(QNO) - Ngày 18 và 19/11, các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) nhóm họp tại Bangkok (Thái Lan) nhằm tìm giải pháp cho phát triển kinh tế khu vực bền vững.
Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 29 tại Thái Lan là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của các nhà lãnh đạo khu vực kể từ năm 2018, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức về lạm phát gia tăng, căng thẳng địa chính trị, biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19 kéo dài... gây cản trở phục hồi kinh tế thế giới nói chung và khu vực nói riêng.
Nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt với áp lực suy giảm ngày càng lớn và nguy cơ suy thoái ngày càng tăng.
Vì vậy, Thái Lan - chủ nhà của Hội nghị cấp cao APEC 2022 kêu gọi các nhà lãnh đạo khu vực vượt lên trên sự khác biệt và tập trung giải quyết các vấn đề kinh tế toàn cầu cấp bách trên.
Hội nghị cùng nhau thảo luận và thống nhất các giải pháp thúc đẩy thương mại và đầu tư, phục hồi và tăng trưởng cân bằng, toàn diện và bền vững trong khu vực.
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị vào sáng nay 18/11 với chủ đề "Rộng mở - Kết nối - Cân bằng", Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết các nhà lãnh đạo APEC sẽ trao đổi quan điểm về hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, đưa khu vực hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.
Theo đó, hội nghị thảo luận 3 định hướng ưu tiên của hợp tác APEC gồm: cởi mở với tất cả cơ hội, kết nối trên mọi khía cạnh và cân bằng trên mọi phương diện, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn liền với bền vững môi trường.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết, việc đưa mô hình kinh tế Tuần hoàn xanh lên hàng đầu trong chương trình nghị sự, Thái Lan hy vọng mô hình này sẽ thúc đẩy hơn nữa các mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
APEC được thành lập năm 1989, là một diễn đàn kinh tế khu vực hàng đầu với mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng ở châu Á - Thái Bình Dương. Chiếm khoảng 38% dân số thế giới, 21 nền kinh tế thành viên APEC đại diện gần một nửa thương mại toàn cầu và 62% tổng sản phẩm quốc nội của thế giới.
Chia sẻ đánh giá về tình hình và tương lai của APEC, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thế giới đang chứng kiến những biến động sâu sắc, mang tính lịch sử với nhiều yếu tố bất định và khó lường. Diễn đàn APEC cũng đang đối mặt với những thách thức chưa từng có, vì vậy, những gì các thành viên thống nhất trong nhận thức và hành động hôm nay có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với APEC và cho nhiều thế hệ mai sau.