Đương kim Thủ tướng Angela Merkel sẽ tiếp tục chèo lái nước Đức thêm nhiệm kỳ 4 năm tới với nhiều thách thức.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: AFP |
Kết quả cuộc bầu cử Quốc hội Đức diễn ra ngày 24.9 đúng như dự đoán khi đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của đương kim Thủ tướng Merkel về nhất, giành được 1/3 tổng số phiếu, tiếp theo sau là đảng Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) chiếm 1/5 tổng số phiếu. Chiến thắng, nhưng liên minh cầm quyền CDU - CSU không thể giành quá bán để tự thành lập chính phủ mà phải tìm kiếm liên minh và các cuộc đàm phán bắt đầu từ hôm qua (25.9), có thể kéo dài nhiều tháng. Dù kết quả kém hơn so với cách đây 4 năm nhưng CDU khẳng định được vị trí dẫn đầu của mình và với chiến thắng này, bà Merkel giành kỷ lục tương đương Helmut Kohl (nhiệm kỳ 1982 - 1998), là thủ tướng lâu năm nhất ở Đức trong lịch sử thời hậu chiến. Song, một điểm đáng chú ý, lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, một đảng theo xu hướng phân biệt chủng tộc - Con đường khác cho nước Đức, được bầu vào Quốc hội lần này với 13,5% tổng số phiếu và sẽ có 87/598 ghế tại Quốc hội Đức.
Bà Angela Merkel (năm nay 63 tuổi), là Thủ tướng đầu tiên của Đức vào năm 2005 và lãnh đạo quốc gia được xem là đầu tàu kinh tế của châu Âu cho đến nay. Nhiều năm qua, bà Merkel được các tạp chí hàng đầu thế giới bình chọn là người phụ nữ quyền lực nhất hành tinh. Năm 2015, bà được tạp chí Time bầu chọn là nhân vật của năm do vai trò lãnh đạo của bà trong cuộc khủng hoảng nợ công, tị nạn châu Âu và khủng hoảng tại Ukraine. Ngoài ra, kinh tế Đức dưới thời bà Merkel vẫn đứng vững đến nay, nhờ vào ngành xuất khẩu rất mạnh, thi hành những cải tổ sâu rộng về lao động và trợ cấp xã hội, tỷ lệ thất nghiệp giảm một nửa kể từ năm 2005.
Trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc mạnh lên trên toàn cầu, bà Merkel trở thành một trong những lãnh đạo ủng hộ tự do thương mại mạnh mẽ nhất. Cuộc bầu cử Quốc hội Đức được đánh giá là cuộc bầu cử định hình tương lai châu Âu trong bối cảnh nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, khủng khoảng nợ công tại Hy Lạp và chính quyền Mỹ khó đoán định dưới thời Tổng thống Donald Trump. Dù liên minh thế nào, bà Merkel cũng phải đối mặt trong 4 năm cầm quyền với một quốc hội chia rẽ, nhiều thách thức. Đó là vấn đề nhập cư được cử tri nước này quan tâm hàng đầu. Từ năm 2015, “người đàn bà thép” nước Đức đón hơn một triệu người tị nạn, vốn nhận được sự ủng hộ nhưng cũng không ít chỉ trích. Đây cũng là một trong những lý do nổi lên của đảng Con đường khác cho nước Đức trong bầu cử quốc hội lần này với cam kết sẽ hạn chế người nhập cư. Bên cạnh đó là tình trạng bất bình đẳng tại Đức - quốc gia thịnh vượng với hệ thống phúc lợi tốt, thất nghiệp 5,9%, ở mức thấp kỷ lục trong vòng 27 năm qua nhưng tỷ lệ đói nghèo gia tăng với 16% hiện nay. Trong những năm trở lại đây, Đức đối mặt nhiều vụ tấn công khủng bố, như vụ một chiếc xe tải lao vào một khu mua sắm đông đúc nhân dịp Giáng sinh tại thủ đô Berlin vào tháng 12.2016 khiến 12 người thiệt mạng. Vì vậy, vấn đề an ninh và khủng bố là một trong những thách thức mà Chính phủ của bà Merkel nỗ lực giải quyết để trấn an người dân.
NAM VIỆT