Các bệnh viện tự chủ tài chính đang gặp nhiều áp lực khi áp dụng mức lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng.
Áp lực là bởi nghịch lý ở nhiều bệnh viện hiện nay nếu tăng lương cho người lao động thì phải cắt giảm các khoản thu nhập tăng thêm.
Lương tăng, tổng thu nhập giảm
Một bác sĩ nội trú tại bệnh viện công lập (BV) tuyến tỉnh trên địa bàn Quảng Nam chia sẻ, tính theo mức lương mới, thì số tiền lương của anh vào khoảng 10,9 triệu đồng bên cạnh thu nhập tăng thêm từ chế độ hỗ trợ bác sĩ theo cơ chế giữ chân bác sĩ từ nguồn quỹ của BV, các hoạt động phẫu thuật, các chế độ phúc lợi... Tuy nhiên, nếu tăng lương cơ sở thì BV phải tính toán để cắt giảm các khoản thu nhập tăng thêm mới cân đối được.
“Nếu lương tăng 30% nhưng thu nhập tăng thêm giảm, tính ra với bác sĩ trẻ, tăng lương nhưng tổng thu nhập chắc chắn sẽ giảm. Đối với các bác sĩ có chức vụ, làm việc lâu năm, hệ số lương cao thì thu nhập sẽ tăng cao. Như vậy, việc tăng lương đang nới rộng khoảng cách giữa những người hệ số lương khác nhau” - vị bác sĩ này chia sẻ.
Tăng mức chi trả cho BHYT
Theo hướng dẫn mới về mức hưởng BHYT, mức chi trả cho người bệnh BHYT sẽ tăng từ ngày 1/7; trong đó tăng ở các nhóm dịch vụ khám chữa bệnh nội ngoại trú, chi phí vật tư cho một lần sử dụng dịch vụ...
Đáng chú ý, mức thanh toán tổng chi phí vật tư y tế cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật không vượt quá 105,3 triệu đồng (tăng hơn nhiều so với trước đó là 81 triệu đồng). Tuy nhiên, mức đóng BHYT hộ gia đình hằng tháng cũng sẽ tăng.
“Co kéo” thu chi là điều nhiều bệnh viện tự chủ đang phải tính toán để theo kịp lộ trình tăng lương. Khi trích lập quỹ cải cách tiền lương thì các khoản khác sẽ thu nhỏ lại, như vậy việc tăng lương sẽ không có cải thiện đáng kể với đơn vị tự chủ.
Tháng 6/2023, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định phê duyệt phương án tự chủ tài chính cho đơn vị sự nghiệp y tế công lập giai đoạn 2023 - 2025, trong đó giao quyền tự chủ tài chính cho 32 đơn vị. Trong đó, số đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên (nhóm 2) là 9 cơ sở, 21 cơ sở tự đảm bảo một phần chi thường xuyên (nhóm 3) và 2 đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.
Ở các bệnh viện đang thực hiện tự chủ tài chính nhóm 2 (tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên 100%), tăng lương cơ sở đồng nghĩa các khoản chi sẽ tăng mạnh.
Đại diện lãnh đạo một bệnh viện tự chủ nhóm 2 chia sẻ, BV sẽ phải tính toán để chi tăng lương từ nguồn quỹ cải cách tiền lương tích lũy của BV từ nay đến cuối năm.
Tuy nhiên, nếu bù hết khoản đó thì không biết làm sao nếu không điều chỉnh giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) ngay từ bây giờ. Về lâu dài cần phải điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT cho phù hợp, tính đúng, tính đủ để tạo động lực phát triển cho bệnh viện.
Nhiều đơn vị y tế nhận định, tăng lương gây khó khăn cho các BV tự chủ khi giá viện phí không tăng theo kịp. Vì vậy, hiện các BV tự chủ phải gồng gánh, trong khi cùng với giá dịch vụ y tế không tăng, lượt bệnh nhân vào các tuyến công lập lại cũng đang giảm.
Điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh
Ông Nguyễn Tải - Giám đốc BV Đa khoa khu vực Quảng Nam cho biết, hiện tại BV có khoảng 530 nhân viên. Từ ngày 1/7, mức lương cơ sở tăng lên 2,34 triệu đồng thì số tiền BV này phải chi trả sẽ tăng cao. Thách thức lớn cho các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính là phải tự bảo đảm nguồn để thực hiện chính sách cải cách tiền lương.
Tuy nhiên, đa số cơ sở y tế hiện nay đang bị giảm nguồn thu, bên cạnh khung giá viện phí chưa tăng theo cải cách tiền lương. Ông Tải cho biết, từ nay đến cuối năm, từ nguồn cải cách tiền lương của bệnh viện vẫn đảm bảo chi đủ cho việc tăng lương, tuy nhiên về sau này cần tính toán mức giá dịch vụ khám chữa bệnh phù hợp.
Khi mức giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT chưa tăng thì chắc chắn nguồn thu của BV sẽ không đảm bảo chi thường xuyên. Đây là nhận định của các đơn vị y tế tự chủ tại Quảng Nam.
Hiện nay, mức thu viện phí chưa tính đúng, tính đủ các chi phí. Cụ thể, viện phí ở cơ sở y tế công lập hiện mới tính 4/7 yếu tố, chưa có 3 phần gồm: khấu hao tài sản cố định, duy tu sửa chữa tài sản; chi phí quản lý; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học nên gây khó khăn cho các đơn vị.
Thêm vào đó, khi lương cơ sở tăng nhưng giá dịch vụ khám chữa bệnh chưa được điều chỉnh thì các bệnh viện tự chủ tài chính càng thêm áp lực, thách thức.
Hiện trên địa bàn tỉnh, giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT thực hiện theo Thông tư số 22 ngày 17/11/2023 của Bộ Y tế Quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp, với cơ cấu chi phí tiền lương trong giá dịch vụ theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng.
Giá dịch vụ khám chữa bệnh cho đối tượng không có thẻ BHYT thực hiện theo Nghị quyết số 11/2024 của HĐND tỉnh mới ban hành hồi tháng 5 này.
Nguyên tắc xác định giá dịch vụ y tế theo Nghị quyết này bằng mức giá dịch vụ tối thiểu tại Thông tư số 21 ngày 17/11/2023 của Bộ Y tế Quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh chữa bệnh trong một số trường hợp.
Các đơn vị y tế đang trông chờ vào việc điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh cũng như cần thiết phải tính đúng, tính đủ khi thu viện phí.