Phúc thường dậy lúc chín giờ sáng để mở cổng rào quán nhậu, kéo bàn ghế xếp ngay ngắn. Nhưng báo thức luôn gọi Điều từ trước đó ba, bốn tiếng. Quán nhậu bán tới hai, ba giờ sáng, nên bữa mô Điều cũng uể oải mỏi nhừ.
Điều lay gọi con gái Phúc, bồng đứa nhỏ hối đứa lớn đi rửa mặt đánh răng. Mỗi đứa tự biết thay đồ ngủ, mặc vào bộ đầm xinh xắn mà Điều chuẩn bị sẵn. Bé Ni loay hoay buộc tóc đuôi gà, trong khi Điều thắt bím cho Na. Bữa nào thư thả thời gian, ba cô cháu nhẩn nha đi ăn sáng cùng nhau. Nếu gấp quá Điều sẽ chở Ni tới trường tiểu học với hộp xôi hoặc ổ bánh mì, rồi quay ngược xe đưa Na sang nhà trẻ cùng tô cháo thịt bằm nấu vội. Xong xuôi, Điều về quán, chui vào phòng ôm Phúc ngủ thêm một lúc.
*
* *
Người ở xóm này bảo, không có Điều, thằng Phúc cũng chẳng lo ế. Cái thằng tánh hơi cộc cằn, chớ mặt mũi phong trần lãng tử, miệng lưỡi thì dẻo keo. Ngọt mật chết ruồi. Gái bu Phúc đông đen, từ thợ cắt tóc gội đầu đến giáo viên mầm non, từ bé kế toán đến nhỏ bán hàng la ghim ngoài chợ. Đứa sáng sáng tạt ngang quán gửi ly nước cam giã rượu. Kẻ chiều chiều mang sang nồi cá kho thơm nức. Người nịnh bọn nhóc bằng mấy que kem cái kẹo. Nhưng ngoài Điều ra, ai cũng ngán vợ của Phúc. Nghe đồn Diễm bỏ nhà đi với trai trẻ, vẫn về quán rượt chồng.
Điều dọn về ở chung với Phúc khi anh còn chưa hoàn tất thủ tục ly dị. Người đời được dịp chỉ trỏ, đoán già đoán non. Kẻ cho rằng Phúc ngoại tình trước nên mới ra cơ sự. Người quả quyết Diễm là thứ vợ hư hỏng, quá quắt nhất từng thấy. Kể ra thì ông ăn chả bà ăn nem, nồi nào úp vung nấy thôi.
*
* *
Đời Điều mới sống ba tư năm đã mang tiếng làm “mẹ ghẻ” hai lần. Trước khi làm “tiểu tam” như lời thiên hạ trong câu chuyện của vợ chồng Phúc, Điều cũng từng có một gia đình mà người ngoài nhìn vào tưởng là êm ấm. Chính kẻ trong cuộc còn bị lừa bởi vỏ bọc hạnh phúc được xây đắp cẩn thận đó, huống chi người ngoài chẳng tỏ ngọn rõ nguồn. Chồng Điều dẫn về nhà một thằng con trai ba tuổi mà hắn lang chạ từ đâu đó. Trước khi ly dị chồng, Điều nuôi đứa nhóc suốt sáu năm trời, nhưng chưa một lần được gọi bằng mẹ.
Điều muốn có con, một đứa con do chính mình mang nặng đẻ đau, chớ không phải là con của người khác nhờ Điều nuôi giùm chăm giúp. Nhưng mần răng để Điều dám sinh một đứa con bây chừ?
Phúc đang trên đà gầy dựng chuỗi nhà hàng hải sản. Cái quán thứ hai được Phúc mở cách đây chừng mười lăm cây số. Điều ở đây tất bật phụ giúp từ quán xá tới chăm con cho Phúc, tới thời gian để ngủ còn không đủ. Nếu chừ nhà có thêm một đứa trẻ sơ sinh nữa, chắc Điều sẽ kiệt sức mất. Điều với Phúc là ở gạ sống ghép, chưa cưới hỏi, chẳng đăng ký kết hôn. Sinh con ra rồi làm giấy khai sinh cho con kiểu răng, nhỡ Phúc đuổi đi thì con của Điều lại mang tiếng không cha.
Nghĩ hoài nghĩ mãi rốt cục ước muốn làm mẹ cứ thế gác lại không hẹn ngày thực hiện, dù khát khao thì vẫn xoáy vào Điều mỗi khi ôm ấp bé Na trong lòng. Điều thèm nghe một tiếng “má” từ con của mình, thèm tới ứa nước mắt mỗi lần nghe Ni, Na í ới gọi Diễm. Vợ cũ của Phúc có tình cờ nhìn thấy được mong mỏi nơi ánh mắt Điều hay không, mà cô ta luôn cứa dao vào tim Điều bằng câu nói cũ rích.
- Mấy đời bánh đúc có xương. Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng, Ni nghe.
Có cái oan nào như oan bánh đúc, chỉ vì làm từ bột, không thể có xương nên đời nào cũng bị đem ra làm vế so sánh với “dì ghẻ”. Và có cái oan nào như oan của người vợ kế, đã nuôi con chồng rồi còn mang tiếng nhẫn tâm. Đâu phải người dì ghẻ nào cũng là mẹ Cám.
*
* *
Hai năm trước, Diễm chở Điều về nhà Phúc, giới thiệu với cả gia đình. Chặng đường đi hun hút gió. Điều lạnh từ xương lạnh dần ra da, chân tay tê ngắt dù mặt trời trên cao vẫn đang chiếu từng tia nắng bỏng rát xuống.
- Tui dẫn vợ hai của con trai má về đây. Tui nhường chồng, nên nhường luôn hai đứa con. Để tui xem thử cái thứ nhặt lại rác người khác vứt đi thì sẽ có kết cục ra sao.
Một người phụ nữ đẹp như Diễm, môi son má đỏ phơi phới hai bảy xuân xanh, lại có thể mở miệng nói những lời cay nghiệt đâm thịt xuyên tim. Má chồng Diễm quá hiền, bà cũng nghĩ con trai mình sai, nên dù Diễm đang hết lời hạ nhục Phúc, bà vẫn ngồi ngó lơ ra cửa. Những bông hoa khế hồng hồng tím tím li ti rơi đầy ngoài sân, mỏng manh nhỏ bé cứ như tình cảnh của Điều hiện tại.
Má Phúc - người đàn bà đã gần đi tới cuối cuộc đời, bà im lặng còn vì nhận ra, Điều sẽ là một người dâu hiền vợ thảo. Thật đáng tiếc khi để Điều gắn đời mình với danh xưng cướp chồng, nhưng năm dài tháng rộng, bà còn mong mỏi chi hơn hạnh phúc về sau cho con cháu của bà. Hồi đó, khi Phúc dẫn Diễm về ra mắt, bà đã nhìn thấy rõ ràng ngoài đẹp ra, Diễm chẳng có thêm được gì, kể cả tình mẹ.
Khi bé Ni được sáu tháng trong bụng, vì cãi nhau với Phúc mà Diễm đã uống hết một chai rượu mạnh. Ni sinh ra được ba tháng, Diễm cho con bỏ bú, mang về nhờ ngoại chăm. Nghe nói đợt đó Phúc bắt gặp Diễm đi theo một thằng đàn ông khác. Và hàng chục lần má Phúc bắt gặp Diễm tàn nhẫn với con mình. Giờ đây, Điều đến có lẽ là cứu cánh của cuộc đời Ni, Na. Đâu phải tự dưng Phúc chọn một người như Điều để làm mẹ ghẻ của con mình.
*
* *
Điều thương Phúc một, thì có lẽ lo Ni, Na tới mười. Trên đời này có những kẻ sống chỉ cần tình yêu, bất chấp tất cả tình thân như Diễm. Nhưng lại cũng có người dư dả tình thương cho những người xa lạ mà họ coi như là gia đình.
Giữa Ni, Na và Điều có sợi dây gắn kết vô hình nào đó cô cũng không cắt nghĩa được. Là khi Ni ngại ngùng níu tay Điều bữa cô đi họp phụ huynh giùm Phúc. Là lúc Na chui tọt vào ngồi trong lòng cô, dụi dụi đầu con bé lên ngực Điều mỗi sáng mắt còn lơ mơ chưa tỉnh ngủ. Hay những buổi chiều Điều tắm rửa cho hai đứa và bị vẩy nước tung tóe lên người. Hoặc giữa khuya thức giấc từ cơn ác mộng, Na sẽ quay qua rấm rứt trên cánh tay của Điều, chờ đợi bài hát ru của cô đưa con bé trở lại giấc ngủ. Cũng có thể tất cả khoảnh khắc nhỏ nhặt đó đã gom góp cho tình thương dần lớn lên trong lòng Điều.
Mỗi lần Ni, Na về ở với Diễm là Điều lại thấp thỏm. Cô đâu sợ mẹ ruột cướp mấy đứa nhỏ đi. Nói như người ngoài thì không có Ni, Na cô sẽ “rảnh nợ” hơn. Biết đâu lại đẻ được một thằng cu con cho Phúc.
Điều giật mình thon thót là khi Ni hồn nhiên kể lại, tối qua con bé ngủ với mẹ Diễm và chú. Cô lạnh toát khi nhớ lại thằng cha hàng xóm bệnh hoạn nhà bên cạnh. Điều cúi mặt như để trốn tránh ánh nhìn thương hại ác ý của lũ bạn học. Và nước mắt Điều rơi dài hệt cái đêm chồng cô dẫn thằng con trai rơi về nhà.
- Đã không sạch sẽ rồi lại chẳng chịu đẻ con!
Điều sợ lắm, đời Ni còn chưa bắt đầu, không thể để nó nát bét như đời cô được. Nhưng Phúc đâu hiểu điều đó, Diễm thì chẳng quan tâm. Có khi Diễm sẽ đổ vấy là Điều tìm cách chia rẽ tình mẹ con bọn họ. Rồi Diễm lại ca bài ca “mấy đời bánh đúc”.
Điều đắn đo suy tính mấy ngày trời, gửi bao nhiêu tiếng thở dài vào buổi đêm, đến cuối cùng đã quyết định kể thiệt với Phúc về câu chuyện tuổi thơ. Dù Phúc có coi thường Điều như chồng cũ, dù anh có đuổi Điều đi, cô cũng phải nói. Nhất định phải bảo vệ cho được Ni, Na.
Cô không hẳn tốt bụng, nhưng Điều đã từng ước, giá mà má cô sớm nghi ngờ tên “yêu râu xanh” mang vỏ bọc yêu mến trẻ con. Nếu như lúc đó có ít nhất một người lớn cảnh báo cho Điều biết về thế giới đầy bất trắc đằng sau viên kẹo ngọt, thì có lẽ đã không xảy ra chuyện đáng tiếc như vậy.
*
* *
Diễm dẫn Ni, Na về quán, đùng đùng vô kho lấy ra mấy chai bia, tự bật nắp ngửa cổ tu một lượt hết sạch.
- Tui giao con gái cho chị. Chị ráng chăm sóc cẩn thận. Trước, tui sợ để nó ở quán nhậu toàn bọn đàn ông say xỉn qua lại. Nay nghĩ kỹ lại, dù sao ở với mẹ ghẻ vẫn hơn bố dượng.
Lúc bước loạng choạng ra xe taxi đi khỏi quán, Diễm vẫn còn chửi đổng trong miệng: “Thằng đó mà quay lại tao sẽ đánh xịt máu mũi…”.
Mặc dù đang tất bật với chảo dầu trong bếp, chỉ liếc mắt nhìn sơ qua, nhưng dường như Phúc hiểu hết mọi chuyện đang xảy ra. Tới khuya, Điều đang lúi húi nhặt mấy vỏ lon bia để dọn quán, Phúc từ đâu vòng tay qua ôm từ phía sau, thì thầm vào tai: “Cảm ơn em!”.
Điều mỉm cười nhẹ nhàng. Mặc kệ người đời có nói lời cay nghiệt, chỉ cần mỗi ngày được cạnh bên Phúc và Ni, Na là đủ. Tính toán sổ sách xong, Điều sẽ khoe với Phúc về món quà lớn mà cả hai dành cho quãng đời về sau của nhau. À, còn phải tìm cách để Ni, Na tập quen dần với em út trong bụng dì Điều nữa.