Bắc Trà My: Mở hướng thoát nghèo cho đồng bào

ĐĂNG NGUYÊN - ĐAN NGUYÊN 30/10/2019 19:41

Những năm qua, ở huyện Bắc Trà My đã hình thành nên nhiều mô hình kinh tế trọng điểm, liên vùng, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Diệnmạo đời sống xã hội huyện BắcTràMy đang ngày càng khởi sắc.
Diệnmạo đời sống xã hội huyện BắcTràMy đang ngày càng khởi sắc.

Trong ký ức của ông Huỳnh Tấn Sâm - nguyên Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My, những năm đầu thập niên 2000, Trà My (nay được chia tách thành hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My) vẫn chỉ là vùng đất hoang hóa, cô lập giữa rừng. Dù nức tiếng khắp vùng, dù giá trị kinh tế rất cao, nhưng quế Trà My vẫn không thể làm thay đổi sự nghèo khó ở vùng đất này. Sau thời gian dài trăn trở, cuối cùng một bài toán khác được lập nên từ rừng, mở hướng thoát nghèo cho đồng bào địa phương.

“Thời điểm đó, bên cạnh chú trọng sắp xếp dân cư tại các vùng có nguy cơ ảnh hưởng do thiên tai, chúng tôi định hướng tập trung phát triển cây nguyên liệu ngắn hạn, cụ thể là cây keo để phát triển kinh tế. Đề án trồng rừng sau đó được đưa vào Nghị quyết Đảng bộ huyện, trở thành mô hình kinh tế mũi nhọn đầu tiên được triển khai ở vùng miền núi, giúp bà con dần thoát nghèo” - ông Sâm chia sẻ.

Làm giàu từ rừng

Cho đến bây giờ, keo vẫn là cây chủ lực được đồng bào Bắc Trà My lựa chọn để tìm hướng thoát nghèo. Như một lối đi mới, từ keo và một số mô hình trồng cây ăn quả khác, nhiều hộ đồng bào địa phương đã có cuộc sống đủ đầy hơn, trở thành điển hình trong phát triển kinh tế. Các xã Trà Đông, Trà Dương, Trà Nú, cho đến Trà Đốc, Trà Ka, Trà Giáp... nơi nào cũng bạt ngàn keo - tài sản “để dành” của đồng bào, ở rừng.

Ông Lê Rô - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Tân chia sẻ, những năm qua, bằng rất nhiều dự án, mô hình phát triển kinh tế rừng được đầu tư, mở rộng, đời sống của đồng bào địa phương đã dần đổi khác. Bên cạnh các dự án sinh kế chăn nuôi bò sinh sản, kết hợp mô hình nuôi heo đen, gà vịt, nuôi cá nước ngọt…, rất nhiều hộ dân địa phương đã mạnh dạn đầu tư phát triển trồng keo nguyên liệu cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn dưới 11%. “Ở một số thôn, bây giờ người dân đã bắt đầu trồng thêm các loại cây ăn quả như cam sành, bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ, mở hướng làm giàu từ rừng, với giấc mơ đổi đời trên chính quê hương miền núi” - ông Rô cho biết.

Dấu ấn Nam Trà My Qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, đặc biệt là sau 16 năm chia tách, huyện Nam Trà My đã để lại nhiều dấu ấn trong phát triển kinh tế - xã hội, với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 10%; giá trị sản xuất trên lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp từ 17,5% (năm 2015) đến nay tăng lên 19,62% và nông - lâm nghiệp từ 48,9% (năm 2015) lên 51,5%; thu nhập bình quân đầu người ước tính 11,5 triệu đồng/người/năm. Nhiều năm qua, bên cạnh đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, Nam Trà My còn khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa rẫy sang các loại cây dược liệu dưới tán rừng. Nhờ vậy, đến nay toàn huyện có 39 nhóm hộ/779 hộ đồng bào Xê Đăng tham gia trồng sâm ở các xã Trà Linh, Trà Nam và Trà Cang, với tổng diện tích hơn 932ha; hàng năm tổ chức gieo ươm 500 - 600 nghìn cây giống sâm Ngọc Linh đạt chất lượng. Từ hiệu quả bước đầu trong việc khai thác du lịch trải nghiệm, vườn sâm Tăk Ngo, Nam Trà My cũng đang tiếp tục mở rộng đầu tư thêm nhiều điểm tham quan du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái dành cho du khách, nhằm hướng đến mục tiêu làm giàu từ chính sản phẩm văn hóa đặc trưng của đồng bào địa phương. Theo ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, song song với việc khai thác kinh tế dựa vào rừng, những năm qua địa phương đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, ưu tiên bố trí vốn cho dự án trọng điểm về giao thông vào vùng sâm Ngọc Linh; cùng các dự án sắp xếp, bố trí và ổn định dân cư miền núi cho đồng bào địa phương. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 46,45%.(Đ.NG)

Không chỉ ở xã Trà Tân, câu chuyện giảm nghèo còn được kể ở rất nhiều địa phương Bắc Trà My, với những mô hình kinh tế đem lại hiệu quả thiết thực từ rừng. Như ở xã Trà Dương, sau nhiều năm loay hoay với bài toán giảm nghèo, bây giờ chính quyền và người dân địa phương đã tìm được hướng đi mới phù hợp, có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng. Là một người trẻ có đam mê khởi nghiệp bằng các mô hình vườn - ao - chuồng - rừng, từ nhiều năm trước, Nguyễn Quảng Hiệp (thôn Dương Trung) đã gây dựng vườn cây ăn trái với hàng nghìn gốc đủ các loại cam sành, cam giấy, chanh không hạt, quýt đường và thanh trà. “Quả ngọt” sau gần 5 năm chuyển đổi mô hình kinh tế là mỗi năm anh Hiệp thu về hàng trăm triệu đồng, vừa làm giàu cho bản thân, vừa giúp tạo công ăn việc làm cho nhiều thanh niên địa phương.

Đẩy mạnh phát triển du lịch

Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My - ông Thái Hoàng Vũ cho hay, từ những tiềm năng và lợi thế trong phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với du lịch di tích lịch sử, địa phương đã xây dựng đề án “Phát triển du lịch huyện Bắc Trà My giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây được xem là bước đi mới, có chiến lược, trên cơ sở cụ thể hóa Nghị quyết Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020, nhằm tạo động lực thúc đẩy đầu tư du lịch, đưa các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương đến với du khách. Những năm qua, Bắc Trà My đã đón hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm tại các Khu di tích lịch sử Trung Trung bộ - Nước Oa, lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2, cùng các điểm thác nước, sự kiện lễ hội truyền thống.

Mở ra cơ hội cho phát triển du lịch, ngoài tiềm năng sẵn có về các điểm di tích, văn hóa cộng đồng, lợi thế với Bắc Trà My còn ở vị trí vùng đất trung tâm kết nối với các địa phương lân cận theo tuyến quốc lộ 24C, từ Bắc Trà My đi Trà Bồng - Bình Sơn - Dung Quất (Quảng Ngãi); đường Nam Quảng Nam, từ Tam Kỳ lên Bắc Trà My sang Đắc Tô (Kon Tum) và các tuyến Đông Trường Sơn (Bắc Trà My - Hiệp Đức), Bắc Trà My - Đà Lạt (Lâm Đồng). Ngoài ra, cùng với tuyến quốc lộ 40B, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã đến các khu di tích, điểm tham quan du lịch trên địa bàn cơ bản được đầu tư nâng cấp mở rộng, đảm bảo cho hành trình khám phá của du khách.

“Bắc Trà My có nhiều khu di tích lịch sử, phong cảnh thiên nhiên, văn hóa cộng đồng đặc sắc để phục vụ nhu cầu tham quan, thưởng ngoạn của du khách, từ quần thể Khu di tích lịch sử Nước Oa, Bia di tích Chiến thắng Đồn Xã Đốc, cho đến thác Bà Nô, suối Nước Ví, hang Nai, hố Dội... Từ nhu cầu phát triển du lịch, năm 2016, huyện đã đầu tư xây dựng Làng du lịch cộng đồng thôn Cao Sơn tại xã Trà Sơn và kết nối hình thành Làng du lịch cộng đồng của người Co tại xã Trà Kót, cũng như phát triển nóc Xơ Rơ tại xã Trà Bui thành các điểm du lịch trên cơ sở phát huy hiệu quả hoạt động của Làng du lịch cộng đồng thôn Cao Sơn, hướng đến mở ra cơ hội kết nối liên vùng, giúp ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số” - ông Vũ nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bắc Trà My: Mở hướng thoát nghèo cho đồng bào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO