Hướng tới kỷ niệm 123 năm sinh nhật Bác, nhân dịp sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14.5.2011 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức sưu tầm, biên soạn và xuất bản tập sách ảnh: “Bác Hồ với Quảng Nam, Quảng Nam với Bác Hồ”. Nội dung tập sách ảnh hòa quyện hai phần đúng như tên gọi. “Bác Hồ với Quảng Nam” thể hiện sự quan tâm, tình yêu thương vô bờ bến của Bác đối với mảnh đất con người, những sự kiện lịch sử của mảnh đất Quảng Nam. “Quảng Nam với Bác Hồ” là những phong trào, hành động cách mạng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Quảng Nam một lòng, một dạ đi theo con đường mà Đảng và Bác đã chọn.
Bìa tập sách ảnh “Bác Hồ với Quảng Nam, Quảng Nam với Bác Hồ”. |
Bác Hồ với Quảng Nam
Những năm 1908 - 1909, Lê Đình Dương, người con của quê hương Quảng Nam là bạn học với Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh) ở trường Quốc học Huế và trở thành người bạn tâm giao. Sau khi cùng Nguyễn Tất Thành tham gia biểu tình chống thuế tại Huế, Lê Đình Dương đã đưa Nguyễn Tất Thành về thăm quê ở La Kham (Điện Bàn) và Hội An. Chuyến thăm này đã để lại những ấn tượng đối với người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, tiếp xúc với cán bộ, chiến sĩ Quảng Nam. Trong những câu chuyện, Người hay nhắc đến tính “hay cãi” của người Quảng Nam và ghi nhận “Quảng Nam - đất cách mạng kiên cường”. Người cũng rất quan tâm đến các nhân vật Quảng Nam trong lịch sử như Hoàng Diệu, Trần Quý Cáp, Phan Thanh, Nguyễn Văn Trỗi… Bác gọi Hoàng Diệu “cùng thành còn mất làm gương để đời”, gọi Trần Quý Cáp là “nhà nho thanh cao”. Trong phiên họp Chính phủ Quốc hội khóa I năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá cao về tài năng, đạo đức của cụ Huỳnh Thúc Kháng (quê Tiên Phước), Người nói: “Con người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao”. Người còn nhận xét về cụ Huỳnh: “Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan,… cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”. Trước sự hy sinh anh dũng của anh Nguyễn Văn Trỗi (quê Điện Thắng, Điện Bàn), Người viết: “Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh, chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của anh hùng Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước, nhất là các cháu thanh niên, học tập”.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhiều người Quảng Nam vinh dự được làm việc bên Hồ Chủ tịch như cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bôi (Hoàng Hữu Nam), Lê Văn Hiến, Lê Thị Xuyến… Rồi những năm kháng chiến chống Mỹ, nhiều cán bộ, chiến sĩ Quảng Nam ra miền Bắc học tập, công tác… có dịp được gặp Bác, được ăn cơm với Bác…
Quảng Nam với Bác Hồ
Đáp lại tình cảm và sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Quảng Nam đã có nhiều phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, không lâu sau ngày 28.3.1930 Đảng bộ tỉnh Quảng Nam được thành lập. Từ đây, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân Quảng Nam đi theo con đường cách mạng của Đảng và Bác Hồ đã chọn.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân Quảng Nam tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Người trong các phong trào diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Bước sang thời kỳ chống Mỹ, Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam luôn một niềm tin theo Đảng, theo Bác. Ở miền núi phong trào cách mạng được giữ vững và là căn cứ địa, nơi che chở đùm bọc cho cán bộ Tỉnh ủy, Khu ủy hoạt động. Trong những ngày này, nhân dân miền núi Quảng Nam, Quảng Đà luôn hướng về Người với tình cảm thiêng liêng nhất, đấu tranh với kẻ thù để bảo vệ hình ảnh của Đảng, hình ảnh Bác Hồ. Tại Đại hội lần thứ III của Đảng (năm 1960), từ vùng núi xa xôi, Chi bộ Vùng Ta Ngool, xã La Êê, huyện Nam Giang, đã viết bức thư gửi Bác Hồ.
Sau Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, phong trào cách mạng ở Quảng Nam nhanh chóng phát triển, các phong trào đấu tranh vũ trang kết hợp chính trị và binh vận, phát động quần chúng nổi dậy giành lại nông thôn, đồng bằng tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa vũ trang làng Ông Tía, Hiệp Đức, giải phóng Tứ Mỹ, xã Kỳ Sanh… Đỉnh cao là chiến thắng Núi Thành (đêm 25 rạng sáng 26.5.1965) cho thấy ta có thể đánh Mỹ và thắng Mỹ. Với thắng lợi này, Quảng Nam được Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam và Bác Hồ tặng 8 chữ vàng “Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”.
Giữa lúc phong trào cách mạng đang trong giai đoạn ác liệt nhất, ngày 2.9.1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Đây là nỗi đau thương, mất mát không gì bù đắp được của Đảng và dân tộc ta. “Biến đau thương thành hành động”, nhân dân Quảng Nam, Quảng Đà bất chấp sự kìm kẹp của kẻ thù, luôn bày tỏ tình cảm của mình bằng nhiều hình thức như lập bàn thờ Bác, lập sổ đăng ký giữ vững lời thề “Thề mãi là dân Cụ Hồ”, quyết lập nhiều chiến công mới. Tại khu vực Sông Tranh, ngày 9.9.1969 đồng chí Võ Chí Công - Bí thư Khu ủy 5 đọc điếu văn truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại nhà lao Hội An cũng đã diễn ra nhiều hoạt động tưởng nhớ Người. Khi hay tin Bác mất, ông Huỳnh Kim Vạn đã làm điếu văn truy điệu Bác vào ngày 10.9.1969 với đông đảo tù nhân chính trị tham dự. Cũng tại nhà lao Hội An, 6 chị em chính trị đã thêu bài thơ “Nhật ký trong tù” của Bác và bí mật chuyển ra bên ngoài.
Sau khi Người từ trần, để bày tỏ tình cảm kính yêu, lòng biết ơn vô hạn, đồng bào một số dân tộc miền núi Quảng Nam đã lấy theo họ “Hồ”. Có nơi, người dân xây tượng Bác, lập bàn thờ, xây nhà lưu niệm trong khuôn viên của gia đình.
LÊ NĂNG ĐÔNG