Áp lực nguồn lao động công nghiệp - Bài 2: Nghịch lý thiếu - thừa

LÊ DIỄM 18/10/2017 09:44

Năng lực của người lao động là yếu tố then chốt để doanh nghiệp lựa chọn tuyển dụng. Nhưng thực tế hiện nay, không chỉ đối diện với tình trạng thiếu về số lượng mà nguồn lao động của tỉnh còn yếu nhiều kỹ năng. Những “lỗ hổng” của lực lượng lao động đã khiến nghịch lý thiếu - thừa kéo dài triền miên.

Tin liên quan

  • Áp lực nguồn lao động công nghiệp - Bài 1: Gian nan tìm lao động
Lao động của tỉnh đứng trước nguy cơ tụt hậu so với khu vực vì trình độ còn hạn chế.
Lao động của tỉnh đứng trước nguy cơ tụt hậu so với khu vực vì trình độ còn hạn chế.

Thừa thầy, thiếu thợ

Thừa thầy, thiếu thợ không chỉ diễn ra ở Quảng Nam mà cả nước cũng đang đối diện với thực trạng này. Doanh nghiệp tuyển không ra lao động, nhưng vẫn có nhiều lao động thất nghiệp, và đáng báo động hơn là người có trình độ đại học và sau đại học thất nghiệp ngày càng nhiều. Theo số liệu từ ngành thống kê tỉnh, toàn tỉnh hiện có hơn 23.500 người thất nghiệp, phần lớn là sinh viên các trường đại học, cao đẳng chưa có việc làm. Nhiều người tốt nghiệp đại học, chấp nhận cất tấm bằng để đi làm công nhân không còn là câu chuyện hiếm trong thị trường lao động. Anh Hồ Văn Sang (quê Tiên Phước) tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng ngành giáo dục thể chất, cầm tấm bằng cử nhân trên tay, anh đi xin việc làm. Nhưng một năm, rồi hai năm mòn mỏi vẫn không thể xin được công việc hợp với nghề, nên đành cất bằng xin đi làm công nhân phổ thông ở một công ty cơ khí. Vào việc, anh Sang phải học nghề lại từ đầu, và làm việc chưa đầy 3 tháng anh lại nghỉ, xin gia đình kiếm tiền cho đi học để sang Nhật xuất khẩu lao động. Hiện nay, anh đang tập trung học nghề, học tiếng Nhật để mong được đi xuất khẩu lao động vào đầu năm 2018. Anh Sang tâm sự: “Biết trước thế này, chắc học xong 12 tôi đi học nghề rồi xin đi xuất khẩu lao động mà hay hơn. Đi học 4 năm, tốn mớ tiền của, rồi cũng đành cất bằng đi làm việc trái nghề. Giờ thì lại tiếp tục học, chỉ mong mọi việc suôn sẻ để tôi được đi xuất khẩu lao động. Mà đi học thế này mới thấy, cái gì cũng học thực chất, áp dụng cho công việc tôi sẽ làm sau khi đi xuất khẩu. Tôi sợ nhất là học làm thợ, cái gì cũng kỷ cương, cũng phải tác phong lanh lẹ, gọn gàng. Đó thực sự là bài học bổ ích để sau này tôi có thể quen với cách làm việc của người Nhật”.

“Lao động Quảng Nam rất cần cù, chịu khó, nhưng bao nhiêu đó chưa đủ. Khi làm việc, người lao động cần tuân thủ tác phong công nghiệp để cả một dây chuyền cùng vận hành nhịp nhàng. Làm việc trong dây chuyền, mỗi người một công đoạn nên một người ngưng thì cả dây chuyền bị ách tắc, đơn hàng bị chậm trễ, thiệt hại cho doanh nghiệp và cho chính lao động”. (Bà Vũ Thị Thảo Uyên, Trưởng phòng Hành chính - nhân sự Công ty TNHH MTV Moon Chang Vina)

Hàng năm, số lượng sinh viên các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh ra trường, bổ sung vào thị trường lao động một lượng lớn nhưng thực tế có bao nhiều người được giải quyết việc làm thì chưa có thống kê nào đáng tin cậy. Trong khi đó, các trường vì muốn tuyển sinh được đầu vào, thường báo cáo tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm cao hơn thực tế. Thế nên nguồn lao động vẫn cứ dồi dào nhưng khó đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Một dẫn chứng cụ thể là từ đầu năm 2017 đến nay, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh là hơn 24 nghìn người, nhưng lao động có tay nghề đến các phiên giao dịch quá ít so với nhu cầu nên chỉ có 1.095 người được giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp. Và có một thực tế nữa, theo như phân tích của ông Lê Tôn Tưởng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, lao động có đến sàn giao dịch để tìm kiếm việc làm, nhưng chủ yếu là lao động đã qua đào tạo ở trình độ đại học, cao đẳng hoặc trung cấp các nghề như kế toán, ngân hàng, marketing, kỹ sư các ngành nghề... Trong khi đó, doanh nghiệp đến tuyển dụng chủ yếu cần lao động ở các vị trí lao động phổ thông để họ tự đào tạo, hoặc lao động có tay nghề hàn, cơ khí, công nghệ ô tô, điện, điện tử... Doanh nghiệp nào tuyển dụng ở trình độ cao hơn như đại học hay cao đẳng đều đòi hỏi điều kiện là người lao động có ít nhất 2 năm kinh nghiệm trở lên, thông thạo ngoại ngữ... Đây là những yếu tố mà nguồn lao động tại Quảng Nam khó đáp ứng được.

Tác phong công nghiệp

Ngoài kỹ năng tay nghề, tác phong công nghiệp luôn là yêu cầu hàng đầu của doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động. Và lao động của tỉnh, hầu hết bước ra từ nghề nông, vừa chuyển đổi nghề nên muốn có tác phong công nghiệp cần phải qua quá trình. Bà Vũ Thị Thảo Uyên, Trưởng phòng Hành chính - nhân sự Công ty TNHH MTV Moon Chang Vina (Khu công nghiệp Tam Thăng) cho rằng trong hành trình đồng hành với người lao động, doanh nghiệp mong muốn người lao động dần thích nghi và hòa nhập với môi trường sản xuất chuyên nghiệp. Bà Uyên phân tích: “Lao động của tỉnh rất cần cù, chịu khó, nhưng bao nhiêu đó chưa đủ, lao động cần phải hiểu rằng doanh nghiệp nhận đơn đặt hàng, ký kết hợp đồng với đối tác thì không thể xê dịch được, nên khi làm việc lao động cần tuân thủ tác phong công nghiệp để cả một dây chuyền cùng vận hành nhịp nhàng. Làm việc trong dây chuyền, mỗi người một công đoạn nên một người ngưng thì cả dây chuyền bị ách tắc, đơn hàng bị chậm trễ, thiệt hại cho doanh nghiệp và cho chính lao động”.

Lao động của tỉnh còn nhiều ở miền núi, nhưng thường có trình độ không cao.
Lao động của tỉnh còn nhiều ở miền núi, nhưng thường có trình độ không cao.

Bà Lê Thị Tuyết Nga - Quản lý sản xuất Công ty Vast Apparel Việt Nam cho biết mỗi khi đi tuyển dụng lao động với trường nghề, bà thường nói rằng tác phong công nghiệp ở đây không đòi hỏi gì cao siêu, mà chỉ là yêu cầu lao động đi làm đúng giờ, đi làm nhớ quẹt thẻ để chấm công, vào dây chuyền phải làm việc theo đúng công việc đã được phân công, muốn nghỉ phải có đơn xin phép báo trước để người quản lý biết mà sắp xếp nhân sự cho phù hợp. Bà Nga nói rằng có thể qua những khóa đào tạo nghề thời gian ngắn, với tay nghề nhà trường đào tạo chưa bài bản hoặc còn khuyết những gì thì doanh nghiệp có thể bù đắp vào được, nhưng tác phong công nghiệp đòi hỏi tự thân mỗi người phải cố gắng rèn luyện, chứ không ai có thể đào tạo được nếu lao động không tự ý thức chấp hành. Lao động của tỉnh vẫn còn thói quen thích thì làm, không thích thì nghỉ, có giỗ chạp hay đám cưới đám hỏi cũng nghỉ, đi làm hay quên quẹt thẻ, đến khi chấm công cuối tháng thì thấy lương tính không đúng, bị trừ ngày công nên cãi nhau với quản lý... “Lực lượng lao động trẻ thường chuyên nghiệp hơn, làm được việc hơn và tác phong công nghiệp dễ rèn luyện hơn nên doanh nghiệp chỉ thích tiếp nhận lao động trẻ, e ngại đối với lao động đã qua độ tuổi 35. Trong khi đó, nhiều lao động trẻ không thích đi làm ở doanh nghiệp trong tỉnh mà bôn ba xa nhà, đi học hành để tìm kiếm một cơ hội công việc khác chứ không phải là làm công nhân trong nhà máy, hoặc đã học xong rồi dù tìm chưa ra việc làm vẫn thong thả chờ cơ hội khác, chứ không muốn bỏ phí tấm bằng đại học hay cao đẳng họ đã học. Nghịch lý này đang diễn ra phổ biến, nên lao động vẫn cứ thất nghiệp mà doanh nghiệp thì tuyển không ra lao động” - bà Nga nhận xét.

------------------------
Bài 3: Đào tạo theo nhu cầu

Đào tạo lao động có tay nghề, có kỹ năng để cung ứng cho thị trường là nhu cầu cấp thiết, đòi hỏi các cơ sở đào tạo nghề phải chuyển mình trong xu thế hội nhập.

LÊ DIỄM

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Áp lực nguồn lao động công nghiệp - Bài 2: Nghịch lý thiếu - thừa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO