Bà Bríu Thị Nem - Chủ tịch Hội LHPN Tây Giang, người đang vận động 6.000 hội viên gìn giữ văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu, bắt đầu từ việc giữ rừng.
“Là người con của núi rừng Tây Giang hùng vĩ, những phụ nữ Cơ Tu luôn ý thức việc gìn giữ bảo vệ rừng bởi “rừng là nhà, là nguồn sống”. Họ bảo vệ rừng và gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng, truyền lại cho đời sau.
Với người Cơ Tu, muốn gìn giữ văn hóa, đầu tiên phải là giữ rừng, bởi giữ rừng là giữ được nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá và các truyền thống tốt đẹp của đồng bào.
Năm 2023, tại các điểm tái định cư tại ở A Tiêng, hội viên phụ nữ đã trồng cây lấy bóng mát, cây ăn quả. Đồng thời mỗi hội viên hưởng ứng trồng 1-2 cây xanh quanh nhà để góp phần bảo vệ môi trường, cải thiện cảnh quan.
Đặc biệt, hưởng ứng Tết trồng cây năm 2024, ngoài chỉ tiêu huyện giao, Hội LHPN huyện phát động mỗi hội viên trồng 1 - 5 cây xanh và phấn đấu đạt 30 nghìn cây xanh, góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc và chống biến đổi khí hậu ở khu vực vùng cao biên giới.
Cùng với giữ rừng, phụ nữ Cơ Tu luôn ý thức gìn giữ các giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào mình, đặc biệt là với trang phục truyền thống.
Những mô hình dệt thổ cẩm do phụ nữ làm chủ ra đời không chỉ gìn giữ kỹ thuật dệt tinh xảo với hoa văn độc đáo, thể hiện bản sắc văn hóa Cơ Tu, mà còn sáng tạo nên những sản phẩm thổ cẩm đa dạng như trang phục, khăn, túi…
Giờ đây, chị em không chỉ mặc trang phục truyền thống trong các ngày lễ hội mà mặc thường xuyên hơn, khoe được vẻ đẹp của phụ nữ Cơ Tu.
Các sản phẩm thổ cẩm cũng được trao đổi, mua bán, qua đó góp phần gìn giữ, lan tỏa các giá trị của văn hóa Cơ Tu đến cộng đồng, du khách và tăng thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế cho phụ nữ.
Mỗi phụ nữ Cơ Tu đều trực tiếp tham gia các hoạt động gìn giữ, phát huy và bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Với vai trò của Hội phụ nữ, chúng tôi đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, lồng ghép trong các chương trình của Hội để lưu giữ và phát huy giá trị truyền thống, bản sắc riêng.
Đồng thời khuyến khích phụ nữ với vị trí trong gia đình sẽ truyền dạy cho thế hệ trẻ, giáo dục con cháu ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ văn hóa, gìn giữ và phát huy bản sắc trong thời đại mới”.