Áp lực "vây" nghề nuôi tôm

NGUYỄN QUANG 13/09/2023 06:58

Các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn kép: sản lượng thu được thấp và giá tôm thương phẩm giảm mạnh.

Nhiều diện tích nuôi tôm ở vùng triều trong tỉnh đang... bỏ hoang. Ảnh: Q.VIỆT
Nhiều diện tích nuôi tôm ở vùng triều trong tỉnh đang... bỏ hoang. Ảnh: Q.VIỆT

Giá tôm giảm sâu

Những ngày qua, rải rác các vùng nuôi tôm trên cát qua các huyện Thăng Bình, Núi Thành, người dân thu hoạch tôm thẻ chân trắng bán cho tư thương. Ông Trần Văn Hải (thôn An Trân, xã Bình Hải, Thăng Bình) cho biết, thu hoạch được 2 tấn tôm bán được 140 triệu đồng, vừa đủ bù chi phí sản xuất.

Cùng kỳ năm trước cỡ tôm 100 con/kg bán được 100 nghìn đồng/kg nhưng nay chỉ có 70 nghìn đồng/kg. Nếu giá tôm thương phẩm vẫn duy trì ở mức này thì người nuôi tôm lao đao.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Quảng Nam, diện tích nuôi tôm toàn tỉnh hiện nay 1.650ha, sản lượng tôm thương phẩm thu hoạch từ đầu năm đến nay đạt gần 13 nghìn tấn. Diện tích có tôm nuôi chết do dịch bệnh hơn 150ha, chủ yếu là các bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp và bệnh phát sinh do môi trường biến động đột ngột.

Nhiều hộ nuôi tôm thua lỗ vì sản lượng thấp, trong khi chi phí đầu vào tăng đột biến. Ông Phạm Văn Khải (thôn Bình An, xã Tam Hòa, Núi Thành) cho biết, do lượng tôm nuôi hao hụt khá nhiều nên vụ này sản lượng chỉ đạt 60% so với vụ trước. Bán 3 tấn tôm thương phẩm, ông Khải thu được 150 triệu đồng, thấp hơn 40 triệu đồng so với tiền đầu tư.

Ông Khải tính, hiện nay trong tổng đầu tư một vụ nuôi tôm thì chi phí thức ăn chiếm đến 60%, cùng 20% là vật tư thủy sản, còn lại chi cho tiền điện, nhân công. Trong khi đó chi phí thức ăn và vật tư thời gian qua đều tăng cao nhưng giá tôm nguyên liệu lại giảm sâu khiến hộ nuôi tôm thua lỗ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tôm thẻ chân trắng cỡ 40 con/kg hiện nay có giá khoảng 110 nghìn đồng/kg trong khi đó ở vụ 1 là 180 nghìn đồng/kg. Các cỡ tôm nhỏ hơn cũng giảm giá rất sâu. Tôm 50 con/kg có giá chỉ 105 nghìn đồng/kg, giảm 30 nghìn đồng/kg; tôm 60 con/kg chỉ còn 100 nghìn đồng/kg…

Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, giá tôm giảm mạnh có rất nhiều nguyên nhân. Giá tôm nguyên liệu của một số nước, trong đó có Ecuador, Indonesia đang thấp hơn, thậm chí có lúc chỉ bằng 1/3 Việt Nam nên những thị trường quen thuộc bây giờ chủ yếu nhập tôm từ các nước có giá thấp hơn. Điều này khiến đầu ra, giá tôm nước ta bị ảnh hưởng nặng nề.

Mặt khác, do suy thoái kinh tế, người tiêu dùng nước ngoài thắt chặt hầu bao nên tôm khó tiêu thụ. Lượng tôm tồn kho của doanh nghiệp xuất khẩu còn lớn. Nhu cầu tiêu thụ tôm tại thị trường trong nước không cao nên giá thấp do cung vượt cầu.

Nguy cơ treo ao

Riêng ở xã Bình Hải (Thăng Bình), nuôi tôm ở vùng triều đã dừng lại từ cuối vụ 1 do hạ tầng yếu kém, thời tiết phức tạp, môi trường nước không đảm bảo nên tôm chết hàng loạt, người nuôi không tái sản xuất. Còn những vùng tôm trên cát vốn nuôi quanh năm nay chỉ còn chưa đến 30% diện tích.

Người dân kiểm tra tôm nuôi. Ảnh: Q.VIỆT
Người dân kiểm tra tôm nuôi. Ảnh: Q.VIỆT

Chính quyền xã Bình Hải cho biết, diện tích nuôi tôm thu hẹp là do sản lượng tôm nuôi đạt thấp. Trong bối cảnh giá tôm thương phẩm giảm mạnh, nguy cơ “treo ao” hiển hiện.

“Nghề nuôi tôm vốn bấp bênh nay càng gây thêm nhiều khó khăn cho các hộ nuôi. Diện tích nuôi tôm giảm, nông dân rất khó nuôi tôm với quy mô lớn như trước đây” - ông Hoàng Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải nói.

Vụ 3 nuôi tôm trên cát đã bắt đầu nhưng do nhận thấy tôm đang giảm giá mạnh, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh thận trọng. Một số hộ giảm mật độ thả nuôi, giảm số lượng ao nuôi nhằm hạn chế thiệt hại.

Dự báo thị trường xuất khẩu và tiêu thụ con tôm trong năm 2023 rất khó khởi sắc vì kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn. Hầu hết hộ nuôi giảm khoảng 30 - 40% công suất ao nuôi, chủ yếu nuôi duy trì chờ cơ hội mới để đầu tư lớn hơn.

Trước những khó khăn của nghề nuôi tôm, ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản khuyến cáo các hộ nuôi tôm cần lọc nước kỹ càng trước khi cho vào ao nuôi tôm thương phẩm. Khuyến cáo nông hộ bố trí ao lắng, ao chứa nước để chủ động trữ nước và cấp vào ao nuôi khi cần thiết.

Người nuôi tôm chú trọng theo dõi yếu tố môi trường, sức khỏe tôm nuôi, đặc biệt là đối với tôm nuôi giai đoạn mới bắt đầu. Kiểm tra, duy trì các yếu tố môi trường nước trong khoảng thích hợp, định kỳ bổ sung chất kháng, vitamin, chế phẩm vi sinh để giúp tôm nuôi phát triển tốt.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Áp lực "vây" nghề nuôi tôm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO