(Xuân Canh Tý) - Hơn 10 năm làm việc cùng cộng đồng các dân tộc miền núi Quảng Nam, bà Nobuko Otsuki - Trưởng Đại diện Tổ chức Cứu trợ/ Phát triển quốc tế (FIDR) của Nhật Bản hiểu rằng, để có một sinh kế phát triển bền vững tại các địa phương vùng núi Quảng Nam, cần có một nhịp cầu từ Nhà nước, cộng đồng địa phương cho đến các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp... Bà Nobuko Otsuki đã có cuộc trò chuyện dành riêng cho Báo Quảng Nam về câu chuyện này.
* Vùng núi Quảng Nam có rất nhiều tiềm năng, trong đó đặc biệt nhất phải kể đến các giá trị văn hóa phi vật thể và vật thể, bà có thể đưa một gợi ý về phương cách phát huy tốt nhất những tiềm năng đó?
Bà Nobuko Otsuki: Theo tôi, việc cần bây giờ làm là xúc tiến, quảng bá và giới thiệu những tiềm năng này đến bên ngoài. Để quảng bá xúc tiến thì cần sự hợp tác của rất nhiều bên chứ không phải chỉ một bên. Cần sự nỗ lực của cộng đồng, sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân cũng như những nhà nghiên cứu, nhà thiết kế. Phải có sự vào cuộc của các bên như vậy thì mới phát huy hết được những giá trị quý báu mà đồng bào sở hữu. Nếu chỉ có một nhóm người đứng ra làm công việc giới thiệu quảng bá thì rất khó để tạo ra niềm tin cho đối tác, đặc biệt là các đối tác tư nhân. Đặc biệt, nếu như có sự hỗ trợ của chính quyền thì sự tin tưởng của những doanh nghiệp càng tăng lên. Nói một chút về sự liên kết, ở đây không chỉ liên kết trong bản thân cộng đồng miền núi mà còn có liên kết giữa tư nhân và cộng đồng, Nhà nước và cộng đồng.
* Vậy bà đánh giá như thế nào về sự hỗ trợ của Nhà nước đối với những đơn vị, tổ chức đang có hoạt động tại các cộng đồng vùng cao?
Bà Nobuko Otsuki: Tôi đánh giá cao sự nỗ lực hỗ trợ của chính quyền địa phương và tôi cũng thấu hiểu được nỗ lực và những thử thách mà họ gặp phải trong quá trình hỗ trợ, phát huy tiềm năng của miền núi. Tuy nhiên, không ai có thể hoàn hảo đảm nhận tất cả công việc như vậy. Do đó, cần sự hợp tác của nhiều bên. Đây cũng là điều thiếu nhất giữa các cộng đồng làng cũng như với các đối tác liên quan, trong đó có chính quyền. Làm thế nào để kết nối giữa tổ chức và cá nhân được với nhau. Vai trò của Nhà nước là gì, Nhà nước có thể hỗ trợ những mảng nào, tư nhân hỗ trợ những gì, những đơn vị học thuật có thể giúp ích được gì? Khi tất cả yếu tố này gộp lại với nhau sẽ tạo nên một động lực để hỗ trợ toàn vẹn, phát huy được các tiềm năng của vùng núi.
Mỗi dân tộc có một đặc thù khác nhau, có phong tục tập quán khác nhau. Thường thì đời sống của đồng bào thiểu số rất đoàn kết nhưng là đoàn kết trong bản thân cộng đồng của họ còn kết nối với bên ngoài thì rất nhiều hạn chế. Làm thế nào hài hòa, kết nối các dân tộc với nhau để họ thực sự tạo nên một mạng lưới, chính là thách thức đặt ra cho các chính quyền sở tại.
* Tiềm năng và điều kiện đều có đủ, nhưng trong nhiều năm qua, du lịch ở miền núi, đặc biệt tại các địa phương của Quảng Nam vẫn chưa thật sự bứt phá. Vậy theo bà, điều quan trọng nhất để du lịch cộng đồng ở miền núi phát triển trong thời gian tới là gì?
Bà Nobuko Otsuki: Nhiều năm qua đã có nhiều dự án nhưng vì sao vẫn chưa có sự cải thiện về sinh kế? Theo tôi nghĩ, đối với những vùng dân tộc miền núi, bà con vùng thiểu số, những thay đổi sẽ không được nhìn thấy theo kiểu ngày một ngày hai mà nó đi từng bước nhỏ, chậm, dần dần. Những thay đổi nhỏ này khiến mình không thấy được. Nhưng theo kinh nghiệm hơn 10 năm làm việc với cộng đồng miền núi, thì tôi nhìn thấy những diện mạo đang ngày một khác đi của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt trong nhận thức và sự phát triển về con người. Tức là có sự thay đổi mang tính ổn định, chứ không phải vượt bậc hay bứt phá. Ví dụ như vừa rồi có hợp tác xã du lịch dựa vào cộng đồng của Nam Giang, họ vẫn đón khách thường xuyên và sự giao lưu văn hóa giữa đồng bào miền núi với người ngoài tạo nên sự thay đổi trong chính bản thân người dân cũng như môi trường giao tiếp. Nhưng những điều đó rất khó thấy vì nó không phải là vật thể. Với đồng bào dân tộc thiểu số, nếu như đưa vào đời sống của bà con một sự hỗ trợ hoặc thay đổi đột ngột sẽ phá vỡ cộng đồng đó nên chúng tôi rất cẩn thận trong việc dần tiếp cận và tổ chức hỗ trợ cho bà con.
Hiện tại vẫn thiếu sự kết nối về du lịch ở Quảng Nam. Sự kết nối này không chỉ biểu hiện trong những điểm đến mà kết nối với công ty du lịch như thế nào nữa. Có rất nhiều công ty du lịch không có thông tin về du lịch ở Quảng Nam, hoặc nếu có thì cũng không biết liên lạc với ai. Đầu mối liên hệ gần như bị thiếu vắng. Theo tôi, để tạo nên sự liên kết, đặc biệt, bây giờ thị trường Hội An đã có sẵn, làm thế nào để kéo khách từ đây đi đến những vùng phụ cận. Thứ nhất cần một đầu mối liên hệ. Cần phải để du khách biết được ở đó có những sản phẩm gì thông qua việc giới thiệu, quảng bá. Cũng như phải để du khách biết được những gì mình sẽ trải nghiệm, là du lịch về văn hóa hay du lịch trải nghiệm và người ở đó là người dân tộc nào. Nếu thông tin rõ ràng thì tôi nghĩ việc kết nối sẽ không phải là điều khó. Càng ngày các doanh nghiệp lữ hành càng muốn tìm kiếm sản phẩm mới. Mình đã có sẵn sản phẩm thì không ngại gì việc thiếu khách.
Cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!