Bạn rủ tôi vào một quán cà phê phong cách vintage. Quán nhỏ xinh lọt thỏm giữa lòng thành phố ồn ã, như một kho tàng cất giấu mấy món đồ cổ xưa thú vị. Một chiếc máy may cũ, cái tủ chạn gỗ bị mọt gặm hơi xơ xước, vài ba chiếc đèn dầu sợi bấc, mấy quyển sách giấy ngả vàng chữ nhỏ lí rí như con kiến riện. Và những món đồ đất nung: tò he, ấm chén cùng mớ hòn binh (heo đất ngày xưa). Giai điệu bài hát quê da diết cất lên, kéo ký ức thời ấu thơ ùa về cay tràn mắt.
Hòn binh còn được người quê tôi gọi bằng nhiều tên khác như bùng binh, hòm binh, thùng binh. Đó là cái hũ làm bằng đất nung đỏ sém, sờ nham nhám, đế bằng, bụng bầu, trên đầu có cái núm nhỏ, bịt kín chỉ chừa một khe hở để nhét vừa tờ tiền gấp làm bốn. Từ hồi xa lắc lơ, ngoại mua về cho má, rồi sau này má mua cho tôi.
Mỗi khi nhặt được ít sắt vụn, vỏ chai, dép đứt hay gom lông vịt bán cho bà nhôm nhựa, tôi hí hửng gấp gọn những tờ tiền nhàu bám mồ hôi, nhét vào khe hở của hòn binh. Thời đó đa số là hai trăm, năm trăm đồng. Hiếm lắm mới có lúc cho hòn binh tờ một ngàn, hai ngàn đồng.
Những sáng mùa hè, tôi lon ton ra chợ, phụ bà hàng xóm bán chanh ớt, được cho ngày năm ngàn đồng. Tiền lì xì tết hoặc tiền ngoại cho ăn quà vặt, tất cả tôi đều dành bỏ hòn binh, rồi đem giấu kỹ trong góc tủ như cất món bảo vật, dùng quần áo phủ lên.
Chiều nào đi học về, việc đầu tiên tôi làm là chạy ù đi kiểm tra cái hòn binh đất nung của mình có còn ở đó chăng. Để chắc chắn hơn, tôi cầm hòn binh lên đưa gần sát tai và lắc lắc. Phải nghe được tiếng sột soạt phát ra, khoan khoái vì biết rằng báu vật của mình vẫn còn.
Trân quý là thế, nhưng có khi tôi lén má dùng chiếc kẹp tăm hì hụi chọt chọt khui móc tiền ra, hí hửng gọi với theo ông cà rem đầu ngõ. Con nít mà, quà vặt vẫn là thứ không thể cưỡng lại được, cho dù có hứa với lòng mình bao lần là phải để dành tiền.
Tới thời dùng tiền xu, tôi hay bỏ vào hòn binh những đồng xu hai ngàn, năm ngàn đồng. Đợi hòn binh đầy kha khá, rung lắc không còn kêu thành tiếng nữa, cũng là lúc háo hức nhất. Tôi thường không kiềm được mà đập ngay xuống nền đất. Má tôi bình tĩnh hơn, dùng búa gõ nhẹ cho nứt hòn binh. Những tờ tiền giấy được được xếp gọn lại, vuốt phẳng phiu, đếm cẩn thận. Đó là công sức dành dụm biết bao lâu.
Tiền đập hòn binh, má dùng để mua cho tôi chiếc cặp sách mới toanh, hoặc may bộ quần tây áo trắng thơm sực mùi vải xịn, còn dư thì dẫn tôi ra quán chè ăn bữa đã đời. Có đôi lúc nhà thiếu tiền chợ, má đành mượn đỡ hòn binh của tôi, rồi đợt lúa gặt xong sẽ bù lại cái mới.
Chiếc hòn binh đất nung thuở đó đã dạy thế hệ tụi tôi biết cách tiết kiệm, dù chỉ là mấy đồng bạc lẻ. Có góp nhặt từng chút bé nhỏ thì mới gom được thành quả lớn lao, hệt như lũ kiến tha thức ăn suốt mùa nắng cho đầy tổ dự trữ ngày mưa. Bây chừ, dù tôi đã có những bận tâm khác, thì hình ảnh con bé con cầm hòn binh lắc lắc để nghe tiếng tiền giấy sột soạt vẫn đẹp vô cùng...