Âu lo trường lớp xuống cấp

XUÂN PHÚ 29/08/2023 09:27

Năm học mới 2023 - 2024 đã cận kề, song không ít trường học vẫn còn mang nỗi lo cơ sở vật chất xuống cấp, không đảm bảo yêu cầu dạy và học, nhất là mùa mưa bão sắp đến.

Khu phòng học Trường THPT Núi Thành xuống cấp khá nặng. Ảnh: X.P
Khu phòng học Trường THPT Núi Thành xuống cấp khá nặng. Ảnh: X.P

Nỗi lo trường sập

Được đầu tư xây dựng từ năm 1997, Trường THPT Núi Thành giờ đây đã xuống cấp khá nặng. Dẫn chúng tôi đi thăm khu phòng học chính 2 tầng, Hiệu trưởng Nguyễn Tấn Triều cho biết vừa qua nhà trường nhờ thợ xây dựng kiểm tra, phát hiện xà gồ gỗ của 2 phòng học đã bị mối ăn rất nhiều, có nguy cơ gãy đổ bất cứ lúc nào, trường buộc phải cắm biển “khu vực nguy hiểm cấm vào” để cảnh báo.

Tại ngôi trường này, nhiều hạng mục khác cũng đã xuống cấp. Tường phòng học, hành lang nhiều chỗ bị nứt, rơi vôi vữa, lộ cả gạch và sắt thép, ẩm mốc đen ngòm. Hệ thống cửa chính, cửa sổ, khung cửa bằng gỗ sau ngần ấy năm không thể chống chọi với nắng mưa nên bị mục nát. Hệ thống sê nô mái sau cũng hư hỏng, nhiều đoạn gạch bị đứt rớt tự bao giờ.

So với trường THPT thì cơ sở vật chất trường tiểu học, THCS, mầm non được các địa phương đầu tư khang trang hơn. Theo ông Võ Đăng Thuận - Trưởng phòng GD-ĐT Nam Trà My, đến nay địa phương đã xóa được phòng học tạm, các điểm trường thôn không còn tranh tre. Ở một số nơi xe ô tô không đi đến được, không thể vận chuyển cát sạn lên xây dựng kiên cố được, phải chấp nhận phương án xây dựng phòng học mái tôn, vách ván, nền xi măng hoặc gạch men. Còn phòng học xuống cấp thì đương nhiên năm nào cũng có vì sau thời gian dài sử dụng sẽ xuống cấp phải sửa chữa.

Thầy Triều thông tin thêm, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, nhà trường cho trám hết các vết nứt tường và sơn lại cho dễ coi. Những năm qua, mỗi khi mùa mưa đến thì nhiều phòng học bị dột ướt sũng. Tuy nhiên, nhà trường chỉ có thể sữa chữa tạm thời.

“Hiện có 2 phòng không thể sử dụng được nên trước mắt nhà trường thuê thợ thay xà gồ, lợp mái tôn bằng nguồn kinh phí của trường và xin phụ huynh hỗ trợ để có chỗ dạy - học trong năm học mới. Nhà trường cũng đã có văn bản gửi Sở GD-ĐT đề nghị cho sửa chữa, cải tạo một số hạng mục nhằm phục vụ năm học 2023 - 2024” - thầy Triều nói.

Là một trong những trường học có quy mô lớn nhất tỉnh với 39 lớp, hơn 1.600 học sinh, thật khó tin ngôi trường gần 50 tuổi đời này vẫn loay hoay với bài toán đạt chuẩn quốc gia.

Cách đây 2 năm, khi nghe dự án xây dựng cơ sở mới cách trường cũ không xa, nhiều thầy cô và phụ huynh khấp khởi mừng. Thế nhưng đến nay vẫn chưa thấy đâu và chẳng biết khi nào được về cơ ngơi mới để thoát khỏi nỗi lo “ngập nước, sập phòng” khi mùa mưa bão đến.

“Dạy và học trong các phòng học xuống cấp thì thầy trò chúng tôi “quen” chịu đựng nhiều năm nay rồi. Chỉ sợ không an toàn khi mùa mưa bão đến” - thầy Triều chia sẻ.

“Xếp hàng chờ”

Mong ngóng được về học ở cơ ngơi khang trang cũng là tâm trạng chung của cô và trò Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Quế Sơn) khi mà năm học mới 2023 - 2024 đang đến gần, nhưng trường mới vẫn còn ngổn ngang chưa biết đến bao giờ mới hoàn thành.

Công trình xây dựng tại địa điểm mới nên không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của nhà trường; tuy nhiên, theo Hiệu trưởng Trần Thị Hồng Phượng, việc dạy và học tại cơ sở cũ gặp nhiều khó khăn vì lâu nay cơ sở vật chất không được đầu tư cải tạo, nâng cấp do chờ cơ sở mới.

“Phòng học thì đủ nhưng các phòng chức năng không đáp ứng yêu cầu, xuống cấp, rất khó cho công tác dạy học, nâng cao chất lượng” - cô Phượng chia sẻ.

Dự án xây dựng trường Trần Đại Nghĩa có vốn đầu tư hơn 61 tỷ đồng, thi công từ tháng 7/2020 và dự kiến hoàn thành vào năm 2023. Dù UBND tỉnh tổ chức nhiều cuộc họp nhằm đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc song sau gần 3 năm thi công, đến nay mới được hạng mục khối nhà lớp học song vẫn chưa hoàn chỉnh. Các hạng mục còn lại như nhà đa năng, nhà bộ môn, hiệu bộ, các hạng mục phụ trợ… vẫn “đứng bánh” do chưa có mặt bằng.

Được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, thời gian qua cơ sở vật chất hệ thống trường THPT đã được cải thiện thấy rõ, nhiều ngôi trường được xây dựng mới, có bộ mặt khang trang như THPT Nguyễn Huệ (Núi Thành), Hồ Nghinh, Nguyễn Hiền (Duy Xuyên), Trần Quý Cáp (Hội An), Nguyễn Khuyến (Điện Bàn)…

Tuy nhiên, nguồn lực có hạn và nhiều lý do khác, vẫn còn không ít trường học xuống cấp cần xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp đáp ứng yêu cầu dạy - học, xây dựng chuẩn quốc gia phải “xếp hàng” chờ đợi đến lượt mình. Trong tình cảnh đó, thầy và trò phải “gồng mình” để vượt qua khó khăn.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Âu lo trường lớp xuống cấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO