Thời điểm hiện tại, vắc xin ComBE Five (5 trong 1) lẫn vắc xin dịch vụ Hexaxim (6 trong 1) tại Quảng Nam vẫn ở tình trạng khan hiếm. Cha mẹ có con nhỏ đang sốt ruột chờ đợi và lo lắng vì trễ lịch tiêm chủng của con em mình...
Chen lấn để được tiêm vắc xin 6 trong 1. Ảnh: X.H |
Chưa biết khi nào có
Sáng sớm 28.2, từ huyện miền núi Nam Trà My, anh Nguyễn Tuấn Tú cùng vợ đã đưa con nhỏ xuống xếp hàng chen lấn tại Trung tâm Y tế dự phòng cũ (hiện tại là CDC Quảng Nam) để đăng ký liều vắc xin dịch vụ. Đợt tiêm dịch vụ Hexaxim được CDC Quảng Nam tổ chức trong 3 ngày và được thông báo đến các huyện thị từ trước đó khoảng một tuần. Tuy nhiên, anh Tú phải đợi đến ngày thứ 3 mới đăng ký được cho cháu. “Lần trước chúng tôi tiêm liều thứ nhất là mũi 5 trong 1 cho con tại Trạm Y tế huyện, nhưng nghe thông tin 5 trong 1 đứt hàng nên đăng ký tiêm mũi 2 là liều dịch vụ 6 trong 1. Nhưng không nghĩ cảnh đông đúc và mệt mỏi như vậy” - anh Tú nói. Có rất nhiều phụ huynh từ các tuyến huyện tập trung về CDC Quảng Nam trong 3 ngày từ 28.2 đến 2.3 để tiêm được cho con liều vắc xin Hexaxim. Tuy nhiên, cũng rất đông cha mẹ có con nhỏ phải ra về mà không đăng ký được liều vắc xin cho con.
Ông Huỳnh Công Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Nam, cho biết đến thời điểm hiện tại, lượng vắc xin 6 trong 1 tại Quảng Nam đã hết, vì vậy những cha mẹ muốn tiêm chủng cho con em mình phải đợi đợt sau. Phía các công ty cung cấp vắc xin hứa giữa tháng 3 mới có lại đợt khác. “Dù phía tỉnh đã đặt mua vắc xin với số lượng lớn, nhưng khó khăn nhất là phải phụ thuộc vào phía công ty cung cấp. Đợt trước trung tâm đăng ký 1.000 liều nhưng phía công ty chỉ cung ứng được 400 liều. Hiện việc cung ứng chưa bằng một nửa nhu cầu. Trung tâm thường xuyên liên lạc với công ty để vắc xin về sớm, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để giữa tháng 3 này sẽ có vắc xin tiêm chủng cho người dân” - ông Quang thông tin thêm.
Vắc xin dịch vụ không đủ nguồn, trong khi vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng dù Bộ Y tế tái khẳng định sẽ không dừng tiêm vắc xin ComBE Five trong chương trình tiêm chủng toàn quốc, nhưng nguồn vắc xin này tại Quảng Nam hiện vẫn đang thiếu. “Tháng 2, tỉnh và toàn quốc thông báo hết vắc xin ComBE Five, công văn từ Bộ Y tế cho biết trong tháng 3 sẽ cấp trước cho Viện tại Nha Trang và sẽ chuyển cấp cho một số tỉnh thành. Tuy nhiên khó nói chính xác Quảng Nam thời điểm nào sẽ có lại vắc xin này” - ông Quang nói thêm.
Áp lực về miễn dịch cho trẻ
Trước thực trạng thiếu vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1 nêu trên, Sở Y tế chỉ đạo trạm y tế trên địa bàn tỉnh rà soát trẻ 8 - 11 tháng tuổi chưa tiêm phòng ở các địa phương; chỉ tổ chức tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi và khuyến cáo người dân khi trẻ đủ 2 tháng tuổi mới được tiêm mũi đầu tiên. |
Các liều vắc xin ComBE Five và Hexaxim bắt đầu tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi, cho đến khi trẻ đủ 1 tuổi thì phải đảm bảo tiêm đủ 3 liều. Nhưng nếu tình trạng thiếu vắc xin kéo dài, thì nguy cơ khá cao trẻ không được miễn dịch các bệnh như bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - viêm màng não mủ do Hib (đối với ComBe Five) và thêm bệnh bại liệt đối với vắc xin Hexaxim. Nếu trẻ từ 12 tháng trở xuống không được tiêm đủ 3 liều vắc xin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 thì khả năng miễn dịch vẫn không có.
Trả lời câu hỏi liệu với tình trạng khan hiếm vắc xin như hiện nay, ngành y tế sẽ giải quyết như thế nào với số trẻ chưa được tiêm chủng trên địa bàn tỉnh, ông Huỳnh Công Quang cho biết, về mặt khoa học, nếu trẻ bị trễ lịch tiêm chủng trong vòng 1 tháng vẫn có đáp ứng miễn dịch cho trẻ, đảm bảo có thể phòng bệnh theo như đúng tác dụng của vắc xin. “Về lý thuyết, khi đứt hàng 6 tháng liên tục thì trẻ dưới 1 tuổi mới xảy ra tình trạng không tiêm đủ liều vắc xin. Trong tháng 12.2018 và tháng 1.2019, Quảng Nam đã có 6 ngàn trẻ em tiêm mũi 5 trong 1 và 6 trong 1. Theo thông báo của Bộ Y tế thì vắc xin chỉ ở tình trạng khan hiếm tạm thời, đơn vị chưa cung cấp kịp, khả năng cuối tháng 3 này sẽ có lại hàng. Tuy nhiên tôi cũng không dám hứa...” - ông Quang nói.
Cùng với lo lắng từ phía phụ huynh, ngành y tế cũng đang chịu áp lực rất lớn nếu vắc xin không đủ cung ứng trong vòng 6 tháng tiếp theo. “Nếu ở cộng đồng có khoảng 20% trẻ dưới 1 tuổi không được tiêm đủ 3 liều vắc xin thì miễn dịch tại cộng đồng đó không có. Đây cũng là nỗi lo lớn tại địa phương” - ông Quang chia sẻ thêm. Trong tháng 3 tại một số trạm y tế các tuyến cơ sở ở một số địa phương vẫn tổ chức tiêm vắc xin ComBE Five do số lượng vắc xin cung ứng trong tháng 2 cho các đơn vị này vẫn chưa sử dụng hết. Ông Quang cho rằng điều này có thể phần nào giải tỏa bớt nhu cầu của cha mẹ có con nhỏ, dù số lượng vắc xin còn lại ở các cơ sở này cũng rất ít.
XUÂN HIỀN