Nhiều ngày qua, trên báo chí và mạng xã hội vẫn còn râm ran câu chuyện kể về cụ bà Đỗ Thị Mơ, 83 tuổi, đã đạp xe lên UBND xã yêu cầu rút tên mình ra khỏi danh sách hộ nghèo. Thực sự đó là câu chuyện truyền cảm hứng, mang lại một năng lượng tích cực để nghĩ suy về giấc mơ thoát nghèo.
Tò mò vào xem danh sách tỷ lệ hộ nghèo năm rồi của Thanh Hóa, quê hương cụ Mơ, thì thấy còn tới 5,59% hộ nghèo, với gần 55 ngàn hộ. Mở rộng ra cả nước thì còn tới hơn 1,3 triệu hộ nghèo, chiếm 5,23% tổng số hộ. Như thế, nếu cứ lặng lẽ “nấp” trong số lượng đông đảo hộ nghèo ấy, thêm hay bớt một trường hợp cũng không làm giảm đáng kể gì về tỷ lệ. Mà cụ Mơ cũng chưa giàu có gì, vì như lời bà kể có mấy sào trồng lúa, trồng rau, mỗi ngày kiếm được chừng năm sáu chục ngàn đồng, tính tổng lại cũng không hơn cái tiêu chí về thu nhập của hộ nghèo là mấy. Vậy là chỉ có sự liêm sỉ khi thấy đời sống bà con quanh mình chẳng khấm khá hơn nên bà cụ Mơ xin rút tên khỏi danh sách hộ nghèo, thực đáng kính về một nhân cách!
Nhân chuyện của cụ Mơ, lại liên hệ về vùng đất Quảng, cuối năm rồi còn hơn 31,5 ngàn hộ nghèo, tỷ lệ 7,57%, dù Quảng Nam là tỉnh có điều tiết ngân sách về Trung ương. Công cuộc phát triển và chương trình giảm nghèo đặt ra nhiều kỳ vọng, tuy vậy dự báo đến năm 2020 vẫn còn khoảng 5% hộ nghèo. Như vậy, Quảng Nam vẫn còn tỷ lệ nghèo cao hơn bình quân chung cả nước (năm 2020 dự báo bình quân cả nước tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 4,5%). Với lòng tự trọng (hay tự ái cũng được), đến năm 2025, Quảng Nam phấn đấu rút hẳn ra khỏi danh sách số tỉnh còn hộ nghèo được không? Về lý thuyết và tính toán cơ học thì được, khi mỗi năm chỉ cần giảm khoảng 1,5%. Nhưng đó là tính trong điều kiện tiêu chí không thay đổi và không có những tác động tiêu cực làm tái nghèo, hay biến hộ cận nghèo thành nghèo. Nên biết rằng, trong bối cảnh chung của cả nước, cứ giảm 100 hộ nghèo thì lại có 18 hộ nghèo phát sinh (Quảng Nam, số hộ phát sinh nghèo năm rồi là 756 hộ). Mặt khác, việc tính toán tỷ lệ thu nhập bình quân trên một đơn vị hành chính sẽ không sát thực tế với đời sống cư dân địa bàn đó, bởi có những phương sai do phân tầng thu nhập. Ví như, cùng đơn vị xã, ở xã A: hộ thu nhập cao nhất 10 triệu đồng, hộ thấp nhất chỉ 2 triệu đồng, còn ở xã B: hộ thu nhập cao nhất 7 triệu đồng, hộ thấp nhất 5 triệu đồng, tính ra tỷ lệ bình quân thu nhập bằng nhau (6 triệu đồng/hộ), nhưng nhân dân xã B sẽ giảm nghèo và có thể phát triển bền vững hơn xã A về tiêu chí thu nhập. Cũng vì lý do này mà có nhận định rằng khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giữa các vùng miền còn khá lớn, tỷ lệ tái nghèo một số nơi còn cao, chênh lệch về tiếp cận các dịch vụ cơ bản giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi Tây Bắc, Tây Nguyên, tây miền Trung.
Hiện tượng trên cũng xảy ra ở Quảng Nam. Hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo cao thuộc về 9 huyện miền núi, trong đó dẫn đầu là Nam Trà My (45%, lấy số tròn), Nam Giang (44%), Tây Giang (43%), Bắc Trà My (39%)… So với con số bình quân của tỉnh là 7,57% thì Nam Trà My có thể xuống được mức ấy trong vòng 5 năm tới hay không? Quá khó! Cho nên sẽ đến một lúc tính chung cả tỉnh, số hộ nghèo sẽ chỉ còn rơi vào miền núi cả, phân tầng chênh lệch giàu nghèo càng lớn, dự lường vấn đề xã hội phức tạp cũng sẽ nảy sinh.
Cái bẫy nghèo không dễ giải. Muốn giải được phải thực thi nhiều chương trình hỗ trợ hiệu quả hơn nữa và cần có những người như bà cụ Mơ, truyền cảm hứng về lòng tự trọng, gợi dậy giấc mơ nỗ lực thoát nghèo.