Ba mươi ngày trên đất Mỹ - Kỳ cuối: Từ NASA đến Intrepid

Ký sự TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 18/08/2014 11:25

(QNO) - Những trung tâm khoa học kỹ thuật tối tân của Mỹ luôn tạo sức hút đối với khách tham quan, trong đó phải kể đến Trung tâm thám hiểm vũ trụ NASA và Bảo tàng phức hợp Hải quân, không quân và vũ trụ Intrepid…

  • Ba mươi ngày trên đất Mỹ - Kỳ 5: Những thương hiệu Việt ở Mỹ
  • Ba mươi ngày trên đất Mỹ - Kỳ 4: Đám cưới Việt ở Texas
  • Ba mươi ngày trên đất Mỹ - Kỳ 3: Làm nail và giữ trẻ
  • Ba mươi ngày trên đất Mỹ - Kỳ 2: Làng Quảng ở Pensacola
  • Ba mươi ngày trên đất Mỹ - Kỳ 1: Mùa hè nóng bỏng trên đất Mỹ
Một góc trung tâm không gian NASA.
Một góc trung tâm không gian NASA.

Thăm NASA

Đến Trung tâm vũ trụ Johnson (NASA) ở bang Texas nhân dịp kỷ niệm 45 năm tàu vũ trụ Appolo đưa con người lên mặt trăng (20.7.1969 - 20.7.2014) là cơ hội quý trong chuyến đi của tôi.

Trên đất Mỹ, có nhiều cơ quan của NASA ở các tiểu bang miền Nam, như San Francisco thuộc Cali, Houston thuộc Texas, Kennedy thuộc Florida… Nhưng lâu đời và đóng vai trò đầu não của NASA chính là Johnson Space Center ở thành phố Houston. Đây cũng là địa chỉ du lịch thu hút hàng triệu du khách khắp thế giới mỗi năm, mặc dù giá vé tham quan khá đắt đỏ. Bảng thông báo ngoài cửa vào ghi khá rõ, giá vé cho người lớn lên đến 28,5USD, thiếu niên và trẻ em mỗi bậc giảm đi một đồng. Nhiều dịch vụ chụp ảnh, bán đồ lưu niệm, cà phê bên trong giá cũng cao hơn bên ngoài gấp 2 lần.

Trung tâm vũ trụ Johnson thành lập từ năm 1958, lúc đó Tổng thống Lyndon B. Johnson hãy còn là Thượng nghị sĩ của bang Texas, với cái tên ban đầu là National Aeronautics and Space Administration, viết tắt là NASA, mục tiêu tổ chức những chuyến bay thám hiểm không gian. Khi Tổng thống John F. Kennedy quyết định Mỹ phải trở thành quốc gia đầu tiên đặt chân lên mặt trăng và trở về mặt đất an toàn trong một thập niên và “Mỹ phải trở thành quốc gia dẫn đầu trong các tiến bộ về không gian”, thì Houston được chọn thực hiện nhiệm vụ này. Tháng 9.1958, nhóm đặc nhiệm Vũ trụ (STG - thuộc NASA đặt bản doanh tại Washington DC) gồm 36 nhà khoa học bắt tay nghiên cứu dự án về phi thuyền có người lái mang tên Mercury Project. Từ 1961 - 1963, 6 phi thuyền có người lái của dự án này được phóng lên quỹ đạo trái đất, đạt 3 yêu cầu là đưa được tàu vũ trụ có người lái lên quỹ đạo, xác định năng lực con người có thể tồn tại trong điều kiện không trọng lực và khả năng thu hồi phi hành gia về lại khoang tàu một cách an toàn. Đến cuối tháng 5.1961, NASA chính thức chuyển về Houston, đặt tên Trung tâm tàu vũ trụ có người lái với 20 cơ quan chủ chốt, trong đó có NASA. Năm 1973, trung tâm này chính thức mang tên Trung tâm không gian Johnson, một cựu Tổng thống và là người con của Texas.

Nơi trưng bày hỏa tiễn Saturn V từng phóng các phi thuyền Apollo.
Nơi trưng bày hỏa tiễn Saturn V từng phóng các phi thuyền Apollo.

Hiện nay, tại NASA có rất nhiều nhà khoa học, kỹ sư, chuyên viên là người Việt Nam làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Du khách ngoài việc tận mắt nhìn thấy những phi thuyền từng đưa các nhà khoa học bước ra ngoài không gian hay hiện đang làm việc trên các trạm vũ trụ quốc tế cũng như những phi hành gia nổi tiếng thông qua hình ảnh và tượng sáp. Bạn có thể đứng cạnh bên để chụp ảnh lưu niệm, có thể tự nhiên chạm vào những thiên thạch, những hòn đá lấy từ sao hỏa... Điểm du lịch này tạo sự tăng trưởng cho Boston và Texas lên tỷ lệ cao nhất nước Mỹ trong 2 năm qua với lần lượt 17% và 22%. Tại đây, tôi chú ý đến vườn cây được trồng trong khuôn viên gần khu nhà điều hành. Dưới mỗi gốc cây là tấm bảng ghi tên tuổi của những phi hành gia Mỹ đã quá cố. Người hướng dẫn cho biết, đây là công trình được thực hiện nhân kỷ niệm 50 năm ngành du hành vũ trụ Hoa Kỳ…

Intrepid Museum

Vào buổi chiều, người lái xe chở chúng tôi đi thăm Bảo tàng phức hợp Hải quân, không quân và vũ trụ Intrepid ở cầu cảng 86W trên sông Hudson, New York. Khu phức hợp này được thành lập từ năm 1982 với việc trưng bày hàng không mẫu hạm USS Intrepid từng tham chiến trong Chiến tranh thế giới thứ hai và chiến tranh Việt Nam (1966 - 1969), trở thành di tích lịch sử quốc gia của Mỹ. Intrepid cũng từng là chiến hạm tham gia các chương trình nghiên cứu của NASA và ngừng hoạt động từ năm 1974. Ở Intrepid còn triển lãm các phi thuyền Gemini, phi thuyền Mercury được phục hồi và các tàu con thoi Pavillon và Enterprise đã mang lại thành công đầu tiên cho chương trình nghiên cứu vũ trụ của Mỹ… Mỗi năm, khu phức hợp này đón tiếp khoảng một triệu du khách quốc tế đến tham quan, trong tổng số hơn 9 triệu du khách đến New York.

Trên chiến hạm Intrepid.
Trên chiến hạm Intrepid.

Trong nhiều dịp khác nhau, như các kỳ nghỉ lễ, các sự kiện quan trọng, Intrepid còn là nơi tổ chức các sự kiện khoa học, hội thảo, chiếu phim, diễn thuyết và cả các lễ cưới, lễ hội mang tính phi lợi nhuận cho công chúng. Không rõ những sự kiện như vậy giá vé sẽ là bao nhiêu, nhưng chỉ vào tham quan trong mùa hè này thôi, cá nhân mỗi khách Việt Nam phải mua vé trọn gói hết 42USD. Nếu chỉ lên tàu sân bay thôi, cũng phải trả mỗi người 27USD. Chỉ có sinh viên và cựu chiến binh Mỹ mới được giảm giá.

Đi thăm Intrepid, một người bạn Mỹ nói với tôi: “Ở đây, cái gì có tiền là người ta mở cửa cho xem tuốt; kể cả nhà Quốc hội và Nhà Trắng”. Thế nhưng vẫn có những quy định khắt khe khi chúng tôi vào căn cứ không quân Tinder ở bang Oklahoma, nơi trưng bày các chiến đấu cơ B52 từng ném bom ở chiến trường Đông Dương, nhưng không được vào cửa chỉ vì mang hộ chiếu Việt Nam.

Ký sự TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ba mươi ngày trên đất Mỹ - Kỳ cuối: Từ NASA đến Intrepid
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO