ASEAN hướng tới phục hồi kinh tế sau đại dịch

QUỐC HƯNG 26/10/2021 21:02

(QNO) - Ngày 26.10, Hội nghị cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 38 và 39 cùng các hội nghị liên quan được khai mạc dưới sự chủ trì của Brunei - quốc gia nắm giữ Chủ tịch luân phiên ASEAN.

Nhà máy lắp ráp ô tô tại Indonesia. Ảnh: AFP
Kinh tế của ASEAN vẫn có dấu hiệu lạc quan bất chấp đại dịch. Trong ảnh: Nhà máy lắp ráp ô tô tại Indonesia. Ảnh: AFP

Với chủ đề “Chúng ta quan tâm, chúng ta chuẩn bị và chúng ta cùng phát triển thịnh vượng”, hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tuyến do đại dịch Covid-19.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah cho biết, các nước thành viên ASEAN sẽ nhân cơ hội này để xem xét các nỗ lực xây dựng cộng đồng của ASEAN trong việc hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.

Cạnh đó, ASEAN cũng sẽ thảo luận các vấn đề trọng tâm khác, bao gồm ngăn chặn và ứng phó với đại dịch, phục hồi kinh tế ASEAN sau đại dịch, nắm bắt các cơ hội mới để theo đuổi sự thịnh vượng chung và duy trì hợp tác hướng tới đạt được các mục tiêu dài hạn của khu vực.

Tại hội nghị, Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi cho biết, bất chấp những thách thức của đại dịch Covid-19, triển vọng kinh tế của ASEAN vẫn có những dấu hiệu lạc quan.

Sự phục hồi kinh tế của ASEAN sau đại dịch phụ thuộc vào việc phân phối đồng đều hơn vắc xin phòng Covid-19, điều này sẽ đảm bảo tiếp tục tiếp cận công bằng và đáng tin cậy đối với vắc xin cho tất cả mọi người.

Đến nay, nhờ vào mức độ bao phủ vắc xin phòng Covid-19, nhiều nước ASEAN nới lỏng kiểm soát biên giới, từng bước phục hồi ngành du lịch nói riêng và kinh tế nói chung. Bởi vậy, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ tiếp tục trao đổi về khả năng hình thành các hành lang đi lại an toàn, công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng vắc xin Covid-19 hay hộ chiếu vắc xin.

Trong đó, nền kinh tế số ASEAN nổi lên và đóng vai trò quan trọng trong góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực. Trong năm 2020, kinh tế số đem lại doanh thu 100 tỷ USD cho khu vực. Dự báo ASEAN sẽ chứng kiến số người tiêu dùng số tăng lên 80% vào cuối năm 2021.

Trước đó, các nhà lãnh đạo kinh tế ASEAN cam kết xây dựng nền tảng cho một nền kinh tế số ASEAN, nhằm vực dậy tăng trưởng kinh tế khu vực sau đại dịch và nâng cao khả năng cạnh tranh của khối trong trung và dài hạn...

Các thành viên ASEAN và đối tác cũng kỳ vọng Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - một thỏa thuận thương mại lớn giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand đi vào hiệu lực vào đầu năm 2022 sẽ góp phần thúc đẩy thương mại và đầu tư trong khu vực, đặc biệt phục hồi kinh tế ASEAN sau đại dịch. 

RCEP là một hiệp định với thị trường 2,2 tỷ dân (chiếm 30% dân số thế giới), tổng GDP 26,2 nghìn tỷ USD, tương đương 30% GDP toàn cầu và chiếm gần 28% thương mại toàn cầu. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự chuỗi hội nghị cấp cao lần này - chuỗi sự kiện cấp cao và quan trọng nhất của ASEAN.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
ASEAN hướng tới phục hồi kinh tế sau đại dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO