APEC-21: Tự cường, động lực cho tăng trưởng toàn cầu

QUỐC HƯNG (Tổng hợp) 07/10/2013 08:33

Trong hai ngày 7 và 8.10, Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (Asia-Pacific Economic Cooperation, gọi tắt là APEC) lần thứ 21 diễn ra, với sự tham dự của các nguyên thủ, các nhà lãnh đạo từ các nước thành viên trong khu vực tại đảo Bali, Indonesia.

Các nhà lãnh đạo APEC tại Hội nghị thượng đỉnh năm 2012 tại Nga.
Các nhà lãnh đạo APEC tại Hội nghị thượng đỉnh năm 2012 tại Nga.

APEC được thành lập vào năm 1989 theo sáng kiến của Australia với mục đích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư trong khu vực. APEC hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, tự nguyện và không ràng buộc. Từ 12 nước thành viên ngày đầu thành lập, đến nay APEC có 21 thành viên, chiếm 59% dân số thế giới, đóng góp hơn 50% GDP và 57% thương mại toàn cầu. Cùng với các cơ chế hợp tác khác như Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ASEAN với các đối tác, Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định đối tác kinh tác toàn diện khu vực (RCEP), liên kết kinh tế Đông Bắc Á… APEC đang góp phần tích cực vào quá trình xây dựng một cấu trúc hợp tác khu vực theo hướng đa tầng, duy trì vai trò đầu tàu của châu Á - Thái Bình Dương trong tiến trình tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu.

Hiện APEC là khu vực dành viện trợ phát triển lớn nhất cho Việt Nam, chiếm tới 65% tổng số vốn đầu tư nước ngoài, 60% giá trị xuất khẩu, 80% giá trị nhập khẩu... Hầu hết đối tác chiến lược, đối tác kinh tế- thương mại hàng đầu của Việt Nam là các nền kinh tế thành viên APEC. Các hoạt động của lãnh đạo Việt Nam trong dịp tham dự Hội nghị cấp cao APEC-21 cũng  góp phần cụ thể hóa và triển khai quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam với Indonesia, tăng cường quan hệ song phương của Việt Nam với các thành viên chủ chốt trong APEC.

APEC-21 diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới đang hồi phục chậm. Ví dụ điển hình, trong khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã chậm lại từ 3,9% năm 2011 xuống còn 3,2% năm 2012, thì GDP trong cùng kỳ của khu vực APEC đã tăng lên 4,1%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nhiều thành viên APEC cũng gia tăng, thương mại nội khối APEC  tăng 3,9. Xuất khẩu của APEC năm 2012 cũng tăng 2,6%, lên 8.700 tỷ USD, trong khi nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ và Liên minh châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề vì khủng hoảng tài chính và nợ công. Thêm vào đó, với nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và thỏa thuận thương mại song phương đã được ký kết hoặc đang đàm phán, hiện APEC đang tích cực hướng tới xây dựng Khu vực Mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP).

Chính vì vậy, các nước thành viên rất coi trọng diễn đàn của khu vực. Song, bên cạnh những thành tựu kinh tế đạt được, APEC hiện cũng đang gặp không ít khó khăn và thách thức. Do đó, Hội nghị thượng đỉnh APEC-21 năm nay mang chủ đề “Châu Á - Thái Bình Dương tự cường, động lực cho tăng trưởng toàn cầu”. Tại đây, các nhà lãnh đạo APEC tập trung vào 3 nội dung ưu tiên cụ thể: Thực hiện các mục tiêu Bogor đã được nhất trí tại Hội nghị thượng đỉnh APEC năm 1994 ở Bogor (Indonesia) nhằm tăng cường tự do hóa thương mại và đầu tư, trong đó thời gian hoàn thành là 2010 cho các nền kinh tế phát triển và năm 2020 cho các nền kinh tế đang phát triển; Thúc đẩy tăng trưởng bền vững và công bằng; Tăng cường kết nối khu vực. Ngoài ra, chương trình nghị sự của APEC 21 cũng bao gồm các vấn đề liên quan đến năng lượng tái tạo và sản phẩm thân thiện với môi trường. Trước những diễn biến nhanh chóng về tập hợp lực lượng và xu thế liên kết đa tầng trong khu vực buộc APEC cần phải tiếp tục cải cách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và đóng góp thực chất hơn.

Trước đó, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế APEC diễn ra trong hai ngày 4 và 5.10, các bộ trưởng APEC cũng đã cam kết thúc đẩy vòng đàm phán của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tại Hội nghị cấp bộ trưởng của tổ chức này vào tháng 12 tới cũng tại Bali, Indonesia. Theo Tổng Giám đốc WTO, Roberto Azevedo, sự ủng hộ của APEC sẽ góp phần tháo gỡ được sự bế tắc của vòng đàm phán Doha.

QUỐC HƯNG (Tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
APEC-21: Tự cường, động lực cho tăng trưởng toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO