Ba vị quan họ Thân

LÊ THÍ 16/12/2018 04:15

Một gia đình tộc Thân ở Huế có 3 người thuộc 3 thế hệ đã từng làm quan ở Quảng Nam. Họ luôn để lại những ấn tượng đẹp trong lòng người dân xứ Quảng!

Thân Văn Nhiếp.                                                          Thân Trọng Huề.
Thân Văn Nhiếp.                                                                       Thân Trọng Huề.

Ba đời làm quan ở Quảng Nam

Tộc Thân là danh gia của Huế, thuộc dòng dõi Thân Nhân Trung, danh thần thời Lê, vốn có quê gốc ở miền Bắc, di cư đến sinh sống ở làng An Lỗ (nay thuộc xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) từ thế kỷ 14, sau có một nhánh đến sinh sống tại làng Nguyệt Biều (nay là xã Nguyệt Biều, TP.Huế).

Người đầu tiên đến làm quan ở Quảng Nam là Thân Văn Quyền (1771 - 1837). Lúc nhỏ ông là người hay chữ nổi tiếng nhưng không ra làm quan chỉ ở nhà dạy học. Mến tài ông, năm 1823, Trịnh Hoài Đức tiến cử ông lên vua Minh Mạng. Nhà vua bổ ông giữ chức giáo thụ phủ Thăng Hoa, dinh Quảng Nam (nay là huyện Thăng Bình) lúc ông đã 52 tuổi. Được hơn một năm thì Thân Văn Quyền được điều về kinh giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử giám, Thừa chỉ Viện Hàn lâm.

Thân Văn Quyền là người cương trực. Năm 1835, ông suýt bị mất mạng vì dám “can gián” nhà vua trong việc xử tội TS.Nguyễn Trữ (Án sát Hưng Yên); lấy cớ rằng nên chiếu cố kẻ hiền tài. Vua Minh Mạng tức giận sai đưa ông đi xử trảm. Rất may, nhà vua nghĩ lại, sai đem Hỏa bài tức tốc ra bãi chém An Hòa hủy việc hành hình.

Con trai thứ của Thân Văn Quyền là Thân Văn Nhiếp (1804 - 1872), đỗ Hương tiến (cử nhân) năm 1841, được bổ làm quan ở nhiều tỉnh như Khánh Hòa, Gia Định, Vĩnh Long, Bình Thuận, Bình Định.

Tháng 11 năm 1856, Thân Văn Nhiếp được bổ làm Bố chánh Quảng Nam, nơi đang có nạn đói hoành hành lại đang bị “dòm ngó” của phương Tây vào cửa biển Đà Nẵng.

Khi Pháp tấn công vào Đà Nẵng ngày 1.9.1858 và chiếm đóng bán đảo Sơn Trà, ông bị giáng 4 bậc nhưng cho lưu dụng. Sách Đại Nam thực lục viết: “... Trần Hoằng, Nguyễn Tài… đều cách chức bắt đi trước quân gắng sức làm việc. Bọn Văn Nhiếp, Văn Phổ đều giáng 4 cấp lưu dụng”. (Quyển 7, trang 567). Thân Văn Nhiếp đã tham gia trọn vẹn cuộc chiến chống Pháp ở Đà Nẵng từ ngày đầu đến ngày cuối.

Là người có kinh nghiệm chiến trường nên tháng 4 năm 1861, triều đình cử ông vào Gia Định, làm Hiệp tán Quân thứ ở Biên Hòa tiếp tục chống Pháp. Ông mất năm 1872 tại dinh Án sát Gia Định.

Thân Trọng Huề là con của Thân Văn Nhiếp sinh năm 1868 tại Gia Định. Ông là người thông thạo cả Nho học và Tây học, đặc biệt rất rành về hành chính và luật pháp phương Tây. Năm 1888 ông thi Hương qua được “nhị trường”, năm sau được chọn sang Pháp học ở trường thuộc địa để trở thành công chức chuyên nghiệp. Sau 7 năm, thi ra trường ông đỗ thủ khoa, được các thầy giáo người Pháp hết lời khen ngợi. Về nước ông được bổ làm việc tại kinh đô. Ông được khen là người thanh liêm, cần mẫn, làm việc một cách khoa học, chuyên nghiệp.

Ông là thành viên sáng lập Hội Khai trí tiến đức ở Hà Nội (1919), tham gia viết trên nhiều tờ báo như Đông Dương tạp chí, Trung Bắc tân văn, Nam Phong…, đề xuất nhiều cải cách về văn hóa - xã hội, vạch trần tệ tham nhũng của quan lại.

Khi làm quan ở Huế, ông thường giao du với những nhà Duy tân như Phan Châu Trinh, Đào Nguyên Phổ... Thời ông làm Bố chánh Quảng Nam cũng là lúc Phong trào Duy tân ra đời và phát triển. Có thể “bộ ba Duy tân Quảng Nam” đã được ông ngầm hỗ trợ bằng cách làm ngơ những việc làm của họ, điều này góp phần quan trọng cho sự lớn mạnh của phong trào trong buổi đầu khó khăn.

Thân Trọng Huề đã có công góp phần thúc đẩy việc cải cách thi cử; đấu tranh cho bình đẳng giới trong học tập; đặc biệt với tư cách Thượng thư Bộ Binh, ông đã buộc người Pháp phải ký vào văn kiện lịch sử công nhận lãnh thổ Việt Nam bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bản gốc của văn bản này mới được tìm thấy đã góp phần chứng minh chủ quyền của nước ta trên hai quần đảo này.

Hoạn lộ của Thân Trọng Huề cũng lắm gian truân, một lần bị Nguyễn Thân “bãi chức” vì  “dạo chơi trong kinh thành gặp đại quan mà không chịu xuống ngựa vái chào” và một lần bị Tổng đốc Hồ Đệ biếm trích, phải “hạ 4 trật cho về nhà”. Sau vụ này ông xin “lánh mình” ra Bắc. Cuối đời, ông về kinh  lãnh chức Thượng thư hai bộ: Bộ Học và Bộ Binh, kiêm Đô ngự sử Viện Đô sát.

Mất chức vì… bò!

Cách đây 90 năm trên tờ Đông Pháp thời báo số ngày 13.12.1928, trong bài Con bò của ông Tổng đốc, Phan Khôi cho biết: “Ông Thân Trọng Huề, có tiếng là một ông quan thanh liêm, cần mẫn, thông thạo việc Tây việc Nam… Tôi đã được tiếp kiến Thân công mấy lần ở Hà Nội, mỗi khi nói chuyện có nhắc lại chuyện xưa tích cũ… Từ hồi ông bắt đầu đi học bên Tây, mỗi ngày làm việc gì, nói chuyện gì đều có ghi vào nhựt ký. Mỗi năm một cuốn to, dồn từ hồi đó đến bấy giờ đã hàng mấy chục cuốn. Sau khi ông tạ thế, tôi có được xem một cuốn nhựt ký của ông, cuốn ấy là cuốn sau cùng…

Giá bây giờ sử gia nào mà cõng được cả bộ nhựt ký của Thân công thì có thể tìm được ở trỏng nhiều tài liệu lắm về lịch sử hiện thời; không những của nước Nam mà về cả của nước Pháp nữa…”.

Trong bài Phan Khôi có kể chuyện “hiềm khích” giữa Thân Trọng Huề và Tổng đốc Hồ Đệ liên quan đến chuyện… con bò.

Hồ Đệ có nuôi một bầy bò, trong đó có một con rất to và hung dữ. Con này hay vào các vườn xung quanh để phá phách. Một hôm, vào phá ở dinh Bố chánh, lính đuổi  nó không chạy, lính vào bẩm với Thân Trọng Huề.

Ông đã ra lệnh cho lính “làm thịt con bò để ăn” dù biết bò đó là của tổng đốc.

Lính được ăn mấy ngày thịt bò “đã đời”.

Họ Phan kể: “Hôm sau Thân Trọng Huề đến gặp Hồ Đệ và bảo: Trong dinh tôi, có con bò nào không biết, nó vào phá. Đuổi không được, tôi biểu lính đánh chết ăn thịt, chúng nó ăn hết rồi mới nói rằng bò của quan lớn, tôi ngạc nhiên, không biết có phải thật của quan lớn chăng?

- Thật của tôi.

- Té ra của quan lớn à? Vậy thì quan lớn nuôi bò làm chi?

- Con bò ấy chính là nuôi để dành đến ngày đám kỵ cụ nhà tôi.

- Đến ngày ấy, quan lớn sức đi mua có được không? Quan lớn nuôi lấy mà dùng rồi sắp bán bò ngoài thành nó bán cho ai?

Quan Tổng đốc làm thinh. Còn Thân công nói mấy lời xin lỗi về sự mình đã tự tiện giết con bò rồi ra về”.
Kết quả thế nào thì ta đã rõ.

Một ông quan giỏi và khí phách như vậy mà không làm quan lâu ở Quảng Nam. Tiếc thật!

LÊ THÍ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ba vị quan họ Thân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO