Ba địa phương - một điểm đến

KHÁNH LINH 10/01/2016 08:43

Đã gần 10 năm kể từ khi 3 địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế ký biên bản hợp tác liên kết phát triển du lịch (2006). Dù vẫn còn những hạn chế nhất định nhưng qua đó đã khẳng định một xu thế đúng đắn nhằm xác lập thương hiệu chung cho du lịch miền Trung thời gian qua cũng như trong những năm đến.

Hợp tác trong công tác giới thiệu, xúc tiến du lịch chung của 3 tỉnh đã giúp 3 địa phương tiết giảm chi phí và nâng cao chất lượng quảng bá. Ảnh: KHÁNH LINH
Hợp tác trong công tác giới thiệu, xúc tiến du lịch chung của 3 tỉnh đã giúp 3 địa phương tiết giảm chi phí và nâng cao chất lượng quảng bá. Ảnh: KHÁNH LINH

Xây dựng điểm đến chung

Kết quả rõ nét nhất của sự hợp tác liên kết giữa 3 địa phương chính là đã đưa thương hiệu du lịch miền Trung đến với du khách trong và ngoài nước như là điểm đến lý tưởng của Việt Nam. Thông qua các hoạt động chung, nhất là trong công tác quảng bá xúc tiến, du lịch Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế đã từng bước hướng đến sự chuyên nghiệp, bài bản. Nhiều chương trình quảng bá đã được 3 địa phương phối hợp xây dựng chiến lược cùng xúc tiến như “Đà Nẵng biển gọi”, “Quảng Nam - Hành trình di sản”; “Lăng Cô huyền thoại biển”; “Ba địa phương - một điểm đển”… Cùng với đó, các chương trình tham gia hội chợ, roadshow, giới thiệu sản phẩm du lịch cũng được mở rộng ra nhiều nước trên thế giới từ châu Âu, Đông Bắc Á đến Đông Nam Á. Chỉ riêng năm 2015, công tác xúc tiến đã đạt những kết quả tích cực, một số đường bay quốc tế mới đã được thiết lập hoặc thí điểm như Hồng Kông - Đà Nẵng, Busan - Đà Nẵng; Băng Cốc - Đà Nẵng… Công tác quảng bá được đẩy mạnh đến các thị trường trong và ngoài nước như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, các tỉnh Tây Nam Bộ. Đó còn là chương trình famtrip Lý Sơn và ký kết hợp tác phát triển du lịch Quảng Nam - Quảng Ngãi - Đà Nẵng; giữa 3 địa phương với Lâm Đồng; tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội, Hội chợ Du lịch ITE-HCM…; tăng tần suất xuất hiện hình ảnh du lịch 3 địa phương tại các hội chợ du lịch quốc tế như Travex  (Myanmar); Seoul, Busan (Hàn Quốc); Hội chợ JATA và chương trình giới thiệu du lịch 3 địa phương tại Nhật Bản…

Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam khẳng định, liên kết vùng cũng chính là một trong những giải pháp phát triển du lịch tiết kiệm nhưng hiệu quả khi mà biên giới du lịch giữa các địa phương đã không còn hiện hữu, thay vào đó là một điểm đến chung thống nhất với sự đa dạng sản phẩm dựa trên lợi thế riêng biệt vùng miền. Thực tế, trong những năm qua sự phối hợp tổ chức các hoạt động chung của 3 tỉnh đã tạo nên những thuận lợi nhất định từ công tác quản lý nhà nước đến xác định thị trường trọng điểm, xây dựng sản phẩm đặc thù.

Liên kết toàn diện

Trong Hội nghị tổng kết hoạt động liên kết du lịch 3 địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế vừa diễn ra tại Đà Nẵng mới đây, với vai trò là Trưởng nhóm liên kết 2015, ông Trần Chí Cường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Đà Nẵng cho rằng, hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chung của 3 địa phương là rất tốt, nhất là sự chủ động trong xây dựng kế hoạch, quảng bá, giới thiệu, qua đó giúp tiết giảm chi phí cho mỗi địa phương nhưng vẫn làm cho sản phẩm mang tính liên vùng. “Ba địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam là những địa bàn có vai trò quan trọng, hội tụ đầy đủ yếu tố để liên kết phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Vì vậy, việc bắt tay liên kết trong các hoạt động quảng bá du lịch cũng như trong xây dựng chính sách quản lý, phát triển sản phẩm, nguồn lực du lịch của 3 tỉnh trong những năm qua đã góp phần từng bước định vị thương hiệu du lịch 3 địa phương như một điểm đến có giá trị và thú vị nhất ở Việt Nam với nhiều sản phẩm đa dạng, chất lượng dịch vụ tốt” - ông Cường khẳng định.

Dù đạt được những kết quả tốt, nhưng có thể nhận thấy thời gian qua sự phối hợp cũng mới chỉ tập trung vào công tác quảng bá xúc tiến, những vấn đề đặt ra như xây dựng sản phẩm; quản lý nhà nước đầu tư nhân lực… vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Ngoài ra, việc xác định thị trường trọng điểm thỉnh thoảng vẫn có những bất đồng do lợi thế, sản phẩm khác biệt giữa mỗi địa phương cũng như nguồn lực kinh phí không đồng đều. Theo ông Đinh Hài, để hướng đến sự chuyên nghiệp và đa dạng, với tư cách Trưởng nhóm liên kết năm 2016, Quảng Nam đã xây dựng kế hoạch phối hợp hướng đến đến nhiều vấn đề cụ thể toàn diện hơn như liên kết đào tạo nhân lực, xây dựng chính sách, xây dựng sản phẩm… Cụ thể, bên cạnh việc tiếp tục quảng bá xúc tiến du lịch tại một số thị trường trong và ngoài nước, việc liên kết cũng sẽ tập trung vào xây dựng bộ nhận diện chung cho du lịch 3 địa phương (logo, slogan, ấn phẩm, vật phẩm, tập gấp chương trình…). Ngoài ra, việc liên kết cũng sẽ tập trung vào chính sách quản lý và phát triển du lịch như xây dựng bộ thông tin chung về du lịch vùng; liên kết hoạt động thanh tra; liên kết phát triển sản phẩm du lịch; liên kết các lễ hội với các hệ thống đặt chỗ khách sạn; liên kết về phát triển nhân lực du lịch, tổ chức các khóa đào tạo tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc, tiếng Hàn tại 3 địa phương; khuyến khích hiệp hội du lịch và doanh nghiệp sáng tạo các chương trình du lịch theo 3 chủ đề: Con đường di sản, Trung tâm du lịch thiên đường biển, Con đường sinh thái gắn với du lịch có trách nhiệm và bền vững... “Mục đích hướng đến cuối cùng vẫn là phát huy mạnh mẽ hơn nữa sự phối hợp trong liên kết  hoạt động quảng bá du lịch chung của 3 địa phương. Đồng thời tăng cường liên kết trong xây dựng chính sách quản lý, phát triển du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, phát triển nguồn nhân lực, từng bước định vị thương hiệu du lịch vùng của 3 địa phương như một điểm đến có giá trị và thú vị nhất ở Việt Nam với sản phẩm đa dạng, chất lượng dịch vụ tốt” - ông Hài chia sẻ.

KHÁNH LINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ba địa phương - một điểm đến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO