Bắc Trà My chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

THÁI BÌNH 06/08/2018 07:22

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng con vật nuôi theo hướng tận dụng ưu thế bản địa đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân được huyện Bắc Trà My khuyến khích nên bà con nông dân mạnh dạn đưa nhiều giống cây, vật nuôi mới vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình vườn cây ăn quả trên địa bàn Trà Tân mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân nơi đây. Ảnh: T.B
Mô hình vườn cây ăn quả trên địa bàn Trà Tân mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân nơi đây. Ảnh: T.B

Nông dân trẻ Trần Phước Thanh ở thôn 2, xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My đã thực hiện  thành công mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp ngay trên vùng đồi núi hoang vu trước đây. Anh Thanh mạnh dạn thuê khu đất rừng gần 1ha để đầu tư nuôi heo đen bản địa, gà ri thả vườn, vịt xiêm thương phẩm cung cấp cho thị trường. Qua thực tế chăn nuôi, anh tích lũy được nhiều kinh nghiệm chăm sóc cũng như cách phòng ngừa dịch bệnh cho đàn gia súc gia cầm. Anh Thanh cho hay: “Dự định của tôi là lai tạo ra những  con giống heo đen, gà và vịt xiêm ngay tại địa phương để cung ứng con giống cho bà con ở đây chăn nuôi. Gia súc gia cầm bản địa có sức đề kháng rất tốt nên ít bị dịch bệnh hơn. Vì vậy, con giống bản địa được bà con lựa chọn nhiều hơn. Bên cạnh đó, tôi cũng chia sẻ những kinh nghiệm của mình để bà con chăn nuôi hiệu quả”.

Anh Nguyễn Đại Châu ở thôn 8, xã Trà Tân đã gây dựng cho mình một khu vườn trồng cây ăn quả cho thu nhập cao. Trên mảnh đất khô cằn trước đây, với nỗ lực của mình, gần 2ha vườn của ông bây giờ đã được phủ xanh bởi nhiều loại cây trồng mới như thanh long ruột đỏ, sả, chuối, cam bản địa, bưởi da xanh, chè... Kiên trì cải tạo vườn tạp, linh hoạt trồng xen canh, gối vụ nên đất không phụ công người, mô hình kinh tế vườn của anh Châu mỗi năm đem lại cho gia đình nguồn thu gần 100 triệu đồng. Anh Châu cho biết: “Tôi mê làm vườn từ nhỏ đến giờ và cũng nhờ gia đình có một khu vườn rộng nên tôi đầu tư làm mô hình vườn cây ăn quả. Tôi dùng phân bón hữu cơ để bón, không sử dụng thuốc hóa học để phun như người khác. Nhờ chăm sóc tốt, vườn nhà tôi cho thu nhập ổn định, bây giờ nhiều người ở miền xuôi lên đây đặt mua nông sản do tôi làm ra nên không lo ngại về đầu ra nữa”. Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Trà Tân, chia sẻ: “Ở Trà Tân có không ít mô hình kinh tế vườn trồng cây ăn quả cho thu nhập khá và ổn định nên ngày càng có nhiều hộ học tập làm theo”.

Hiệu quả thiết thực từ chuyển đổi giống cây trồng, con vật nuôi, khiến bà con nông dân ở các xã của huyện Bắc Trà My mạnh dạn chuyển đổi đất trồng keo sang trồng cây ăn quả. Bên cạnh việc tạo điều kiện cho bà con vay vốn giảm nghèo, Hội Nông dân huyện cũng chủ động phối hợp với các ban ngành liên quan của huyện tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ cây, con giống để bà con nông dân áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi đạt hiệu quả cao nhất. Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Xuân Đi - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bắc Trà My cho biết: “Chúng tôi đã vận động bà con nông dân phát triển đầu tư có trọng điểm vào từng vùng với điều kiện thổ nhưỡng phù hợp cho từng loại cây, con vật nuôi. Qua 2 năm triển khai thực hiện, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế nhất định giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo, phải kể đến một số mô hình tiêu biểu như cá lồng bè, nuôi heo đen, bò thịt, gà đệm lót sinh học, vịt xiêm, trồng cây ăn quả…  Những mô hình này được huyện và các ban, ngành có cơ chế nhằm hỗ trợ để bà con đầu tư, nhân rộng”.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Bắc Trà My đang đi đúng hướng và mang lại hiệu quả tích cực. Đây là tiền đề để bà con nông dân trong huyện tiếp tục đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản, nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn phát triển hơn.

THÁI BÌNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bắc Trà My chuyển đổi cây trồng, vật nuôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO