Lúc 13h00 ngày 8.10.2020 giờ Thụy Điển - tức 19h00 giờ Việt Nam, thế giới biết đến tên tuổi của nữ nhà thơ người Mỹ Louise Glück được Viện Hàn lâm Thụy Điển trao giải Nobel Văn học lần thứ 113. Bà là người phụ nữ thứ 16 trên thế giới được trao tặng giải Nobel Văn học. Và từ đây, cái tên Louise Glück đã trở thành mối quan tâm của rất nhiều người trên thế giới.
Tập AUBADE (Khúc bình minh) của Mộc Nhân Lê Đức Thịnh đã kịp thời đem đến những hiểu biết cần thiết về tác giả Nobel văn chương này. Đây là công trình dịch và giới thiệu những bài thơ tiêu biểu nhất của Louise Glück do người dịch chọn lọc. Mộc Nhân đã thực hiện một thao tác mà tôi nghĩ là cần thiết cho bạn đọc Việt Nam đối với hiện tượng văn chương hãy còn mới mẻ: giới thiệu khái quát về phong cách thơ Louise Glück và có những chỉ dẫn cần thiết để bạn đọc tiếp cận với từng bài thơ cụ thể.
Có thể cảm nhận phong cách thơ qua nhấn mạnh của người dịch: Louise Glück đã nhìn trực diện vào nỗi đau và diễn tả nó “một cách thẳng thắn, không khoan nhượng”. Ủy ban Nobel nhấn mạnh đến nỗ lực tìm kiếm “sự sáng tỏ” và mối quan tâm đặc biệt của nữ thi sĩ đến “tuổi thơ và đời sống gia đình, mối quan hệ thân thiết giữa cha mẹ, cùng các anh chị em, đã là một chủ đề xuyên suốt trong tác phẩm của nhà thơ”. Ngoài ra, thế giới thơ ca của Glück còn ẩn chứa những ưu tư, tự vấn, cô đơn, nỗi đau, cái chết.
Đi vào từng bài thơ cụ thể, lời chỉ dẫn của Mộc Nhân đã trở nên cần thiết cho bạn đọc. Ví như, từ bài thơ này, tác giả muốn nói với chúng ta rằng tình yêu không chỉ có sự tận hiến mà còn phải biết hy sinh. Đôi khi níu kéo lại là giết chết trái tim nhân tình, lời chỉ dẫn giúp bạn đọc dễ dàng hơn khi tiếp cận tứ thơ:
“Mọi thứ đều giống nhau, gồm cả ánh trời
bởi vì thật khó cho một cô gái trẻ
chuyển nhanh từ ánh sáng sang nơi toàn là bóng đêm”
(Thần thoại về sự tận hiến)
Qua lời dẫn của Mộc Nhân, bạn đọc hiểu hơn, rằng thế giới thi ca trong các sáng tác của Louise Glück không hướng về đại chúng, nó mang chất riêng vừa man mác buồn, vừa sắc sảo đến mức kén người đọc khi đọc tứ thơ:
“Những ngày tươi đẹp quý báu khi mẹ sẽ sớm ra đi
nhưng vẫn còn đây những câu chuyện ngẫu hứng với bao người lạ,
ngẫu hứng nhưng cũng thận trọng, hằn in dấu ấn đời sống”
(Những buổi chiều và buổi tối gần đây)
Được biết cho đến nay, đây là công trình tương đối toàn diện khi giới thiệu về Louise Glück ở Việt Nam.