Australia cấm đá nhân tạo vì bệnh bụi phổi silic

NAM VIỆT 15/12/2023 15:48

(QNO) - Australia sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm đá nhân tạo sau khi số công nhân mắc bệnh phổi silic tăng vọt. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Đá nhân tạo thải ra bụi silic khi cắt – đây là nguyên nhân gây ra các bệnh chết người và ung thư - Ảnh: Getty Images
Đá nhân tạo thải ra bụi silic khi cắt. Ảnh: Getty Images

Lệnh cấm được ban hành sau chiến dịch kéo dài nhiều năm của các nhân viên y tế, công đoàn và người lao động khi các trường hợp mắc bệnh bụi phổi silic ngày càng gia tăng trong số những người tham gia cắt và xử lý vật liệu đá nhân tạo tại Australia.

Năm 2015, Australia lần đầu tiên phát hiện ca bệnh viêm phổi do bụi silic từ đá nhân tạo - sản phẩm sử dụng phổ biến như mặt bàn nhà bếp và bàn trang điểm trong phòng tắm. Đá nhân tạo trở nên phổ biến từ giữa những năm 2000 như một loại đá thay thế rẻ hơn và bền hơn cho đá cẩm thạch và đá granit.

Trợ lý Thư ký Hội đồng công đoàn Australia - ông Liam O'Brien cho biết Australia dường như học được bài học từ amiang, vốn phải mất hàng thập kỷ mới bị cấm.

Amiang là một nhóm các silicat tự nhiên có tính chịu nhiệt và tính chất kết cấu sử dụng trong xây dựng, đóng tàu, phanh ô tô và một số hàng dệt. Người tiếp xúc với amiang có thể gặp phải vấn đề hô hấp.

Ông O’Brien cho biết hiện có 10 nghìn lao động làm việc trong lĩnh vực đá nhân tạo tại Australia. Ông nói đây là sản phẩm thời trang nhưng đang giết chết những người công nhân làm ra nó. 

Bác sĩ chuyên khoa hô hấp Ryan Hoy của Australia lý giải, một số người mắc bệnh bụi phổi silic trở nên khó thở đến mức khó thực hiện các hoạt động sinh hoạt bình thường hằng ngày, nguy cơ dẫn đến tử vong. 

Đài ABC (Australia) gặp gỡ hàng chục thợ đá, trong đó có ông Ben Harrison (34 tuổi) mắc bệnh bụi phổi silic cách đây 4 năm. Ông Ben Harrison nói với ABC rằng hoàn toàn ủng hộ lệnh cấm của Chính phủ Australia. Ông Ben Harrison nói: "Tôi từ chỗ là trụ cột trong gia đình… trở thành người chẳng ra gì cả".

Chính phủ Australia thông báo cũng sẽ áp dụng lệnh cấm nhập khẩu đá nhân tạo, tuy nhiên ngày tháng vẫn chưa được quyết định.

Một nghiên cứu ở Mỹ công bố vào tháng 7 vừa qua phát hiện, bệnh bụi phổi silic cướp đi sinh mạng của một số thợ đá kể từ khi trường hợp đầu tiên được phát hiện ở Texas vào năm 2015, khiến cơ quan Quản lý an toàn nơi làm việc của bang Texas phải soạn thảo các biện pháp bảo vệ khẩn cấp. 

Nhưng Sheiphali Gandhi - Trợ lý Giáo sư y khoa tại Đại học California, thành phố San Francisco, đồng tác giả nghiên cứu cho biết nghiên cứu trên chỉ là "phần nổi tảng băng trôi" của vấn đề này ở Mỹ.

Bà Sheiphali Gandhi nói: "Ước tính của chúng tôi dựa trên dữ liệu ở Mỹ và Australia thì có lẽ 15 đến 20% người làm việc trong lĩnh vực đá nhân tạo mắc bệnh bụi phổi silic hoặc sẽ phát triển bệnh này". 

Theo các chuyên gia y tế, bệnh bụi phổi silic là do hít phải bụi tinh thể silic (tự do) và có đặc điểm là xơ phổi dạng nốt. Bệnh bụi phổi silic mạn tính ban đầu không gây triệu chứng hoặc khó thở nhẹ, nhưng qua nhiều năm có thể dẫn đến phổi hầu hết và gây khó thở, thiếu máu, huyết áp phổi và suy hô hấp.
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Australia cấm đá nhân tạo vì bệnh bụi phổi silic
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO