Lâu ngày trở lại Đà Nẵng, mình lơ ngơ như bò tót lạc vô sân bay Phú Bài, dĩ nhiên là không bị vây đuổi. Thi thoảng nàng lại nhéo vào hông một phát rõ đau: “Rẽ trái tề, đường một chiều tề!”. Ừ thì rẽ trái. Được một đoạn, nàng lại nhéo phát: “Rẽ phải tề, đường một chiều tề!”. Ừ thì rẽ phải. Bực mình quá, nhưng chả nhẽ để nàng làm tài thì còn gì đấng nam nhi kia chứ!
Nàng lại thẽ thọt: “Lâu ngày anh không về Đà Nẵng nên không rành chứ Đà Nẵng chừ khác lắm, lạ lắm. Dạo ni họ cắm biển đường một chiều nhiều lắm. Em còn lạ huống chi anh. Đi vài hôm là quen thôi”. Mình nhủ thầm: “Đà Nẵng thì luôn luôn lạ. Ví như người ngồi sau xe ni cũng là “người lạ” đó thôi. Nhưng lạ rồi quen, rồi thân thiết, rồi… yêu mấy hồi!”. Mình rất ghét mấy cha Đà Nẵng, mỗi khi mình hỏi: “Ông dân Quảng Nam đúng không?”. Là y cố cãi: “Đà Nẵng chứ!”, làm như xưng dân Quảng Nam nó sẽ “hạ cấp” nhân thân của mình không bằng. Đà Nẵng cũng là “Quảng Nôm” đó thôi. Cũng cãi lia chia đó thôi.
Nàng cũng Quảng Nam, đi “kinh tế mới” ra Đà Nẵng mấy năm nay nhưng cũng luôn “xưng” mình là người Đà Nẵng. Lạ thật. Dù hở một chút là nàng cãi tới bến tới bờ. Nhưng mình lại thích cái kiểu của người Quảng Nam. Mình thích tính nàng, dĩ nhiên thích luôn chuyện cãi. Mình khích: “Chuyện chi lạ ở Đà Nẵng, kể nghe coi?”. Vừa lúc xe tấp vô quán. Cái quán bánh tráng ướt kẹp với bánh tráng chín mình đã có lần vô. Dù đã vô ăn một lần nhưng vẫn thấy lạ. Ăn bánh tráng kiểu chi lạ… “Bánh tráng là loại thực phẩm đến hai lần chín, em nhỉ?”. Nàng cãi ngay: “Đó là bánh tráng nướng, còn bánh tráng ướt thì chỉ chín một lần thôi!”. Lại cãi. Lạ quá! “Vô đây rồi sẽ thấy lạ nữa” - nàng nói. Rồi túm tay dắt mình vô quán như mẹ dẫn con nhập học lần đầu. Bánh vừa dọn lên, nàng cũng lên ngay bục giảng: “Làm như này này, đụng nhẹ nhẹ vô cái bánh như này này, chứ mạnh tay là dính cả dề luôn đó. Rồi kẹp này này. Rồi chấm vô nước tương này này”. Ôi thôi là “này này”! Bánh tráng ướt - ráo không lạ nhưng cái cách “bày cho học trò” ăn bánh tráng của nàng thì lạ quá.
Rồi cũng quen. Rồi xong bữa. Mình gọi tính tiền. 195 ngàn. Giá cả như thế, không “lạ”. Mình đưa tờ 200 ngàn, cậu thanh niên mặt búng ra sữa, sau khi mang vô quày thanh toán, mang ra 5 ngàn, kẹp vô bìa cứng hẳn hoi, kèm một nụ cười: “Cháu gửi tiền còn lại cho chú và… chị (?)”. Nghe kiểu xưng đó đã sôi gan nhưng thấy khuôn mặt điển trai của cậu ấy, mình cũng cười đáp lễ: “Chú biếu cháu luôn”. “Dạ cháu cảm ơn”. Thông thường ở những nơi khác thì khách biếu tiền thối lại, nhân viên sẽ bỏ vào túi ngay, vì nghiễm nhiên xem đó là tiền của mình rồi. Khách biếu mà. Nhưng ở quán này thì không. Cậu thanh niên lấy ra số tiền “thừa” ấy, lặng lẽ bỏ vào “thùng từ thiện”. Rồi nhanh chân đi làm công việc của mình. Bỏ bạc lẻ vô “thùng từ thiện”, như thể, đó là việc làm đương nhiên. Mình nhìn nàng, hỏi: “Lạ quá em?”. Nàng cười khanh khách: “Lạ chi. Với Đà Nẵng, chuyện ấy thì quen”. Ừ, cách ứng xử với bạc lẻ mà như thế, chẳng “lẻ” tí nào. Đó là “kiểu” của người Đà Nẵng vậy.
TRẦN ĐĂNG