ASEAN thúc đẩy năng lượng tái tạo

NAM VIỆT 17/10/2023 15:38

(QNO) - ASEAN - khu vực có một số nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, bảo vệ an ninh năng lượng khi nhu cầu năng lượng tăng.

Nhà máy quan điện mặt trời nổi tại Singapore. Ảnh: Gettyimages
Nhà máy quang điện mặt trời nổi tại Singapore. Ảnh: Gettyimages

Malaysia

Tháng 7/2023, Malaysia công bố lộ trình chuyển đổi năng lượng quốc gia nhằm tăng cường công suất năng lượng tái tạo, giảm sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nhập khẩu khí đốt tự nhiên.

Bộ Kinh tế Malaysia cho biết, lộ trình xác định 10 dự án năng lượng tái tạo hàng đầu, bao gồm kế hoạch xây dựng nhà máy quang điện mặt trời hybrid (dùng cả năng lượng mặt trời và bộ pin lưu trữ) lớn nhất Đông Nam Á.

Malaysia đặt mục tiêu nâng mức năng lượng tái tạo lên 70% tổng công suất phát điện vào năm 2050, tăng từ 25% vào cuối tháng 3/2023. 

Các kế hoạch phát triển khác bao gồm một khu năng lượng tái tạo tích hợp, 5 công viên năng lượng mặt trời tập trung quy mô lớn và 3 nhà máy sản xuất hydro xanh.

Việt Nam

Tháng 5 vừa qua, Việt Nam công bố Quy hoạch điện VIII hay Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cam kết tăng cường năng lượng gió và khí đốt đồng thời giảm sự phụ thuộc vào than.

Chính phủ Việt Nam cho biết các nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời dự kiến sẽ chiếm ít nhất 31% nhu cầu năng lượng quốc gia vào năm 2030.

Theo kế hoạch, tất cả nhà máy than phải được chuyển đổi sang nhiên liệu thay thế hoặc ngừng hoạt động vào năm 2050.

Singapore

Kế hoạch xanh 2023 của Singapore nhấn mạnh đến việc sử dụng năng lượng tái tạo. Bộ Bền vững và môi trường Singapore cho biết tăng cường triển khai năng lượng mặt trời lên công suất ít nhất 2 gigawatt điện vào năm 2030.

Dù các lựa chọn năng lượng tái tạo hạn chế do địa lý, Singapore sẽ thực hiện các biện pháp như tấm pin mặt trời trên mái nhà cũng như nhập khẩu điện và hydro từ các nước ASEAN khác để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Năm ngoái, Công ty Keppel Electric của Singapore ký thỏa thuận hai năm với Lào để nhập khẩu tới 100 megawatt điện, đánh dấu lần đầu tiên Singapore nhập khẩu năng lượng tái tạo.

Philippines

Cũng như nhiều quốc gia ASEAN khác, Philippines đang tìm cách thu hút các công ty nước ngoài có chuyên môn về năng lượng tái tạo để phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo. 

 
Sản xuất năng lượng tái tạo tại Philippines. Ảnh: Philippines.oxfam.org

Đầu năm nay, Philippines loại bỏ các yêu cầu về quyền sở hữu của Philippines đối với một số nguồn năng lượng tái tạo, cho phép các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu hoàn toàn các dự án liên quan đến tài nguyên năng lượng mặt trời, gió, thủy điện hoặc đại dương. Trước đây, các công ty nước ngoài chỉ có thể sở hữu tối đa 40% các dự án năng lượng như vậy.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), quyền sở hữu nước ngoài rất cần thiết trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án sản xuất gió tái tạo ở Philippines, quốc gia có tiềm năng lắp đặt 21 gigawatt điện gió ngoài khơi vào năm 2040, tương đương với khoảng 1/5 nguồn cung cấp điện của Philippines.

Indonesia

Indonesia cũng nới lỏng một số hạn chế về sở hữu nước ngoài để tạo động lực đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Ví như, hiện Indonesia cho phép 100% sở hữu nước ngoài trong các dự án truyền tải, phân phối điện và sản xuất điện (với công suất hơn 1 megawatt), theo Tạp chí Luật kinh doanh châu Á.

Vì vậy, Indonesia lạc quan rằng sẽ có nhiều khoản đầu tư nước ngoài đổ vào trong vài năm tới, dẫn đến nhiều dự án năng lượng tái tạo hơn trong khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
ASEAN thúc đẩy năng lượng tái tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO