“Trái đất ba phần tư nước mắt...”. Thơ đấy mà tả đúng hình thể trái đất. Ba phần tư, hay chính xác là 71 phần trăm bề mặt địa cầu được các đại dương bao phủ. Trái đất chỉ “đi như giọt lệ giữa không trung”.
Không thể kể hết những giá trị của biển cả, đại dương với đời sống con người. Bữa cơm hàng ngày với cá mắm, và nếu không dùng muối ít bữa thì người phù nề ngay.
Xa xưa, không có con đường thủy qua các đại dương thì các châu lục cô đơn hơn và đến thời hiện đại hàng hải vẫn là sự lựa chọn để chuyên chở lượng lớn hàng hóa trao đổi. Không có biển, nhiều vùng sẽ thành sa mạc; và con người, cây cối sẽ khô cháy, tuyệt diệt. Lòng biển còn chứa đựng vô số tài nguyên mà vì nó làm nảy sinh bao cuộc xung đột. “Cái ao biển đông” so với các đại dương thế giới thì rất nhỏ mà vẫn trở thành tâm điểm của câu chuyện thời sự nóng hổi.
Nói chuyện đâu xa. Những ngày nắng nóng như năm nay, biển đông nghịt người. Các bãi biển Tam Thanh, Tĩnh Thủy, bãi Rạng, Bình Minh, Cửa Đại, Hà My…chen đặc người rồng rắn đi tắm biển. Có bạn trẻ than, mất 30 phút từ vùng tây Tam Kỳ xuống tới Tam Thanh nhưng phải mất 60 phút mới đi được quãng đường 30 mét sát biển vì kẹt xe cộ. Than vậy nhưng vài buổi, nhớ biển, lại chạy xuống.
Nhà báo Trương Điện Thắng bày tỏ tâm cảm trước biển ai cũng bình đẳng. Ấy là nói cảm giác vậy thôi nhưng làm chi có chuyện bình đẳng khi người ta đã phân lô mặt tiền hướng biển với các resort, khu du lịch, quây lại làm bãi biển cho người có tiền. Vì thế, nhiều nơi hầu như rất còn ít bãi tắm dành cho cộng đồng cư dân nghèo. Không có tiền vào các khu du lịch thì khỏi tắm. Có nhà người dân chỉ cách biển vài trăm mét nhưng phải đi vòng bốn năm cây số mới tới bãi tắm công cộng được. Người viết bài này cũng từng đi bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng), có đến hàng chục ngàn người đen đặc cả mặt biển, trong khi cách đó mấy cái khu du lịch rào giậu vắng tanh thì chẳng ai vào được.
Lại nhớ ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An, từng có lần bộc bạch, nếu cho ông có quyền làm lại thì không bao giờ để chuyện cấp đất mặt tiền bãi biển ken dày resort như thế. Nếu cứ ít trăm mét lại chừa một bãi biển chung cho dân và khách du lịch, có lẽ không tạo ra sự bức xúc, bí bách.
May thay, trên tổng thể thì Quảng Nam còn kịp để rút kinh nghiệm nhờ dải bờ biển dài và hoang vắng còn có thể quy hoạch nhiều bãi tắm cộng đồng cho nhân dân. Vấn đề là tầm nhìn của nhà quản lý và chính quyền địa phương. Không học đâu xa, nhìn bãi biển của thành phố Quy Nhơn sẽ rõ. Tất cả nhà hàng, khách sạn đều lùi vào phía trong con đường ven biển, chừa một không gian thoáng đãng cho bất cứ ai cũng có thể “bình đẳng” trước biển.
Nhân Ngày đại dương thế giới (8.6) nhắc gợi những chuyện này để nói về một tình yêu biển. Nếu chúng ta cứ dạy con trẻ yêu biển đảo nhưng chỉ trên sách vở mà không có khoảng trời nào dành riêng để tự do ra biển thì sẽ là chuyện viển vông. Ai cũng từng một lần trong đời biết đến “cái giá của hoang sơ” khi đến biển để hít thở ngọn gió mênh mông. Khi biển cũng trở nên chật chột thì không phải là thơ nữa mà là đời sống thực sự bị tù hãm với “ba phần tư nước mắt” và con người cùng trái đất sẽ là “giọt lệ” chua cay.
Hãy để đại dương làm dịu lành những nóng bức ngột ngạt của đời sống ngày càng chen chúc xô bồ, đô thị hóa.
ĐĂNG QUANG