Hơn nửa cuộc đời bác Mai Thúc Lân gắn bó với đất Bắc, nhưng khi nghe tin ông qua đời, hình ảnh của một người đầy ắp khí chất Quảng lại hiện lên thật rõ trong tôi. Không chỉ với nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng, mà con người ấy, tên gọi ấy gợi nhớ trong bao người những hồi tưởng thân thuộc về người lãnh đạo của Đảng, Quốc hội tài đức, tâm huyết, một lòng tận tụy với dân với nước; đã sống một cuộc đời trong sáng, trung thực, nghĩa khí, chân tình.
Bác Mai Thúc Lân trong thời gian làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam và tác giả. |
Thời kỳ bác Mai Thúc Lân được Trung ương cử về làm Bí thư tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (năm 1994 - 1996), lúc bấy giờ tôi công tác ở Tỉnh đoàn Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1997 tái lập tỉnh Quảng Nam, từ đầu đến gần cuối năm ấy, tôi may mắn được làm việc ở Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Nam, là Phó Văn phòng tổng hợp trực tiếp giúp việc cho bác Mai Thúc Lân - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam lúc bấy giờ. Thời gian tuy không lâu nhưng có những kỷ niệm đáng nhớ. Người tạo ấn tượng sâu sắc và ảnh hưởng lớn đến cuộc đời tôi - bác Mai Thúc Lân, người làm việc tâm huyết, khoa học cho sứ mệnh lớn do Đảng và nhân dân giao, là một con người không ngừng đọc. Con người dung dị trong đời thường, quyết liệt trong công việc và luôn luôn “đọc một cái gì” đã trở thành nét văn hóa thường nhật trong bác như lẽ tự nhiên, một hình ảnh khiến chúng tôi phải suy nghĩ. Các thời kỳ trước, sách báo trong và ngoài nước cũng đã nhiều nhưng không thể phong phú đa dạng như bây giờ, các phương tiện thông tin cũng chưa hiện đại như “thế giới phẳng” ngày nay. Tuy nhiên, dù bận rộn công việc đến mấy, bác cũng dành thời gian để nghiên cứu và đọc sách, kể về những tác phẩm mới với chúng tôi.
Bác thường bảo với anh em văn phòng: “Cán bộ phải thường xuyên đọc, không chỉ đọc các sách liên quan đến chính trị, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, sách phục vụ chuyên ngành mình đang làm mà còn phải đọc sách văn hóa, văn học đông tây kim cổ... Có như thế thì trí tuệ mới sáng suốt, đầu óc mới được mở mang để rồi đem sự hiểu biết của mình ứng dụng vào công việc có ích cho xã hội, nhân dân. Làm cán bộ mà không thường xuyên đọc thì những tri thức mới ít được bồi bổ, dần sẽ bị tụt hậu, thiếu năng động, sáng tạo; chỉ có thể làm anh công chức bàn giấy chứ nói gì đến giúp dân giúp nước…”.
Có lẽ chính vì sở thích ham đọc sách, tư duy những vấn đề mới, thiết thực và thói quen thường xuyên ghi chép nên bác đã có nhiều bài viết ở các lĩnh vực đăng trên các báo, tạp chí của trung ương, địa phương, nhiều bài viết định hướng, trăn trở, đáng suy ngẫm. Đặc biệt, năm 2010 bác Mai Thúc Lân cũng đã ghi lại những nét son trên chặng đường đất nước và chặng đường cuộc đời của mình, trong hồi ký “Chuyện đời ấm lạnh buồn vui”. Cuốn hồi ký không phải được viết từ một nhà văn chuyên nghiệp, nhưng có lẽ đó là những gì trong hồi ức của một chính khách tinh tế, sâu sắc mà suốt cuộc đời mang nhiều trọng trách với dân, với nước - một người con ưu tú của quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng với cả một bầu tâm tình gửi lại.
Trong buổi “xế chiều” của văn hóa đọc, giữa lúc con người đang dần trở nên xa lạ với sách thì hình ảnh của bác, con người của bác, những lời nói của bác Mai Thúc Lân năm xưa lại vang vọng trong tôi…
Dẫu biết rằng “sinh lão bệnh tử” là quy luật muôn đời của tạo hóa, nhưng tôi hết sức thảng thốt bàng hoàng khi nghe tin bác Mai Thúc Lân - nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam ra đi về cõi vĩnh hằng. Bác Mai Thúc Lân ra đi để lại bao tiếc thương cho gia đình, đồng chí, đồng bào - những người yêu kính ông ở mọi miền Tổ quốc cũng như ở quê nhà Quảng Nam yêu dấu. Xin có đôi lời chia sẻ những ấn tượng của tôi về bác Mai Thúc Lân bằng tấm lòng chân thành, như nén tâm hương thành kính với lòng tưởng nhớ!
PHAN NGHĨA