Bắc thang lên hỏi ông trời

ĐĂNG QUANG 23/11/2013 07:39

Dõi theo ti vi mấy ngày qua, thấy hoạt động chất vấn trong kỳ họp Quốc hội có nhiều điều để suy ngẫm.
Chất vấn, là hỏi, truy trách nhiệm và người trả lời, giải trình rõ ra trách nhiệm tới đâu. Vậy mà có những câu “hỏi xoáy” nhưng “đáp xoay” vì còn xà quần, ví như hỏi có chuyện cán bộ công chức tiêu cực, chạy chức chạy quyền không; tỷ lệ công chức – viên chức không có năng lực công tác là bao nhiêu, giải pháp thế nào, chỉ thấy người trả lời loanh quanh về những đánh giá trong nghị quyết, dẫn ra hàng loạt văn bản nhận xét chung chung.

Bà con miền Trung chưa kịp hoàn hồn trong bão lũ, nghe các đại biểu của mình hỏi về quản lý quy hoạch, vận hành thủy điện; ai kiểm soát, giám sát việc xả lũ; trách nhiệm xả lũ làm thiệt hại cho dân thuộc về ai,… nhưng cũng chưa thấy trả lời thỏa đáng. Trong khi đó, những đau thương do lũ thì hiện rõ mồn một. Cảnh “lũ cát” ở Đại Lộc, Quảng Nam, hay những cánh đồng ở Phú Yên còn hơn những lời đau xót năm xưa: Lúa ngậm đòng lụt bão đến xô bồ/ Nhà đang dựng thiếu xi măng, thiếu gạch/Bao đám cưới chưa có phòng hạnh phúc/Mây ngổn ngang lam lũ những dáng người… (thơ Nguyễn Trọng Tạo).

Chất vấn, theo Điều 2 - Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003 là “một hoạt động giám sát”, là cách thức quan trọng để giám sát hoạt động của các quan chức Nhà nước, trong đó có các quan chức Chính phủ. Nhiều vị bộ trưởng đã trả lời chất vấn có chất lượng, như việc đầu tư công (Bộ KH&ĐT), hay chuyện nâng cấp sửa chữa các hồ đập (Bộ NN&PTNT), song cũng còn một số bộ trưởng chưa trả lời rốt ráo (hoặc bận đi công tác?) nên vấn đề được hỏi còn để lửng lơ. Có một nhận xét đáng suy nghĩ rằng khi câu hỏi đã khoanh vùng trách nhiệm của từng người trả lời chất vấn là các vị bộ trưởng thì điều mong muốn là các vị thể hiện được năng lực nắm bắt vấn đề, giải trình thấu đáo cũng như có giải pháp trọng tâm và thời hạn để giải quyết vấn đề được chất vấn. Nếu không làm được điều đó, nghĩa là trong chất vấn, có câu hỏi sẽ rơi vào chỗ trống không, như kiểu bắc thang lên hỏi ông trời.

Cuộc sống đang đặt ra biết bao câu hỏi cho hầu khắp “tư lệnh ngành”. Chẳng hạn, chuyện đổi mới giáo dục rồi đây sẽ đưa con em chúng ta đi đến đâu, khám chữa bệnh có còn nơm nớp lo, thực phẩm có còn bị nhiễm độc, tai nạn giao thông có được kiềm chế, tham nhũng có được đẩy lùi... Cơ man là chuyện, như có người đã cảm khái “Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi/ Câu trả lời thật không dễ dàng chi!”, không thể trả lời hết. Song, có những câu hỏi xới lên những vấn đề thực tế nóng bỏng như chuyện nồi cơm bát gạo, tính mạng của dân bị chính những công trình dự án đe dọa, thì không thể cứ để chất vấn hết kỳ họp này đến kỳ họp khác. Do vậy, xử lý hậu chất vấn như thế nào mới đáng là câu hỏi để suy ngẫm lời giải, rằng trách nhiệm “công bộc của dân” ở những người thực thi công vụ  phải được xem xét trong việc tiếp thu và giải quyết vấn đề dân sinh bức xúc.

ĐĂNG QUANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bắc thang lên hỏi ông trời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO