ASEAN bảo vệ lao động phổ thông

NAM VIỆT  (theo Nation) 31/05/2016 09:06

Lao động phổ thông là lực lượng lao động quan trọng trong nền kinh tế khu vực ASEAN, nhưng cuộc sống của họ vẫn đầy khó khăn và dễ bị tổn thương nhất.

Lao động phổ thông Indonesia làm thủ tục xin việc ở nước ngoài. (Ảnh: Japantimes)
Lao động phổ thông Indonesia làm thủ tục xin việc ở nước ngoài. (Ảnh: Japantimes)

Cộng đồng các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) trong đó bao gồm Cộng đồng Kinh tế (AEC) ra đời vào cuối năm ngoái được nhận định mang đến cơ hội và thách thức cho nền kinh tế các nước thành viên. Một trong những vấn đề AEC quan tâm hàng đầu và nhận được ủng hộ, phản ứng tích cực của các thành viên là việc tự do di chuyển nguồn lao động có tay nghề trong khu vực. Điều đó mở rộng cơ hội cho các tay nghề tài năng, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện cuộc sống cho người dân trong khối ASEAN.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, trong khi AEC chú trọng vào việc dịch chuyển lao động có tay nghề trong 8 lĩnh vực chuyên môn gồm bác sĩ, y tá, nha sĩ, kỹ sư, trắc địa viên, người làm trong ngành du lịch, kế toán và kiến trúc sư, lực lượng này chỉ chiếm 1,5% tổng lực lượng lao động của ASEAN. Trong khi đó, có đến 87% lao động dịch chuyển nội khối lại là lao động phổ thông và đây hiện là đối tượng dễ bị tổn thương. Trong tuyên bố Cebu của khối ASEAN cũng chú trọng bảo vệ và tăng cường quyền lợi của lao động di cư. Đây được xem là công cụ cơ bản để giải quyết những vấn đề của dòng lao động di cư trong và cả ngoài khu vực. Tại Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN lần thứ 24 vừa diễn ra ở Viêng Chăn (Lào) đã tập trung ủng hộ Tuyên bố Cebu, đồng thời bàn những giải pháp mở rộng việc phối hợp chuyển dịch lao động từ phi chính thức sang chính thức, tiến tới môi trường lao động bền vững, nhất là mở rộng phối hợp giải quyết việc làm cho những người có trình độ bậc thấp.

Bà Maria Nenette Motus - Giám đốc khu vực của Tổ chức quốc tế về di cư khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, một trong những thách thức chủ yếu cho lao động di cư, đặc biệt là lao động phổ thông có tay nghề thấp nói chung là họ không được bảo vệ hay được hưởng chính sách an sinh xã hội. Bên cạnh đó, lực lượng lao động này bị hạn chế trong vấn đề tiếp cận với hệ thống chăm sóc sức khỏe, sự hỗ trợ tâm lý... Bà Maria Nenette Motus đặc biệt nhấn mạnh đến lao động di cư nữ chủ yếu giúp việc nhà, nếu không được bảo vệ sẽ có nguy cơ trở thành nạn nhân bị khai thác, bóc lột, lạm dụng, buôn người bất hợp pháp.

Một quan chức của Bộ Lao động Thái Lan cho biết, Thái Lan là điểm đến khá lý tưởng cho hàng triệu lao động di cư từ các nước khác, chủ yếu trong khu vực. Mặc dù không được chào đón nhưng thực tế lực lượng này lại bù đắp cho thị trường lao động phổ thông ngày càng thiếu hụt tại Thái Lan. Do đó, Bộ Lao động Thái Lan vừa gửi đề xuất lên chính phủ ban hành sắc lệnh mới quản lý lao động từ nước ngoài, như việc bảo vệ dòng lao động phổ thông. Mục đích tạo điều kiện hợp pháp cho người lao động nước ngoài tại Thái Lan, qua đó góp phần ngăn chặn việc đưa lậu người qua biên giới, quản lý và bảo vệ lao động di cư một cách hiệu quả hơn.

NAM VIỆT  (theo Nation)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
ASEAN bảo vệ lao động phổ thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO