Ba anh chụm lại một "cờ"

C.B.L 29/08/2018 01:45

Xôn xao dư luận mấy ngày qua là sách giáo khoa có cách đánh vần lạ: ba chữ cái “c” “k” “q” đều đọc là /cờ/; hay nguyên âm đôi “iê”, “ia”, “yê”, “ya” cùng đánh vần là /ia/,  nguyên âm đôi “ươ” và “ưa” cùng đánh vần là /ươ/,  nguyên âm đôi “uô” và “ua” cùng đánh vần là /ua/…

Cách đánh vần này được Bộ Giáo dục khẳng định là “không lạ” vì thực tế đã tổ chức, triển khai dạy học thí điểm trên tinh thần tự nguyện của các địa phương. Đây là cách đánh vần theo chương trình Công nghệ giáo dục theo hướng ngữ âm học. Bộ Giáo dục và cả đơn vị biên soạn sách công nghệ giáo dục đưa ra một rừng lý do để chứng minh cho tính khoa học của cách đánh vần mới này. Người nghe như lạc vào ma trận của những khái niệm chuyên ngành ngôn ngữ học. Giữa những tranh cãi đó, truyền thông thì chia ra hai luồng trái ngược: một theo hướng khuyến khích, một theo hướng phản bác. Người dân biết tin vào đâu?

Vậy té ra, phụ huynh chúng ta đã “lạc hậu” quá? Phụ huynh không thể theo kịp và phản ứng với những điều mà bộ chủ quản mang con mình ra để thử nghiệm. Và cứ đầu năm học, lại hết hoang mang với cái mới này đến rối bời với cái lạ kia. Cho dù trí tưởng tượng có phong phú đến đâu cũng không theo kịp. Trong hàng trăm câu hỏi mà tự phụ huynh loay hoay tìm đáp án, có một câu  không thể có câu trả lời “Bao giờ những đứa trẻ thôi phải làm như chuột bạch thí nghiệm?”. Mấy chục năm qua, bộ chủ quản vẫn đi tìm mô hình giáo dục cho công cuộc cải cách, chưa thấy tổng kết nào có tính khái quát.

GS.Nguyễn Đăng Hưng từng phát biểu rằng, điểm quan trọng nhất không phải là sách vở hay chương trình đào tạo, mà là quan niệm, đường lối, triết lý giáo dục. Có lẽ, để chấm dứt những làn sóng phản ứng tức thì với những chuyện lạ từ sách giáo khoa mỗi đầu năm học, ngành giáo dục cần xác định một cách rõ ràng đường lối và triết lý giáo dục Việt Nam là gì.

Những ngày này, khi các trường chuẩn bị đón học sinh thì phụ huynh tất bật lo mọi thứ từ sách vở, áo quần, nhất là chuẩn bị tiền bạc cho các khoản đóng đầu năm học. Với nhiều gia đình thu nhập thấp, thu nhập bấp bênh thì các khoản đóng đầu năm nhiều khi cũng không hề dễ thở chút nào. Liệu họ có kịp đủ thời gian quan tâm “c” “k” “q” cùng đọc là “cờ” hay không? Nên sẽ lại phó mặc cho các “phòng thí nghiệm” của những chương trình cải cách giáo dục, với các cuốn sách theo công nghệ. Trong khi đó, chưa biết bao giờ chủ trương thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí ngoài công lập đối với học sinh diện phổ cập, đặc biệt là đối với các thôn, xã khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa của Chính phủ thành hiện thực.

C.B.L

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ba anh chụm lại một "cờ"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO