Bác sĩ của người Cơ Tu

ALĂNG NGƯỚC 11/08/2018 03:49

Khuya một ngày cuối tuần, sau cuộc điện báo của ca trực về bệnh nhân cấp cứu vừa được chuyển đến, bác sĩ Nguyễn Huy Thông vội vã phóng xe máy đến bệnh viện. Không lâu sau cuộc hội chẩn nhanh từ bác sĩ Thông và ê-kíp trực, bệnh nhân được đưa vào phòng mổ...

Bác sĩ Nguyễn Huy Thông - thầy thuốc của đồng bào Cơ Tu. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Bác sĩ Nguyễn Huy Thông - thầy thuốc của đồng bào Cơ Tu. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Tại Trung tâm Y tế huyện Tây Giang, đêm khuya hay mờ sáng, hễ có bệnh nhân, bất kể ở đâu cũng đều có mặt của bác sĩ Thông cùng các đồng nghiệp. Họ theo suốt hành trình cứu chữa người bệnh như một “duyên nợ” với vùng đất Tây Giang này, với bao kỷ niệm đẹp nhất trong đời người thầy thuốc.

Bác sĩ Nguyễn Huy Thông (sinh năm 1964, quê Hà Tĩnh) - nguyên là cán bộ quân y Trường Sĩ quan chỉ huy - kỹ thuật Hải Quân (nay là Học viện Hải Quân). Tháng 5.1988, ông tình nguyện lên xã vùng cao Bha Lêê (huyện Hiên cũ) để làm nhiệm vụ chăm sóc, chữa bệnh cho đồng bào Cơ Tu. Trải qua nhiều năm cống hiến trong ngành y tế, ông nhận được nhiều bằng khen và Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân của Bộ Y tế, bằng khen UBND tỉnh, cùng nhiều danh hiệu khác. Năm 2017, ông vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú.

1. Bác sĩ Nguyễn Huy Thông là Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Giang - một trong những đơn vị điển hình của y tế miền núi, với nhiều việc làm sáng tạo phục vụ bệnh nhân. Lần đầu tiên tôi gặp ông, cách đây chừng hơn 10 năm. Hồi đó, khó khăn chồng chất. Bác sĩ Thông cùng đồng nghiệp phải vượt đường rừng để cõng thuốc cùng các dụng cụ y tế đến vùng đất mới do xe không thể lên tận nơi vì bùn đất lầy lội, cách trở. Cơ sở lúc đó cũng mượn tạm trạm y tế tuyến xã biên giới, phục vụ công tác cứu chữa bệnh nhân ban đầu.

Rồi thời gian trôi. Diện mạo của Trung tâm Y tế huyện Tây Giang bây giờ đã đổi thay rất nhiều, với những dịch vụ mới lần lượt được áp dụng cứu chữa hàng nghìn ca bệnh khó. Thành quả đó, không ít được “xây dựng” theo ý tưởng của bác sĩ Thông, nhằm mang đến sự hài lòng cho bệnh nhân vùng cao, thông qua các dịch vụ chăm sóc y tế hiện đại, từ chăn ga đệm giường bệnh, tủ áo quần miễn phí, cho đến các hệ thống chuông báo, máy móc hỗ trợ… khá đủ đầy. Nhưng, cứ mỗi lần gặp, lại thấy ông có những dự định mới. Rồi một thời gian sau, lại nghe ông “khoe” dự định đó đã thành hiện thực, trong niềm vui vô bờ. Ông chia sẻ niềm hạnh phúc của mình sau mỗi lần nhìn thấy nụ cười của bệnh nhân trong khu điều trị, như một động lực để ông cùng đồng nghiệp có thêm những dự định, những kỹ năng mới hơn, cao hơn trong cách chăm sóc sức khỏe, phục vụ cứu chữa người bệnh ở khu vực giáp biên giới Lào. “Đây, khu bãi để xe của cán bộ phía sau dãy hành chính này sắp tới sẽ là nhà ăn cho bệnh nhân. Ý tưởng của mình là nghiên cứu hình thành từng khu riêng biệt, đảm bảo theo thực đơn bệnh lý của từng người bệnh. Ví dụ, bệnh nào nên ăn lạt, bệnh nào ăn mặn, phải phù hợp với khẩu phần ăn, chứ không thể ăn uống đại trà như lâu nay” - bác sĩ Thông nói về dự định mới, và cho biết đang tìm nguồn kinh phí để đầu tư, góp thêm điều kiện chăm sóc tốt nhất bệnh nhân.

2. Hơn 30 năm công tác ở miền núi, bác sĩ Thông đã đi hết các thôn bản khó khăn nhất của huyện Tây Giang, từ Z’lao (xã Dang), Aur (A Vương), cho đến các thôn Atu 1, Ch’nóc (xã biên giới Ch’Ơm). Đi đến đâu, ông cũng để lại nhiều ấn tượng với đồng bào, nhất là trong cách tuyên truyền, vận động bà con giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ nguồn nước, chăm sóc sức khỏe… Họ quý ông, từ những câu chuyện rất nhỏ như thế. Ông Thông kể, một lần ông cùng đoàn tình nguyện của trung tâm vượt hơn 20km đường rừng đến thôn Aur (xã A Vương). Vừa đặt chân đến làng, thật bất ngờ, bà con ai cũng nhận ra ông, rồi mời ông đến thăm từng nhà. Họ mời ông cùng đoàn từng nải chuối, cây mía rất thân tình. Sau chuyến đi đó, bác sĩ Thông giữ liên lạc với bà con. Hễ ai có việc ra trung tâm huyện, hay ốm đau cũng đều nhận được sự giúp đỡ từ vị “bác sĩ của buôn làng”.

Bác sĩ Thông (phải) trực tiếp thăm khám một bệnh nhân đang điều trị tại đơn vị.
Bác sĩ Thông (phải) trực tiếp thăm khám một bệnh nhân đang điều trị tại đơn vị.

Gắn bó cuộc đời mình với đồng bào nên bác sĩ Thông có thể nói thành thạo tiếng Cơ Tu bản địa. Đây chính là lợi thế, giúp ông gần gũi hơn với đồng bào, thấu hiểu hơn những câu chuyện, những tâm sự “khó nói” của bệnh nhân vùng cao mỗi khi họ ngại đến bệnh viện. Bác sĩ Thông nói, cho đến bây giờ ông không thể quên những tình cảm của đồng bào Cơ Tu dành tặng lúc ông chào tạm biệt dân làng ở xã Bha Lêê để xuống phố học lớp nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ. Câu chuyện đã trôi xa hơn 30 năm trước, nhưng vẫn luôn đọng lại trong dòng ký ức của ông, như màu núi kia vẫn xanh ngát giữa rừng. Hồi đó, mưa núi tầm tã. Nhưng dọc đường tại Azứt, bà con đứng rất đông để chào tạm biệt ông. Trên tay, họ cầm từng nải chuối, măng khô, quả dứa… biếu ông làm quà, khiến ông cảm động. Ông đứng khóc như một đứa trẻ, khiến đồng bào khóc theo. Buổi chia tay bịn rịn, họ như không muốn rời xa nhau nửa bước…

Bẵng một thời gian sau, ông trở lại sau khóa học, đồng bào vẫn dành tình cảm đặc biệt, mà ông nói đùa rằng đó là “phúc phần” của ông. Có một điều rất đặc biệt ở ông, dù chỉ gặp qua một lần, nhưng khi gặp lại ông vẫn có thể nhận ra ngay những bệnh nhân của mình, thậm chí nhớ tên và cả thôn, xã. Bởi thế, họ quý ông và xem ông như người nhà. Mà không chỉ đồng bào Cơ Tu tại địa phương, nhiều bà con các bộ tộc của Lào ở vùng giáp ranh cũng quý ông, xem ông như ân nhân của mình. Những lần trực tiếp phẫu thuật, cứu chữa cho bệnh nhân Lào và nghe những câu chuyện của họ, càng khiến bác sĩ Thông có thêm động lực để cống hiến với nghề, chia sẻ với những khó khăn mà người dân phía bên kia biên giới đang gặp phải. Thế mới nhớ, hồi gặp chị Alăng Gơơih - một bệnh nhân Cơ Tu ở cụm bản Tà Vàng (huyện Kà Lừm, Sê Kông), hỏi về chuyện chăm sóc, điều trị ở trung tâm, chị bày tỏ sự hài lòng, nói một mạch: “Ở đây rất tốt, bác sĩ Thông rất tốt!”, như một lời cảm ơn đến người đã hết lòng giúp đỡ mình.

3. Vài năm trước, từ yêu cầu về chuyên môn của đơn vị, bác sĩ Thông một mình khăn gói xuống phố để gặp gỡ lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng, kết nối và nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ hình thành tuyến bệnh viện vệ tinh theo đề án của Bộ Y tế. Không lâu sau đó, một chương trình hỗ trợ chuyên môn giữa 2 đơn vị được ký kết và thực hiện, tạo cơ hội để đội ngũ y, bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Tây Giang được tiếp cận, học hỏi các kỹ thuật chẩn đoán, điều trị bệnh hiện đại, chuyên sâu, góp phần nâng cao năng lực, chất lượng và công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào miền núi. Rồi cũng chính bác sĩ Thông đã tìm cách kết nối, đưa về nhiều dự án hiệu quả và hữu ích cho ngành y tế địa phương, cũng như các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc sức khỏe đồng bào Cơ Tu.

Từng là người lính, nên tính cách của bác sĩ Thông rất quyết đoán. Cũng nhờ sự quyết đoán của ông mà đã cứu hàng chục bệnh nhân khỏi “lưỡi hái tử thần”. Mới đây nhất, vào ngày 3.8.2018, một sản phụ người Cơ Tu ở thôn Arầng 1 (xã A Xan) tên Tơ Ngôl Thị Xuân Lưu, vào viện trong tình trạng đau bụng dữ dội. Chị Lưu mang thai lần thứ 2, với thai kỳ 39 tuần, có tiền sử sinh mổ cách đây 9 năm. “Theo quy định, sản phụ có tiền sử sinh mổ nguy cơ vỡ tử cung rất cao, phải được chuyển về bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh để phẫu thuật cấp cứu. Tuy nhiên, nhận định nếu chuyển về tuyến trên sẽ có nguy cơ vỡ tử cung dọc đường và đe dọa đến tính mạng cả sản phụ và con, nên một cuộc hội chẩn khẩn cấp được thực hiện. Cuối cùng, tôi và ê-kíp trực đã quyết định tiến hành phẫu thuật tại trung tâm. Ca phẫu thuật thành công, đã cứu sống được sản phụ và con mà không phải chuyển lên tuyến trên” - bác sĩ Thông chia sẻ.

ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bác sĩ của người Cơ Tu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO