Ba mươi ngày trên đất Mỹ - Kỳ 2: Làng Quảng ở Pensacola

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 01/08/2014 20:09

(QNO) - Chúng tôi mất hơn 3 giờ bay từ Oklahoma phía bắc bang Texas, trung chuyển tại Houston rồi bay tiếp đến thành phố Walton Beach thuộc bang Florida, giá vé 170USD mỗi người. Còn nếu bay từ Cali ở bờ tây đến Florida, phải mất 6 tiếng. Một người bạn Quảng Nam, anh L., đón chúng tôi về chỗ của anh, thuộc thành phố du lịch nổi tiếng có hơn 5 vạn dân trong toàn khu vực đô thị Pensacola với hơn 460 ngàn dân cư.

  • Ba mươi ngày trên đất Mỹ - Kỳ 1: Mùa hè nóng bỏng trên đất Mỹ

Pensacola là thành phố có nhiều biệt hiệu như “Thành phố 5 lá cờ” ( Tây Ban Nha, Anh, Mỹ, Pháp và các bang ly khai); “Bãi biển trắng nhất thế giới”, “Chiếc nôi của hàng không Hải quân Mỹ”, “Sunshine State”…

Bến xe đò Hoàng trước chợ Phước Lộc Thọ, California.
Bến xe đò Hoàng trước chợ Phước Lộc Thọ, California.

Ngoài nhiều làng người Việt ở Nam, Bắc Cali mà chúng tôi từng đến, làng người Việt chỗ bạn tôi ở khu Meyer Way, thành phố Pensacola có lẽ là một nơi thú vị. Trong một khu vực gồm ba con đường nối liền nhau với gần 100 ngôi nhà, thì những người Việt quê Quảng Nam, Đà Nẵng đã chiếm hết một nửa. Họ làm nhiều nghề, từ những ngư dân gốc Hội An, Thọ Quang đến các chủ tiệm nail người Điện Bàn, Thăng Bình và những người khác làm ở các xưởng máy. Đa số phụ nữ trong các gia đình đều làm nail (làm móng tay, móng chân)… Khác với các làng ở Cali tụ cư trong những năm từ 1975 đến những gia đình ra đi theo diện H.O. Vào cuối thế kỷ trước, khu người Việt ở Meyer Way vẫn còn giữ nguyên những mối quan hệ xóm giềng như lúc còn ở quê hương…

Ban đầu Meyer Way chỉ 5-7 gia đình đến ở trước do khí hậu giống Việt Nam; gần biển và thích hợp với nghề cá như ở quê nhà. Sau nhiều gia đình người Mỹ dọn đi nơi khác, những người quen thân nhau lại giới thiệu về ở cho gần. Bởi vậy, khu này các gia đình coi nhau rất thân thiện. Nhà nào có việc gì, những gia đình khác đến chung tay giúp đỡ. Khi chúng tôi đến, anh L. tổ chức liên hoan, các bà vợ hàng xóm đều có mặt để chuẩn bị thức ăn. Hôm chia tay, sang nhà anh D. - Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Đà cũng có các phu nhân khác tề tựu!

Tuy D. là chủ tịch hội đồng hương, nhưng chức “lý trưởng” lại thuộc về ông bạn L., không chỉ vì lớn tuổi, mà còn là một người rất hào phóng, quan hệ rộng và con cái khá thành đạt. “Lý trưởng” L. từng ở Hồng Kông 5 năm trước khi đến Mỹ, nhưng trong hai lần tổ chức đám cưới cho con, lần nào anh cũng mời các bạn cũ lẫn đồng hương, có đến 4000 - 500 người về dự, không chỉ ở Mỹ mà còn từ Úc, Pháp bay sang.

Cái gara trước nhà L. vì lẽ đó, không biết từ bao giờ trở thành chỗ uống cà phê tự phát mỗi sáng của cả xóm trước khi mỗi người đi làm công việc của mình.

Xóm này cũng rất lạ, có đủ các nhân tài: nhạc sĩ Q. chuyên tổ chức các show khai trương, đám cưới, liên hoan. Chuyên gia âm thanh ánh sáng, đạo cụ H. với một giàn thiết bị hiện đại, các ca sĩ nam nữ lúc nào cũng sẵn sàng xung trận, các chủ nhà hàng, tiệm nail lớn là những nhà tài trợ. Gặp nhau, bao giờ cũng nói chuyện Việt Nam, chuyện giúp đỡ người nghèo, chuyện gia đình bà con, nhiều người xa lạ với chuyện chính trị. Có khi buổi gặp mặt đã vào giai đoạn “hậu kỳ” mới thấy vài người nữa xuất hiện. Anh L. lại nói vui: “Không ăn đậu không phải là người Mễ, không đi trễ đâu phải người Việt Nam!”. Cả nhóm đều cười. Thật vậy, hôm dự một đám cưới Việt tại Houston, giấy mời là 6 giờ 30 chiều, mà đến 8 giờ tối mới chính thức vào tiệc, chẳng khác chi ở bên mình!

Ở cái làng Quảng Đà này còn có chuyện vui. Người nào đến Pensacola vào cuối tuần, chỉ cần bỏ ra 1,25USD để mua cái vé “đi dạo” ngoài khu vực câu cá ở bãi biển (gọi là Pensacola Pier), đi ra tận đoạn cuối của chiếc cầu dài đến 2,5km ngoài biển, thế nào cũng gặp những người của khu Meyer Way tập trung câu cá ở đó.

Trong những ngày ấy, người ta đi nghỉ ngơi và thường chọn thú câu cá để thư giãn. Muốn đi câu, anh phải có thẻ hội viên ở đây, trả 7,5USD để ra cầu câu cá trong 24 giờ. Vài loại cá hiếm như cá thu hoặc các loại cá nhỏ dưới 3 lạng đều phải thả lại biển theo quy định của Bảo vệ nguồn lợi biển trên đất Mỹ. Anh X. có con cháu làm ăn tận tiểu bang Atlanta, nhưng mê câu cá, cũng xuống khu làng Meyer thuê nhà. Vợ chồng anh tuy đều hưởng trợ cấp xã hội, nhưng sống khá thong dong và vui vẻ. Có năm về Hội An chơi liền mấy tháng rồi trở qua. X. kể, biển ở đây không có cá chuồn, cá đù, cá hố như bên mình, nhưng cá ngân, cá ngừ, cá mú, cá hanh thì nhiều vô kể và rất rẻ. Muốn ăn cá, cua ngon hơn thì vào các khu chợ cá. Muốn mua đồ rẻ thì xuống chợ trời. Cái gì cũng có, thượng vàng hạ cám… Mấy năm trước, X. còn đi đánh cá, tàu đánh giã cứ một buổi đã thu được hơn tấn rưỡi cá các loại, bán sỉ tuy với giá 60cent mỗi ký, nhưng năng suất cao nên cũng kiếm được gần ngàn đô la! Cá bán ở chợ, như các loại cá tươi chỉ trên dước 10USD mỗi ký, crawfish (một loại tôm) chỉ vài ba đô la mỗi pound (nửa ký). “Tôm cá thật rẻ, nhưng đi câu còn là cái thú, còn là sống lại với chút kỷ niệm với biển cả mà mình đã gắn bó từ nhỏ ở quê nhà…” - X. nói, như đang hối tiếc một thời trai trẻ...

Trong khi ở nhiều bang khác, người Việt ban đầu sống tập trung, nhưng lâu dần các nhà khá giả dọn đi chỗ khác, thì ở làng Quảng Đà - Meyer Way người ta sống chan hòa, đoàn kết, mỗi ngày một đông thêm. Khách của gia đình cũng là khách của cả xóm. Gần đây Meyer Way đã quy tụ thêm nhiều đồng hương quê tận Khánh Hòa, Cà Mau đến giao lưu, sinh hoạt và ngỏ ý đến mua nhà định cư cho gần gũi…

Hôm chia tay, tôi nói đùa với “lý trưởng” L.: “Có khi ông làm luôn cái đình làng, miễu xóm ở đây để xuân thu nhị kỳ tổ chúc các sinh hoạt văn hóa, tâm linh như bên nhà cũng nên”. Không ngờ L. nói: “Anh em cũng bàn vậy rồi, nhưng chưa tiến hành vì còn tập trung kinh phí về quê làm từ thiện hàng năm”.

______________________
Kỳ 3: Làm nail và giữ trẻ

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ba mươi ngày trên đất Mỹ - Kỳ 2: Làng Quảng ở Pensacola
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO