Áp lực thu chi ngân sách

TÙY PHONG 16/12/2015 08:46

Thu ngân sách của Quảng Nam năm 2015 tăng trưởng khá cao, đứng vị thứ 14/63 tỉnh, thành nhưng nhu cầu chi thường xuyên vẫn tiếp tục gia tăng dẫn đến bội chi ngân sách. Điểm yếu của bức tranh ngân sách đã được nhìn thấy, cần một giải pháp lưỡng toàn cho kỷ luật quản lý tài chính.

Vượt thu nhưng thiếu bền vững

UBND tỉnh ước tính thu ngân sách nhà nước năm 2015 sẽ khoảng 12.800 tỷ đồng. Số thu này đạt đến 144,1% dự toán trung ương giao và 140,6% dự toán HĐND tỉnh giao, đưa Quảng Nam đứng vị thứ 14/63 tỉnh, thành cả nước về số thu ngân sách. Tỷ trọng nhiều nhất là thu nội địa với khoảng 8.000 tỷ đồng. Nguồn thu liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp tăng cao nhất trong vòng nhiều năm qua cho thấy khá nhiều doanh nghiệp đã ổn định sản xuất, tiếp tục phát triển. Không chỉ thuế công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh vượt thu đến 135,8% dự toán, 12/14 khoản thu (thuế bảo vệ môi trường, doanh nghiệp nhà nước trung ương, sử dụng đất… và các khoản thu khác) đều đạt và vượt dự toán giao. Ngay cả tốc độ xuất khẩu chỉ tăng 2/16% chỉ tiêu nhưng thu xuất nhập khẩu cũng đã đạt 4.400/2.400 tỷ đồng, vượt đến 183,3% dự toán.

Thu, chi ngân sách đều phụ thuộc rất lớn vào sự tăng trưởng của doanh nghiệp trọng điểm tại các khu công nghiệp. TRONG ẢNH: Tàu vận tải cập cảng Kỳ Hà. Ảnh: T.P
Thu, chi ngân sách đều phụ thuộc rất lớn vào sự tăng trưởng của doanh nghiệp trọng điểm tại các khu công nghiệp. TRONG ẢNH: Tàu vận tải cập cảng Kỳ Hà. Ảnh: T.P

Theo ông Phan Văn Chín - Giám đốc Sở Tài chính, với số thu nội địa tăng cao, toàn tỉnh dự kiến vượt thu đến 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 2/14 khoản thu sẽ không đạt, khi doanh nghiệp nhà nước địa phương chỉ đạt 78,9% dự toán, bằng 75,8% so năm 2014 và khu vực FDI chỉ đạt có 70,1% dự toán. Ông Ngô Bốn – Cục trưởng Cục Thuế cho hay sự sụt giảm của 2 khu vực này chủ yếu là việc cưỡng chế thu hồi nợ thuế 2 công ty khai thác, sản xuất vàng không đạt kết quả, chỉ thu khoảng 4,5/140 tỷ đồng được giao và tác động của chính sách thuế khi các mặt hàng như phân bón, thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác không còn chịu thuế GTGT hay nhiều dự án đầu tư đã hoàn thành, người nước ngoài về nước không thu được thuế thu nhập cá nhân…

Ngân sách tăng, vượt thu, nhưng nhìn vào chi tiết nguồn thu từ các khu vực kinh tế, địa phương khác nhau đã bộc lộ sự khập khiễng, thiếu an toàn và không đồng đều. Thu nội địa tăng cao, nhưng hơn một nửa nguồn thu chủ yếu từ sản xuất, kinh doanh ô tô, ngay cả thu nhập khẩu cũng dựa vào số lượng linh kiện ô tô du lịch, ô tô tải tăng “đột biến” hay số thuế gia hạn năm 2014 chuyển sang nộp năm 2015… Tổng thu ngân sách địa phương vượt cũng chỉ chủ yếu do thu chuyển nguồn năm trước sang (3.340 tỷ đồng) và trung ương bổ sung. Ông Nguyễn Tiến – Chủ tịch HĐND huyện Núi Thành nói: “Việc tăng thu đều “ăn theo” Trường Hải, CCI hay may mặc… nên bấp bênh, phập phù như “chim trời cá nước”. Vấn đề quan trọng là nuôi dưỡng nguồn thu. Tại sao DIC, Kỳ Hà - Chu Lai… vốn là những doanh nghiệp có “máu mặt”, từng có thời kỳ vàng son lại suy giảm nguồn thu, cần phải được làm rõ nguyên nhân sụt giảm và phân tích, hạn chế chuyển nguồn năm nào cũng lớn. Cũng như kiểm soát kỹ sự hụt thu ở thuế xây dựng cơ bản vãng lai, khai thác khoáng sản…”.

Bội chi ngân sách

Thu ngân sách dù tăng nhưng chưa đủ lực để giải quyết nhu cầu mong muốn, tất yếu dẫn đến chi ngân sách bị căng kéo. Theo thống kê, trong các khoản chi ngân sách hàng năm cố định đều có chi trả nợ, viện trợ, đồng nghĩa với việc ngân sách phải cân đối để hoàn trả các khoản nợ, đảm bảo đúng cam kết, không để nợ quá hạn. Tình hình này cho thấy thâm hụt ngân sách sẽ khó giải quyết hơn khi  không thể trông chờ vào các khoản tăng thu đột biến. Vấn đề mấu chốt ở đây không hẳn là con số chi trả nợ và viện trợ cụ thể mà là khả năng cân đối thu chi, cơ cấu trả nợ, việc quản lý và giám sát dòng tiền trả nợ thế nào để tránh gây căng thẳng cho ngân sách, ảnh hưởng đến vốn đầu tư phát triển, các nhu cầu chi tiêu thường xuyên khác của chính quyền và dự phòng ngân sách. Thống kê cho thấy dự toán chi ngân sách do HĐND quyết định cho năm 2015 khoảng 14.057 tỷ đồng thì đã thực hiện 17.741 tỷ đồng, vượt 26% dự toán. Điểm sáng có thể nhìn thấy là chi đầu tư phát triển gia tăng, vượt 59% nhờ vào chuyển nguồn, vượt thu, trung ương cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương hay từ vốn vay. Còn lại, hầu hết nội dung chi thường xuyên đều vượt dự toán với 8.990/7.441 tỷ đồng (vượt 20% dự toán).

Theo ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế và ngân sách HĐND tỉnh, thẩm tra của Ban Kinh tế và ngân sách HĐND tỉnh cho thấy việc phân bổ chi ngân sách nhà nước năm 2015 đã bám sát HĐND tỉnh giao. Tỷ lệ chi đầu tư phát triển tăng khá nhờ được bổ sung từ nguồn vượt thu. Tuy nhiên, ngoài các khoản chi vượt do trung ương bổ sung nguồn thì vẫn còn một số khoản chi có thể chủ động khi xây dựng dự toán, nhưng khá nhiều khoản chi lại vượt khá cao như chi an ninh vượt 68%, chi đảm bảo xã hội vượt 91% và còn tình trạng quyết định phân bổ khoản chi khi chưa rà soát, xem xét tính pháp lý của các văn bản quy định. Đó là chưa kể đến nợ tạm ứng (1.244 tỷ đồng), phần lớn trả nợ tùy thuộc vào sự hỗ trợ của trung ương nhưng thiếu phối hợp, kiến nghị nên chưa thể hoàn ứng và việc bố trí kinh phí, hướng dẫn triển khai một số nghị quyết HĐND chưa được quan tâm đúng mức.

Số thực chi vượt nhiều so với dự toán đã thể hiện sự bất hợp lý giữa các ngành, lĩnh vực. Chi thường xuyên tiếp tục tăng lên sẽ dẫn đến thu không đủ bù chi thì việc tạm ứng, vay là điều tất yếu, dễ dàng đoán trước chi trả nợ cũng sẽ không bao giờ chấm dứt, bởi rất ít địa phương tự cân đối được ngân sách. Ông Phan Văn Chín cho rằng cơ chế phân cấp nguồn thu, chi ổn định đã tạo sự chủ động cho các địa phương có đủ nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, nhưng vẫn chưa lường hết số thu phát sinh của từng địa bàn nên có huyện tăng thu cao, trong khi nhiều địa phương tăng không đáng kể, thậm chí giảm so với dự toán nên rất khó khăn. Nhu cầu chi phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, thanh toán nợ xây dựng cơ bản rất lớn, nhất là nhu cầu vốn cho các chương trình, dự án trọng điểm, trong khi Quảng Nam vẫn nhận trợ cấp từ ngân sách trung ương, nguồn thu phát sinh hạn chế, thiếu bền vững đang tạo sức ép không nhỏ trong cân đối ngân sách…

TÙY PHONG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Áp lực thu chi ngân sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO