úng. Nhiều gia đình trong thành phố xả nước thải tự nhiên ra các khu vực thoát nước xung quanh nhà gây ra mùi hôi thối, ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan của thành phố.

Mở rộng hệ thống xử lý nước thải

Thông qua sự giúp đỡ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới trong chương trình cấp nước và xử lý nước thải đô thị cho một số đô thị tại Việt Nam, từ năm 2011, TP.Tam Kỳ đầu tư 520 tỷ đồng xây dựng toàn bộ hệ thống thoát nước mưa, nước thải, đấu nối nước thải hộ gia đình trong 7 phường nội thị, các trạm bơm trung chuyển nước thải và trạm xử lý nước thải. Hiện nay dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tổng số hộ đấu nối trực tiếp là 1.460 hộ và 16.000 hộ đấu nối gián tiếp vào hệ thống xử lý nước thải, khối lượng nước thải thu gom xử lý hiện nay khoảng 4.500m3/ngày đêm. Theo Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam, đây là dự án nằm trong hợp phần cải thiện môi trường, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị, giảm thiểu tình trạng ngập úng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và các dịch bệnh có nguyên nhân từ việc ứ đọng nước thải không được xử lý. Cùng với đó, Tam Kỳ cũng đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải CCN Trường Xuân, khu giết mổ gia súc tập trung Trường Xuân và trạm xử lý nước thải Trung tâm thương mại TP.Tam Kỳ.

Còn ở TP.Hội An, tranh thủ nguồn vốn ODA của Cộng hòa Pháp để xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất thiết kế 6.750m3/ngày đêm tại xã Cẩm Thanh, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu xử lý nước thải của toàn thành phố. Theo Phòng Tài nguyên - môi trường TP.Hội An, lượng nước thải đô thị còn lại của thành phố sẽ triển khai phương án thu gom và xây dựng các trạm xử lý nước thải phân tán, từ đầu tư các trạm xử lý tại khu tái định cư Làng Chài, KCN Thanh Hà, khu đô thị Thanh Hà và kêu gọi Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ 243 tỷ đồng thiết kế, xây dựng trạm xử lý nước thải Chùa Cầu có công suất 2.000m3/ngày đêm. Khó khăn lớn nhất trong thu gom và xử lý nước thải của thành phố là còn 60% diện tích các khu dân cư sử dụng hệ thống thoát nước chung giữa nước thải và nước mưa chảy tràn. Các công trình xử lý nước thải đô thị chưa được xây dựng.

Trong khi đó, theo Công ty CP Phát triển đô thị và KCN Quảng Nam Đà Nẵng (chủ đầu tư KCN Điện Nam - Điện Ngọc), thời gian qua đơn vị đã trang bị hệ thống quan trắc tự động online giám sát liên tục 24/24 giờ các chỉ tiêu cơ bản của nước thải đầu ra như nồng độ pH, COD, Tss. Tần suất giám sát định kỳ toàn bộ các chỉ tiêu của nước thải đầu ra, bùn thải là 1 lần/tháng. Trong trường hợp cần thiết, tần suất được tăng cường, thậm chí 3 - 4 lần/tháng, do các đơn vị có đầy đủ trang thiết bị và uy tín thực hiện như Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng; Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2; Phân viện Bảo hộ lao động và bảo vệ môi trường miền Trung… Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Lê Thị Tuyết Hạnh cho rằng, chủ đề của Ngày nước thế giới 2017 là “Nước thải” rất có ý nghĩa trong bối cảnh các địa phương lúng túng tìm giải pháp khắc phục ô nhiễm nguồn nước thải đến mức báo động. Điều quan trọng, thông qua các chiến dịch tuyên truyền, vận động, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp sẽ chung tay hướng đến một nền kinh tế tăng trưởng xanh bằng cách sử dụng bền vững tài nguyên nước, tái sử dụng nước một cách hiệu quả và thực thi các chính sách, pháp luật bảo vệ tài nguyên nước.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Áp lực kiểm soát nước thải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO