Áp lực từ thế giới phẳng

MINH ĐIỀN 21/06/2016 08:42

Năm 2006, Tạp chí Time (Mỹ) bình chọn nhân vật của năm là Bạn - tức là những người sử dụng internet trên toàn cầu.

Phóng viên Báo Quảng Nam tác nghiệp tại một kỳ đại hội thể dục thể thao của tỉnh. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Phóng viên Báo Quảng Nam tác nghiệp tại một kỳ đại hội thể dục thể thao của tỉnh. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Tạp chí Time nhấn mạnh những người sử dụng internet thông qua các trang web chia sẻ tin tức, video, các trang blog, mạng xã hội... “đã làm thay đổi cả một kỷ nguyên thông tin”. Và các “công dân mạng”, như cách gọi của chúng ta, được Time ghi nhận như là nhân tố chính yếu làm cơ sở cho một “nền dân chủ kỹ thuật số mới”, ở đó, “các blog và video clip trên những trang web đã mang đến cho chúng ta những hình ảnh chân thực nhất, nhanh chóng nhất về một sự kiện nào đấy”.

1. Mười năm qua, môi trường internet đã bùng nổ mạnh mẽ so với ngày Time đưa ra bình chọn đó, cả về phương tiện kỹ thuật số và lượng người sử dụng chúng. Người ta đã thống kê ở Việt Nam, hơn 41% dân số sử dụng internet. Đặc biệt trang mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay là Facebook thu hút đến hơn 30 triệu người sử dụng, tức 1/3 dân số.

Dĩ nhiên bất cứ sự tiến bộ công nghệ nào, đều dẫn theo những hệ lụy ngoài mong muốn. Những chiếc xe giúp chúng ta di chuyển nhanh hơn, đến lượt chúng lại thải khói độc ra môi trường. Có thể nói đến những hệ quả vĩ mô, như những cuộc chiến nổ ra vì tranh quyền làm chủ các nguồn năng lượng... Hầu như những rối rắm của thế giới có thể truy nguyên từ mỗi phương tiện chúng ta sử dụng hàng ngày.

Mặt trái của internet/ mạng xã hội cũng vậy. Nếu người dùng không đủ khả năng xử lý lượng thông tin khổng lồ tiếp nhận hàng ngày, họ có thể bị lạc hướng, có thể phản ứng không phù hợp với một số chuẩn mực... Những vấn đề cá nhân đó không thể làm mờ đi tác động to lớn mà internet tạo nên trên quá trình ảnh hưởng đến sự vận hành xã hội.

Môi trường trao đổi thông tin trên mạng là xu thế chung của toàn cầu, không thể đảo ngược, đòi hỏi nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống phải tiến bộ để thích nghi với phương thức truyền thông mới.

Việc phát đi và tiếp nhận thông tin trở nên đơn giản, chỉ qua vài cái nhấp chuột máy tính, vài cú lướt ngón tay trên điện thoại thông minh, máy tính bảng... Mỗi người sẽ dễ dàng chia sẻ bất cứ thông điệp nào của mình, từ chuyện cá nhân, những mối quan tâm hàng ngày, đến việc bình luận, bày tỏ thái độ đối với một sự kiện, nhân vật nào đó. Bên cạnh những chủ đề cá nhân, trong phạm vi nội bộ, ngày nay, mọi hiện tượng xã hội, mọi chính sách của Nhà nước, mọi quyết định của chính quyền... đều dễ dàng trở thành đối tượng phán xét của “công dân mạng”. Đó là điều không thể tránh khỏi.

2. Còn nhớ, hai năm trước, sự kêu gọi của cộng đồng đã khiến Chủ tịch nước đề nghị xem xét lại bản án của tử tù Hồ Duy Hải ở Long An. Hải được tòa ra quyết định hoãn thi hành án chỉ một ngày trước khi bản án được thực thi. Đến nay vụ án vẫn chưa được xử lại, nhưng điều quan trọng nhất mà các công dân mạng làm được, là giữ lại sinh mạng cho một con người, vì còn một chút nghi vấn về bản án của anh ta.

Đối với chính quyền, các cơ quan chức năng, dư luận tạo nên từ các trang mạng xã hội nhiều khi không dễ chịu chút nào. Nó đòi hỏi cơ quan công quyền phải tự trang bị kỹ năng xử lý thông tin, phải tự tổ chức lại để biến nguồn thông tin khổng lồ ấy thành những kênh tham khảo đắc lực cho các quyết định, chính sách của mình. Ở phương diện nào đó, khi một kế hoạch, một quyết định hay chính sách đưa ra, hầu như ngay lập tức nhận được hàng triệu phản hồi, là một điều hết sức kích thích cho những người đang quản lý xã hội. Họ có thể đo lường khá chuẩn xác độ nóng, sự ảnh hưởng, mức độ đón nhận của công chúng với các quyết định của mình. Thiết nghĩ đó là điều tích cực nhất mà mạng xã hội có thể đem lại đối với công quyền. Những phải ứng của công chúng nếu được tiếp thu, điều chỉnh hợp lý, sẽ là sự thúc đẩy cho chính sách, ngăn ngừa rất sớm những bất cập, bất bình một khi chính sách thực sự được áp dụng.

Khi Nghị định 171 của Chính phủ ban hành cũng khoảng hai năm trước, có điều khoản về “xe chính chủ” (xin gọi nôm na như vậy cho dễ nhớ), cũng từng có một làn sóng phản đối, phân tích những điểm bất hợp lý, những điều bất khả thi... của nội dung nghị định ấy. Kết quả là Chính phủ đã điều chỉnh, tạm gác lại điều khoản đó khi nghị định có hiệu lực. Đây là một trong những động thái cầu thị của chính quyền trước ý kiến của công dân, thể hiện qua các tương tác trên môi trường mạng.

Hay năm vừa qua, TP.Đà Nẵng được biết đến là một thành phố “chịu chơi”, khi các giám đốc sở, các lãnh đạo ban ngành tham gia vào quản trị trang facebook “Quản lý đô thị Đà Nẵng” - một diễn đàn mở cho mọi người góp ý nhằm xây dựng một môi trường đô thị tốt đẹp hơn. Cũng chưa biết sự tham gia của các vị lãnh đạo sẽ có hiệu quả cụ thể như thế nào, nhưng động tác ấy cũng đủ tạo ra một sự hứng khởi, tin tưởng đối với công dân thành phố, để mỗi người tự tin hơn khi nêu ý kiến của mình, kích thích mọi người tích cực góp ý xây dựng cho địa phương hơn.

3. Có rất nhiều ví dụ về dư luận mạng xã hội đã tác động trực tiếp hay gián tiếp đến các quyết định, chính sách của chính quyền. Tuy nhiên so với tiềm lực mạnh mẽ của nguồn năng lượng mạng xã hội hiện nay, thì sự khai thác của các nhà chức trách dường như còn khá dè dặt. Có lẽ điều này xuất phát từ thái độ nghi ngại đối với không gian mạng, khi những người đại diện công quyền phải đối diện với những ý kiến đa chiều, nhiều khi cực đoan, nặng nề. Dẫu sao, không thể khuôn ý kiến xã hội vào một khuôn mẫu biểu đạt nào cả, nên điều tốt nhất là chấp nhận một cách thẳng thắn, cả lời tán dương lẫn chỉ trích. “Chúng tôi nhận sự chỉ trích hàng ngày. Điều đó khiến chúng tôi nhận rõ thiếu sót và hành động hiệu quả hơn, thịnh vượng hơn, và công bằng hơn” - đại ý tổng thống Mỹ Obama đã phát biểu như thế trong chuyến thăm Việt Nam vừa rồi. Lẽ nào ông tổng thống Mỹ lại nói ngoa?

MINH ĐIỀN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Áp lực từ thế giới phẳng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO