Bác sĩ chăn nuôi bò

THU SƯƠNG - MINH TÂN 29/06/2020 11:41

Chăn nuôi bò là mô hình kinh tế không mới, thế nhưng, nuôi nhốt chuồng và bán sau một thời gian ngắn là điều ít ai làm ở xã Bình Phục, huyện Thăng Bình. Từ một bác sĩ chữa bệnh cứu người đến một bác sĩ thuần thục chữa bệnh cho vật nuôi, anh Trương Công Thuấn cứ vậy mà gắn mình với nghiệp chăn nuôi.

Mô hình chăn nuôi bò đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh Thuấn. Ảnh: TÂN SƯƠNG
Mô hình chăn nuôi bò đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh Thuấn. Ảnh: TÂN SƯƠNG

Quê gốc ở Quảng Bình, học Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh rồi về công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương. Hơn 10 năm làm bác sĩ, ít ai ngờ, năm 2018, anh Trương Công Thuấn (sinh năm 1984) từ bỏ công việc ổn định để theo vợ về thôn Bình Hiệp, xã Bình Phục (Thăng Bình) và khởi nghiệp bằng việc chăn nuôi bò.

Anh Thuấn kể, tuổi thơ của anh là những ngày một buổi chăn bò, cắt cỏ, một buổi đi học. Quen với cơ cực để rồi phải mất hàng chục năm sau đó, anh phát hiện ra đam mê chăn nuôi vẫn hiện diện trong mình.

Về Bình Phục, một phần để gần gia đình vợ, phần nữa để tiếp tục nuôi dưỡng những mong ước từ thuở bé. Những kiến thức y khoa từng học, tinh thần trách nhiệm, sự tự tin là những điều giúp ích cho anh rất nhiều với công việc hiện tại. “Quê tôi và quê vợ đều có chăn nuôi bò, thế nhưng tôi vẫn luôn băn khoăn tại sao mình không thể làm giàu từ con vật này” - anh Thuấn nói.

Sau một thời gian tự tìm tòi, nghiên cứu, anh Thuấn quyết định thay vì nuôi bò thả rông, sẽ nuôi nhốt chuồng; cùng với đó, anh chọn nuôi bò vỗ béo thay cho việc nuôi bò sinh sản. Tận dụng đất của gia đình và thuê thêm của hàng xóm, trên diện tích 5 sào đất, anh Thuấn trồng cỏ. Ngoài ra, cứ đến mùa thu hoạch lúa, anh lại mua rơm để dự trữ. Nhờ đó, không lo thiếu nguồn thức ăn.

Lý giải việc nuôi bò vỗ béo, anh Thuấn cho biết, vốn liếng chưa có nhiều nên việc nuôi như thế này nhanh thu hồi vốn, có lãi, lấy ngắn nuôi dài. Hiện mỗi năm anh nuôi 3 lứa, mỗi lứa khoảng 8 con. Từ giá mua vào ban đầu tầm 20 - 22 triệu đồng/con, sau 3 - 4 tháng, anh bán ra 29 – 33 triệu đồng/con. Sau khi trừ chi phí, anh thu lãi được 5 triệu đồng/con. Từ lợi nhuận thu về trong năm đầu tiên, sang năm thứ 2, anh Thuấn bắt đầu mở rộng sang nuôi bò sinh sản, để chủ động được nguồn giống đầu vào.

Khó khăn trong chăn nuôi là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt là kỹ thuật chăm sóc. Bác sĩ Thuấn phải mất khá nhiều thời gian để học thêm những kiến thức về cách nhận biết và chữa bệnh cho đàn vật nuôi, trong đó tập trung khâu phòng bệnh. Tự tay chuẩn bị nguồn thức ăn, theo dõi từng động thái nhỏ nhất của vật nuôi, nhờ vậy, mỗi khi có sự khác thường, anh đều dễ nhận ra và tìm cách khắc phục. Nhờ đó, năng suất, chất lượng trong chăn nuôi bò ngày càng được nâng lên.

Theo ông Trần Vũ Bảo - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình, mô hình chăn nuôi của anh Thuấn không phải là mới ở huyện Thăng Bình nhưng ở thời điểm này, đang đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, về lâu dài, muốn tiếp tục phát triển mô hình cần có đầu ra ổn định để tránh tình trạng bị ép giá.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bác sĩ chăn nuôi bò
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO