Áp trần giá sữa: Nhiều doanh nghiệp vẫn lách luật

CHIÊU THỤC ANH 16/08/2014 12:08

Hơn hai tháng kể từ ngày Bộ Tài chính ra quyết định áp trần giá sữa (ngày 1.6) người tiêu dùng vẫn chưa được hưởng lợi thực sự từ quy định này khi nhiều nhãn hàng “núp” dưới tên khác để lách luật.

Giá vẫn cao

Chị Nguyễn Thị Mai Thảo (đường Điện Biên Phủ, phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ) cho biết, ngay khi Bộ Tài chính có thông báo áp trần giá sữa đã được nhân viên công ty sữa Abbott (chi nhánh tại Đà Nẵng) gọi điện mời mua sữa với giá khá tốt: 5 hộp Similac 3 loại 400g chỉ có 590.000 đồng. “Trong khi dùng 5 hộp sữa này, cả gia đình ai cũng thấy vui với ý nghĩ từ nay tiền sữa không trở thành câu chuyện phải cân nhắc, đong đo vì mức giá mềm như vậy có thể “chịu đựng” được. Nào ngờ, khi dùng hết 5 lon sữa khuyến mãi đó, tôi ra cửa hàng để tiếp tục mua thì được nhân viên thông báo hết hàng, phải chờ” - chị Thảo cho hay.

Sau gần hai tháng áp trần giá sữa, người tiêu dùng vẫn chưa được hưởng lợi từ quy định này.Ảnh: THỤC ANH
Sau gần hai tháng áp trần giá sữa, người tiêu dùng vẫn chưa được hưởng lợi từ quy định này.Ảnh: THỤC ANH

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Linh Hương (thôn 1, xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước) thường mua sữa Enfamil A+1 của Công ty Mead Johnson cho con. Vừa dùng hết hộp sữa được mua với giá tiết kiệm 210.000 đồng/hộp 400g và loại 900g có giá 435.000 đồng/hộp, chị ra cửa hàng mua tiếp thì được thông báo đã hết hàng. Hiện cửa hàng chỉ có loại phiên bản mới là Enfamil A+1 3600 Brain Plus được quảng cáo rằng có thành phần nổi trội hơn, giá bán cũng cao hơn hẳn là 510.000 đồng/hộp 900g. Chị Hương thắc mắc: “Khi so sánh kỹ phiên bản mới của sữa Enfamil A+ 3600 Brain Plus có tên là “sản phẩm dinh dưỡng công thức”, còn phiên bản cũ có tên là “sản phẩm dinh dưỡng”, bổ sung thêm vitamin PP và khoáng chất carritine giúp chuyển hóa tốt hơn nhưng giá bán lại cao hơn gần 80.000 đồng/hộp. Việc tăng giá như vậy phải chăng nhà cung cấp âm thầm qua mặt cơ quan chức năng và người tiêu dùng trên cả nước”.

Hiện nay, 25 mặt hàng sữa được Bộ Tài chính quy định áp trần giá sữa dường như đã “bốc hơi” khỏi thị trường. Thay vào đó là những sản phẩm có mẫu mã mới nhưng thành phần hầu như không khác gì mẫu mã cũ nhưng giá cả chênh lệch từ vài chục ngàn đến cả trăm ngàn đồng. Hiện Công ty Mead Johnson đã góp mặt thêm dòng sản phẩm mới Enfamil A+ 3600 Brain Plus, Enfa Grow A+ 3600 Brain Plus với giá bán lẻ cao hơn loại thường từ 80.000 - 100.000 đồng/hộp.

Cần được siết chặt

Bộ Tài chính yêu cầu siết quản lý giá sữa

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc việc thực hiện bình ổn giá sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Trên cơ sở báo cáo tình hình triển khai theo chủ trương của Chính phủ về bình ổn giá sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi của Sở Tài chính, Bộ Tài chính đề nghị các sở tiếp tục rà soát, bổ sung danh sách các tổ chức, cá nhân kinh doanh các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi phải thực hiện xác định giá bán tối đa, đăng ký giá bán trên địa bàn. Bên cạnh đó đôn đốc, nhắc nhở các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi chưa thực hiện hoặc chưa thực hiện đầy đủ việc xác định giá bán tối đa, đăng ký giá nhanh chóng thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định số 1079/QĐ-BTC và Công văn số 6544/BTC-QLG của Bộ Tài chính.

Các Sở Tài chính phải thường xuyên tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra việc thực hiện giá bán lẻ, đăng ký giá, niêm yết giá của các tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trên địa bàn. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá và công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Các Sở Tài chính tăng cường tuyên truyền, cập nhật thông tin về giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi để người dân giám sát.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có văn bản thông báo với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) về 18/30 sản phẩm nằm trong danh mục Cục Quản lý gửi sang Cục An toàn thực phẩm nhờ định danh chính là sữa. Như vậy, đến nay, cả 30 sản phẩm Cục Quản lý giá đề nghị định danh đều được xác định là sữa, trong đó có nhiều sản phẩm của Vinamilk, Pedia Sure, I’m Mother…

Ngày 12.8, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết sẽ tiến hành thực hiện kiểm soát giá ngay 18 sản phẩm vừa được định danh là sữa theo đúng quy định của Luật Giá. Thời gian tới, Cục Quản lý giá sẽ tiếp tục rà soát để kiểm tra xem còn sản phẩm nào có thành phần như sữa nhưng không nằm trong danh mục sữa để thực hiện quản lý giá. T.B (tổng hợp)

Qua khảo sát một số cửa hàng sữa trên địa bàn tỉnh, hiện không còn nhiều loại sữa trong danh mục áp giá trần mà Bộ Tài chính công bố vào ngày 20.6. Thay vào đó là những sản phẩm sữa được thay tên đổi họ với “phiên bản mới” kèm lời quảng cáo thành phần chất dinh dưỡng linh hoạt hơn, cao hơn. Và tất nhiên, giá cũng cao hơn.

Giữa thời điểm được xem là loạn giá sữa, loạn mẫu mã, nhiều đại lý bán sữa đã không mấy vui vẻ khi phóng viên tới khảo sát, tìm hiểu nhu cầu và thị trường sữa trên địa bàn. Bà chủ siêu thị mi ni T. trên đường Trưng Nữ Vương (TP.Tam Kỳ) tỏ ra khó chịu khi chúng tôi có mặt tại siêu thị chiều ngày 12.8, từ chối những câu hỏi liên quan đến giá sữa, không cung cấp bảng niêm yết giá sữa. Trong khi đó, theo quy định của Bộ Tài chính, các đại lý, cửa hàng phải niêm yết bảng giá công khai cho người tiêu dùng tham khảo.

Theo đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, sau khi có quy định áp trần giá sữa, đoàn đã tiến hành kiểm tra việc áp giá tại một số cửa hàng, đại lý sữa. Lỗi vi phạm chủ yếu mà đoàn phát hiện thường là không công bố công khai bảng niêm yết giá sữa trên kệ hàng như quy định. Ông Lê Cần - Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, nói: “Thời gian đến, chúng tôi sẽ siết chặt và nghiêm khắc với các cửa hàng sữa nếu vi phạm đăng ký và niêm yết giá, bán quá giá quy định… Không để tình trạng đã áp giá trần mà giá sữa vẫn trôi nổi, gây bất lợi cho người tiêu dùng”.

CHIÊU THỤC ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Áp trần giá sữa: Nhiều doanh nghiệp vẫn lách luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO