Áp lực nguồn lao động công nghiệp - Bài 3: Đào tạo theo nhu cầu

DIỄM LỆ 19/10/2017 08:45

Đào tạo lao động có tay nghề, có kỹ năng để cung ứng cho thị trường là nhu cầu cấp thiết, đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải chuyển mình trong xu thế hội nhập.

Tin liên quan

  • Áp lực nguồn lao động công nghiệp - Bài 1: Gian nan tìm lao động
  • Áp lực nguồn lao động công nghiệp - Bài 2: Nghịch lý thiếu - thừa
Đào tạo chuyên sâu cho lao động đi kèm với đào tạo kỹ năng làm việc nhóm là việc cần thiết.Ảnh: D.L
Đào tạo chuyên sâu cho lao động đi kèm với đào tạo kỹ năng làm việc nhóm là việc cần thiết.Ảnh: D.L

Đào tạo chuyên sâu

Đứng trước nguy cơ thiếu hụt trầm trọng nguồn cung lao động cho các doanh nghiệp, dự án trọng điểm, Quảng Nam sớm ra đời các cơ chế đào tạo lao động. Trước nhu cầu lao động quá lớn của các doanh nghiệp ngành may, dệt, Nghị quyết 12 của tỉnh ra đời và Quyết định 3577 được thực thi ngay ở các địa phương, với mong muốn cung ứng đủ gần 30 nghìn lao động cho doanh nghiệp ngành may mặc đến năm 2018, mà trước mắt là 12 nghìn lao động trong năm 2017. Dựa trên nhu cầu, các cơ sở đào tạo phải vào cuộc cùng với các địa phương đào tạo lao động ngành may.

Bắt tay vào đào tạo, cơ sở đào tạo mới vấp phải khó khăn cố hữu, đó là tuyển sinh sao cho đủ lực lượng lao động đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần lao động từ 18 đến dưới 35 tuổi, thành thạo kỹ năng may trên dây chuyền công nghiệp ở từng công đoạn cụ thể. Lực lượng lao động ở vùng đồng bằng bão hòa, nên cơ sở đào tạo phải tiến về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng cao để tuyển sinh người học nghề. Và thực tế, chỉ có lao động ở miền núi mới học nghề may công nghiệp, còn lao động ở đồng bằng rất ít người học. Đến nay chỉ mới có hơn 1.500 người đi học nghề may, trong số đó hơn 900 người đã hoàn thành đào tạo, và hơn 700 người đang làm việc ở doanh nghiệp (khoảng 70% là lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số). Và lực lượng lao động còn trụ lại được với doanh nghiệp là những lao động ưu tú trong số những người đi học nghề, chỉ mới đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quí Quý - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề thanh niên dân tộc miền núi Quảng Nam cho biết, lực lượng lao động ở miền núi còn nhiều, có thể đào tạo được nghề may và các nghề khác cung ứng cho doanh nghiệp, dự án ở đồng bằng, nhưng cũng chỉ giới hạn ở công việc giản đơn, không đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao. Nhưng vấn đề nan giải là phải “đả thông” tư tưởng cho lao động để họ yên tâm học tập, làm việc. Đào tạo nghề cho lao động miền núi phải cầm tay chỉ việc, nên giới thiệu việc gì thì đào tạo việc ấy, tập trung vào thực hành để lao động rành công việc trước khi đến với môi trường làm việc chuyên nghiệp. Một điều khá quan trọng là đào tạo tác phong làm việc công nghiệp cho lao động, từ khâu ăn uống, ngủ nghỉ đúng giờ giấc đến làm việc đúng giờ. “Chỉ có cách đào tạo chuyên sâu, sát thực tiễn thì lao động mới nhanh quen việc. Lao động miền núi chưa quen kiểu làm việc tập trung nên cần được đào tạo. Doanh nghiệp cần vào cuộc cùng với nhà trường, đào tạo thêm cho lao động về tay nghề cũng như tác phong công nghiệp phù hợp với công nghệ, dây chuyền máy móc đang sử dụng tại doanh nghiệp. Có như vậy mới mong có nguồn lao động để phục vụ doanh nghiệp, trong điều kiện lao động ở đồng bằng không còn dồi dào như trước” - ông Quý nói.

Liên kết đào tạo

Khi các dự án du lịch lớn đầu tư vào Quảng Nam, trong đó có dự án Nam Hội An, dựa vào lực lượng lao động tại chỗ mới thấy rằng lao động của tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu từ phía doanh nghiệp. Khảo sát ở các cơ sở dạy nghề của tỉnh cho thấy các nghề phục vụ cho du lịch như nấu ăn, nhà hàng, nghiệp vụ buồng phòng đều đã đào tạo nhưng người học nghề không nhiều. Trong khi đầu tư vào Quảng Nam, dự án Nam Hội An cần lượng lớn nguồn lao động qua đào tạo ở các cấp trình độ mang tính đặc thù mà không một trường nghề nào trong tỉnh có thể đáp ứng được trong một thời gian ngắn và số lượng nhiều như nghề liên quan đến casino (nhân viên phục vụ sòng bài), nhân viên phục vụ khu vui chơi, phục vụ sân golf, khu nghỉ dưỡng cao cấp và ngành nghề sử dụng những công nghệ tiên tiến... Các địa phương ở khu vực dự án Nam Hội An cũng đã đi khảo sát ở các trường nghề trong tỉnh, nhưng chưa đồng ý liên kết đào tạo với trường nghề nào bởi các nghề doanh nghiệp yêu cầu chưa có trường nào được phép đào tạo. Các trường nghề cũng chủ động liên hệ với dự án Nam Hội An để liên kết đào tạo những nghề đã có như nghiệp vụ buồng phòng, nấu ăn, pha chế đồ uống, hướng dẫn du lịch... nhưng vẫn chưa trường nào có được câu trả lời từ phía dự án Nam Hội An. Đơn cử, Trường Trung cấp Nghề ASEAN hay Trường Trung cấp Nghề Bắc Quảng Nam đã chủ động gửi văn bản xin được hợp tác đào tạo song hành với doanh nghiệp nhưng vẫn chưa nhận được sự đồng ý từ doanh nghiệp. Đến tháng 4.2018, dự án Nam Hội An dự kiến hoạt động giai đoạn 1, cần đến 2 nghìn lao động trực tiếp và gián tiếp của ngành du lịch, quản lý, phục vụ nhà hàng, khách sạn.

Ông Trần Ngọc Sơn - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề ASEAN cho biết: “Yêu cầu từ phía dự án là lao động ngoài nghiệp vụ nghề còn phải được đào tạo chuyên sâu về ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp bằng các thứ tiếng, mà nhà trường cũng như các trường khác chỉ có đào tạo tiếng Anh. Theo tôi thì lao động Quảng Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu của các dự án lớn nếu như có một ngôi trường xứng tầm đào tạo”. Cái khó của tỉnh là chưa có một trường nào đào tạo chuyên ngành du lịch cho đúng bản chất. Quảng Nam có hoạt động du lịch sôi động nhưng lại không có một trường đào tạo về du lịch, người làm du lịch chủ yếu đến từ các tỉnh, thành khác. Nếu làm sớm để đón đầu dự án thì lao động của tỉnh sẽ đáp ứng được nhu cầu. Ngành du lịch nếu muốn đào tạo tốt chỉ có liên kết với các tổ chức giáo dục quốc tế thì mới tiếp cận được chuẩn quốc tế hay khu vực, quan trọng là phải làm được theo đúng chuẩn chứ hiện nay trường nào cũng đào tạo theo kiểu nhá nhem thì khó đáp ứng yêu cầu từ phía các dự án lớn.

Theo văn bản thỏa thuận ghi nhớ vào ngày 3.3.2017 giữa UBND tỉnh với Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An thì hai bên sẽ phối hợp hỗ trợ đào tạo nghề có chất lượng cao phục vụ cho mục tiêu phát triển du lịch của tỉnh. Phía Nam Hội An sẽ hình thành dự án phi lợi nhuận trong đào tạo nghiệp vụ, xây dựng một cơ sở đào tạo ngay tại huyện Duy Xuyên. Phía tỉnh sẽ hỗ trợ quỹ đất và tiền thuê đất cho Nam Hội An có nơi đào tạo nghề. Ông Văn Phú Đợi - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Duy Xuyên cho biết, phía huyện và dự án Nam Hội An đã có buổi làm việc về đào tạo nhân lực phục vụ dự án. Huyện đang khảo sát lại lực lượng lao động xem có bao nhiêu lao động có thể học nghề, làm việc tại Nam Hội An được, trong đó ưu tiên lao động vùng đông, ở những xã bị mất đất sản xuất phục vụ cho dự án. Hai bên sẽ liên kết trong đào tạo nghề, theo hướng tận dụng lại cơ sở vật chất và bộ máy của trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Duy Xuyên (nay đã giải thể). Phía Nam Hội An sẽ hỗ trợ việc tiếp cận, liên kết với một trường quốc tế có chất lượng cao để đào tạo và cấp chứng chỉ theo chuẩn nghề của châu Á. Để thực hiện được điều này, phía Nam Hội An sẽ hỗ trợ đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên của trung tâm, mời các chuyên gia của các trường nghề chất lượng cao về giảng dạy tại trung tâm. Nam Hội An còn hỗ trợ về tài chính để thực hiện sửa chữa, tân trang lại cơ sở vật chất và mua sắm thêm các thiết bị cần thiết, phù hợp với yêu cầu, mục đích đào tạo phục vụ cho dự án du lịch của Nam Hội An. Theo hướng này sẽ đào tạo được nguồn nhân lực tại chỗ phục vụ dự án, nhưng huyện Duy Xuyên đang lo lắng việc trực tiếp quản lý một trường đào tạo nghề chất lượng cao như yêu cầu từ phía dự án thì địa phương không đủ khả năng và điều kiện, nên đang xin UBND tỉnh xem xét.

________
Bài 4: Chuyển mình để hội nhập

Trước xu thế hội nhập, nguồn lao động sẽ đứng trước sức ép cạnh tranh. Vì vậy cần một chiến lược phát triển nguồn nhân lực hợp lý để người dân dễ dàng gia nhập thị trường lao động.

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Áp lực nguồn lao động công nghiệp - Bài 3: Đào tạo theo nhu cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO