Trong hành trình thầm lặng đi tìm kịch bản cổ Hán-Nôm, lần đầu tiên bả trạo được ký âm. Những đóng góp của một nhạc sĩ xứ Quảng đã góp phần không nhỏ để loại hình diễn xướng dân gian này trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…
Ký âm
Ông Xa Văn Hùng, người ký âm và dịch kịch bản bả trạo cổ. |
Người chỉ huy kiêm nhạc công của 3 đội bả trạo ở Thăng Bình, Hội An vừa bước qua tuổi 60 với dấu ấn thú vị: loại hình diễn xướng dân gian mà ông đam mê đã trở thành di sản quốc gia hồi cuối năm 2013. Xa Văn Hùng, cái tên có thể xa lạ trong giới âm nhạc và giới nghiên cứu văn hóa trên phạm vi toàn quốc, nhưng lại quen thuộc và gắn bó mật thiết với bả trạo ở xứ Quảng. Đặc biệt hơn, kể từ nay tên ông gắn liền với câu chuyện bả trạo được thể hiện trên ngũ tuyến (5 dòng kẻ).
Ký âm bản Kéo neo nhịp lơi thoạt trông rất “khô cứng” trên khuôn nhạc. Mấy câu đầu trong bản Hát nam cũng chi chít nốt: “Mịt mù khói tỏa ơ vầng ơ… trăng/ Gió hiu hiu mà trước mặt ơ… mây giăng bên ơ… trời”. Với nhiều người, có thể việc ký âm khá đơn giản, chỉ cần căn cứ theo tiết tấu, cao độ, trường độ để ghi nốt nhạc. Nhưng ông Hùng đã phải thầm lặng theo đuổi bả trạo hàng chục năm ròng mới làm nên chuyện. Bởi những làn điệu vừa mang hình thức giải trí dân gian lẫn tính chất tâm linh tín ngưỡng của ngư dân ven biển Quảng Nam tam sao thất bản đã bao đời nay, chưa kể sự cộng hưởng, lan tỏa trong cộng đồng từ nam đèo Ngang đến Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Nên phải nghe kỹ để chỉnh lý cao độ, tiết tấu sao cho phù hợp với ngữ cảnh kịch bản…
Bả trạo đã được ký âm trên ngũ tuyến. |
Vậy là ông Hùng lặn lội nhiều nơi để “nghe”. Ông tìm đến các nghệ nhân Bùi Hùng, Cao Văn Nhất, Phạm Đúng (Hội An), Ngô Thanh Tùng (Duy Xuyên), Lê Văn Minh (Núi Thành), Trần Văn Tám (Thăng Bình). Rồi phải vận dụng kiến thức về dân ca, tuồng để chỉnh biên một số lỗi, tìm ra làn điệu chuẩn. Lại tập hát, thu âm, dàn dựng, ghép âm và hình vào đĩa DVD… Con gái ông, Xa Doãn Hồng Lợi, tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành đàn tranh năm 2011 đã giúp cha trong phần ký âm bả trạo. Cô gái 25 tuổi này từng nối gót cha theo học 14 năm ở Học viện Âm nhạc Huế, giờ lập nghiệp tại tỉnh Bình Dương. Suốt 4 tháng ròng chỉ để ký âm cho phần âm nhạc, quả kỳ công. “Tôi ký âm phần chính, về cao độ, còn Hồng Lợi bổ sung phần rung” - ông Hùng khoe tài năng con gái và chỉ cho chúng tôi thấy các nốt luyến láy ghi trên 5 dòng kẻ.
Trình diễn bả trạo ở vùng biển Quảng Nam. Ảnh: TẤN VỊNH |
Kịch bản 100 năm
Kịch bản tuồng Ông ngư (tức Long thần bả trạo ca) và chèo âm linh (Âm linh bả trạo ca) dày tổng cộng 62 trang viết bằng chữ Hán-Nôm được tìm thấy ở Quảng Nam do nghệ nhân Trần Phước biên soạn từ trước năm 1900. Câu chuyện này từng được báo Quảng Nam đề cập. Năm 1945, cụ Phước rời quê cũ ở Duy Xuyên cư ngụ ở Cù Lao Chàm (Hội An)... Từ những thông tin mơ hồ đó, nhà nghiên cứu Xa Văn Hùng ra đảo Cù Lao Chàm tìm gặp ông Trần Tiện (60 tuổi), cháu nội cụ Phước. Nhưng kịch bản gốc đã… chôn theo người nghệ nhân tài hoa, chỉ còn tia hy vọng nhỏ nhoi với thông tin có phiên bản photo đang lưu lạc đâu đó tại Hội An. Vậy là phải tiếp tục lần tìm. Rồi cơ duyên cũng đến khi ông Hùng biết phiên bản ấy đang được Trung tâm VH-TT TP.Hội An lưu giữ.
Trong số các kịch bản sưu tầm được, ngoài 2 kịch bản Hán-Nôm do cụ Trần Phước biên soạn còn có loại bài/bổn chèo độc đáo: bổn chèo liệt sĩ (ở xã Bình Dương, huyện Thăng Bình) sử dụng trong dịp tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; bổn chèo đám ma (ở xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên) dùng tại các đám tang. Từ nhiều dị bản, nhạc sĩ Xa Văn Hùng xác định kịch bản bả trạo đang lưu truyền thường dài 90-120 phút, gồm 3 phần chính: phần l ra khơi bủa lưới, phần 2 thuyền gặp nạn nhờ Ông (cá ông) cứu giúp, phần 3 kể về ân đức của Ông luôn độ trì cho dân vạn chài. Trình tự buổi diễn xướng giống như kết cấu một hoạt cảnh thể hiện những diễn biến thuyền ra khơi cho đến khi thuyền cập bến an toàn. |
Trước một “phiên bản” photo đen thui không rõ nét chữ nhưng quý hơn vàng, ông Hùng sử dụng hết 4 cây bút xóa để bôi trắng phần nền suốt gần 3 tháng nữa trong năm 2010 để làm nổi phần chữ. Lại photo, lại sửa, vừa sửa vừa… đoán chữ, hết 10 lần như thế mới có được bản gốc hoàn chỉnh để bắt tay vào dịch. Một sự đánh vật thực sự trước những chữ Nôm được “phiên” thẳng qua phương ngữ như pheo pheo (phiêu phiêu), bổn dạng (bản vạng), nhơn tình (nhân tình), dững dàng (vững vàng), dội dã (vội vã) hay tề, chừ, chi, bớ, ri, răng… Càng dịch và nghiên cứu, càng nhận ra một sự kết hợp kỳ lạ trong bả trạo. Có kiểu nói lối, hát lối của tuồng truyền thống. Có kiểu hò, lý của dân ca Quảng Nam. Lại thấy làn điệu tán, kệ trong âm nhạc Phật giáo… Xâu chuỗi các yếu tố sai lệch nội dung do truyền khẩu hoặc sử dụng nhiều phương ngữ, từ Hán - Việt sẽ giúp hình dung công sức thầm lặng của nhạc sĩ họ Xa trong việc ký âm và dịch kịch bản cổ.
Ẩn đằng sau những nốt ký âm vô hồn trên khuôn nhạc là nét tinh tế lời ca của lối hát xướng kèm theo động tác múa. Tất cả như dồn nén ở loại hình bả trạo. Nhân lúc cao hứng, ông Hùng so dây đàn rồi cất giọng xướng một câu đặc sệt phương ngữ Quảng Nam mà nghe gấp gáp, mênh mang: “Ứ… ư… Dông bão chừ chừ sắp đổ đến đó tề…”.
HỨA XUYÊN HUỲNH