Áp lực nguồn lao động công nghiệp - Bài 1: Gian nan tìm lao động

LÊ DIỄM 17/10/2017 09:06

Các dự án lớn vào Quảng Nam như Panko Tam Thăng, Nam Hội An, Vinpearl cùng với nhu cầu tuyển dụng ở ngành may mặc trong toàn tỉnh lên đến hơn 40 nghìn lao động trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Áp lực về lao động là vô cùng lớn, không chỉ là số lượng mà còn phải đảm bảo chất lượng, đòi hỏi lao động phải có trình độ tay nghề, kỹ năng cũng như kiến thức ngoại ngữ. Đó thực sự là thách thức đối với lực lượng lao động của tỉnh.

Trong các phiên giao dịch việc làm, lao động phần lớn đã qua các trường cao đẳng, đại học nhưng không được doanh nghiệp tuyển dụng.Ảnh: D.L
Trong các phiên giao dịch việc làm, lao động phần lớn đã qua các trường cao đẳng, đại học nhưng không được doanh nghiệp tuyển dụng.Ảnh: D.L

BÀI 1: GIAN NAN TÌM LAO ĐỘNG

Dự án vào, người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh rục rịch chuyển nghề. Nhưng chuyển nghề như thế nào, liệu trình độ, khả năng của lao động có đủ cung ứng cho dự án lớn?

Rục rịch chuyển nghề

Về xã Duy Hải (Duy Xuyên) vào thời điểm này, dường như sự chuyển động diễn ra ở mọi ngóc ngách. Khu trung tâm hành chính xã Duy Hải trở nên chộn rộn hơn, đời sống người dân cũng có nhiều đổi khác từ khi dự án Nam Hội An bắt đầu khởi động. Những hộ dân thuộc diện mất đất sản xuất, nhường đất cho dự án ở khu vực thôn Tây Sơn Tây chuyển đến khu tái định cư rộng 29ha ở thôn Tây Sơn Đông. Những căn nhà mới khang trang mọc lên, người dân rời xa đồng ruộng, đám đất quen thuộc để chuyển đến một nơi ở mới. Cuộc sống mới này, đi kèm là sự thay đổi về nghề nghiệp khi đất sản xuất không còn.

Theo ông Nguyễn Trường Chín - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải, toàn xã có diện tích đất 1.020ha, nhưng đất nằm trong vùng dự án Nam Hội An đã là 985,5ha. Giai đoạn 1, dự án chưa làm hết diện tích trên, chỉ thôn Tây Sơn Tây là mất đất, và người dân chuyển hết vào khu tái định cư ở Tây Sơn Đông. Ông Chín cho biết: “Trước mắt, dự án có hứa sẽ tiếp nhận lao động của xã vào làm việc, nhưng những việc chỉ cần lao động phổ thông, chứ lao động có nghề thì chưa được. Muốn có nghề thì phải đào tạo, còn phải đào tạo tiếng Anh nữa. Theo khảo sát của chúng tôi thì người dân ai cũng muốn đi học tiếng Anh để làm việc trong khu du lịch Nam Hội An thì khi chuyển sang dịch vụ họ có thể giao tiếp thông thường. Nhưng dự án đòi hỏi những lao động có nghiệp vụ, trình độ ở xã khó đáp ứng, lao động phổ thông thì được chứ lao động có trình độ chuyên nghiệp thì khó kiếm ra lắm!”.

Cuộc sống mới đang hình thành ở xã Duy Hải, Duy Xuyên kéo theo đó là sự chuyển dịch về lao động sâu rộng.Ảnh: DIỄM LỆ
Cuộc sống mới đang hình thành ở xã Duy Hải, Duy Xuyên kéo theo đó là sự chuyển dịch về lao động sâu rộng.Ảnh: DIỄM LỆ

Nỗi lo của người dân xã Duy Hải là việc chuyển từ nghề nông, nghề cá, nghề biển sang nghề gì cho phù hợp? Trước mắt, Phòng LĐ-TB&XH huyện Duy Xuyên phối hợp với UBND xã Duy Hải vừa đào tạo nghề nấu ăn, lễ tân, nhà hàng vừa đào tạo tiếng Anh cho người lao động của Duy Hải. Những nghề này ưu tiên cho lao động dưới 40 tuổi, còn khả năng tiếp thu và học tiếng Anh được, nhằm cung ứng cho dự án Nam Hội An. Đối với lao động lớn tuổi hơn, có thể được đào tạo để làm những nghề phụ phục vụ sân golf hay tạp vụ, nghiệp vụ buồng phòng khách sạn. Nghề nấu ăn đã được khởi động ở Duy Hải, lao động theo học chủ yếu là phụ nữ ở mọi độ tuổi đang muốn chuyển nghề. Chị Nguyễn Thị Thương (sinh năm 1987, xã Duy Hải) cho biết trước khi học nghề nấu ăn chị chỉ làm công việc chế biến cá cho các cơ sở trong xã. Đất, nhà của chị đều nằm trong vùng dự án, nên chị đi học nghề nấu ăn với hy vọng có thu nhập ổn định. Chị Thương tâm sự: “Chồng thường xuyên đi biển, tôi ở nhà đi làm cá cho người ta, nuôi hai con nên không thể đi học nghề gì được. Giờ có dự án lớn, ai cũng đi học nghề để chuyển nghề, nên tôi cũng đi học nấu ăn. Tôi cũng muốn đi học tiếng Anh để có chi người nước ngoài họ vô, hay mình vô làm trong công ty còn có thể nói dăm ba từ được”.

Khan hiếm nguồn lao động

Các công ty trong Khu công nghiệp Tam Thăng (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) đi vào hoạt động đến nay cũng đã gần tròn một năm. Có thể nhận thấy sự đổi thay ở vùng ven thành phố, khi lao động bắt đầu vào làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp ở Khu công nghiệp Tam Thăng. Có khu công nghiệp đóng chân là cơ hội cho lao động của xã Tam Thăng chuyển đổi nghề nghiệp. Thế nhưng, yêu cầu của các doanh nghiệp chủ yếu là lao động trẻ, từ 18 đến 35 tuổi. Trẻ, vào nhà máy mắt còn tinh anh, tay chân còn lanh lẹ thì làm những công đoạn chính của chuyền may, dệt. Lớn tuổi thì doanh nghiệp không nhận, có chăng cũng chỉ vài vị trí phụ cắt mới cần người từ 35 đến dưới 40 tuổi.

Các doanh nghiệp đầu tư vào Khu công nghiệp Tam Thăng đang cần lực lượng lao động trẻ, tuổi từ 18 đến 35.  Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Các doanh nghiệp đầu tư vào Khu công nghiệp Tam Thăng đang cần lực lượng lao động trẻ, tuổi từ 18 đến 35. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Sáu công ty trong Khu công nghiệp Tam Thăng, theo kế hoạch đến năm 2018 cần đến 30 nghìn lao động. Nhưng theo ông Châu Thanh Phong - Chủ tịch UBND xã Tam Thăng, trong số đó xã hy vọng sẽ cung ứng được khoảng 3 nghìn lao động là tối đa. Hiện địa phương có khoảng 1 nghìn lao động làm việc ở Khu công nghiệp Tam Thăng, nhưng chủ yếu là lao động trẻ đi làm ăn ở xa, khi có nhà máy ở quê thì chuyển về lại, chứ lao động chuyển dịch từ nông nghiệp vào nhà máy không nhiều. Ông Phong nói: “Lao động của xã có chuyển dịch nghề nghiệp, nhưng chuyển từ nông nghiệp sang dịch vụ là chủ yếu. Bởi lao động trẻ đã lo đi tìm việc làm ở nơi khác, giờ chuyển về làm gần nhà là chủ yếu, còn lại những người trẻ mới bổ sung vào lực lượng lao động hàng năm đều đi học đại học, cao đẳng cả. Lao động lớn tuổi đang làm nông giờ mất đất sản xuất, xin vào công ty thì chỉ ở một vài vị trí như tạp vụ, chăm sóc vườn cây, dọn dẹp vệ sinh... Người dân của xã có chuyển đổi nghề nghiệp, nhưng chủ yếu chuyển sang dịch vụ, bán buôn”.

Các dự án lớn đang đầu tư vào Quảng Nam đã khởi động nhưng sẽ gặp khó về lao động chất lượng cao.Ảnh: D.L
Các dự án lớn đang đầu tư vào Quảng Nam đã khởi động nhưng sẽ gặp khó về lao động chất lượng cao.Ảnh: D.L

TP.Tam Kỳ kể từ khi có thêm Khu công nghiệp Tam Thăng, nguồn lao động trở nên khan hiếm. Tìm được lao động để đào tạo nghề, cung ứng cho các doanh nghiệp trên địa bàn là bài toán khó đối với thành phố. Mặc dù có Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh trợ lực, có đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Chính phủ, lao động được hỗ trợ mọi mặt để học nghề, nhưng Tam Kỳ vẫn không tìm ra nguồn lao động để đào tạo. Gần nhất là việc triển khai đào tạo lao động nghề may để cung ứng cho doanh nghiệp, địa phương cũng chưa thể khai giảng được lớp nào. Bà Trần Thị Bộ - Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP.Tam Kỳ cho biết: “Thực tế thì lao động vùng đông phần lớn là lao động nông nghiệp, ngư nghiệp nên giờ chuyển sang lao động phi nông nghiệp, vào làm trong nhà máy, xí nghiệp rất khó. Chỉ có người trẻ mới vào nhà máy làm việc, mà lao động trẻ ở thành phố đang thiếu hụt trầm trọng. Ở độ tuổi mới bổ sung vào lực lượng lao động thì các em đi học đại học, cao đẳng trong cả nước, không chọn học nghề để đi làm. Tìm được nguồn lao động để cung ứng cho các doanh nghiệp trong thành phố thực sự rất khó khăn”.

_______
Bài 2: Nghịch lý thiếu - thừa

Không chỉ đối diện với tình trạng thiếu mà lao động của tỉnh còn yếu nhiều kỹ năng. Những “lỗ hổng” của lực lượng lao động đã khiến nghịch lý thiếu - thừa kéo dài triền miên.

LÊ DIỄM

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Áp lực nguồn lao động công nghiệp - Bài 1: Gian nan tìm lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO