(QNO) - Những ngày qua, người dân các huyện miền núi của Quảng Nam nói chung và người dân Bắc Trà My nói riêng đổ xô vào rừng khai thác quả ươi. Việc khai thác đúng cách và được kiểm tra, kiểm soát đã góp phần rất lớn bảo vệ nguồn sản vật quý có giá trị kinh tế cao này.
Không như những năm trước đây khi người dân từ nhiều nơi khác ồ ạt kéo đến chặt hạ cây ươi để thu hái quả, năm nay, ngay từ đầu mùa khi cây ra quả, Huyện ủy, UBND huyện Bắc Trà My đã liên tiếp ra các công văn chỉ đạo và tăng cường thành lập thêm 6 chốt kiểm soát bảo vệ cây ươi tại địa phương. Chính vì vậy, việc khai thác quả ươi được người dân địa phương thực hiện nghiêm túc, hạn chế tình trạng chặt hạ cành, nhánh cây ươi gây hủy diệt loại cây rừng quý hiếm này.
Ông Châu Minh Ninh - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Bắc Trà My cho biết: “Cùng với công tác tuần tra, quản lý bảo vệ rừng thì vào mùa ươi chín, ban đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm huyện tăng cường công tác chốt chặn và tuẩn tra, kiểm soát không để người từ các địa phương khác vào rừng chặt hạ, khai thác ươi trái phép. Đối với người dân địa phương, ban đã xây dựng các nội dung tuyên truyền cụ thể để người dân hiểu hơn về việc cần phải bảo vệ cây ươi. Đây là loại cây có giá trị kinh tế lâu dài rất cần bảo vệ. Nhờ vậy, bà con ở các địa phương có diện tích ươi nhiều đều chấp hành đúng việc thu hái lượm quả chín, bảo vệ, không chặt hạ cây ươi”.
Hằng ngày, các đội tuần tra thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Bắc Trà My đều thực hiện công tác, kiểm tra các khu vực trọng điểm có nhiều diện tích ươi đang kỳ chín rộ; 81 cán bộ chuyên trách và 20 nhân viên hợp đồng tại các xã của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Bắc Trà My đã được phân công tổ chức chốt chặn 19 điểm chốt của huyện. Riêng khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 có 3 chốt kiểm soát được thành lập. Người khai thác quả ươi phải được chính quyền địa phương, chủ rừng cấp phép theo quy định của huyện.
Gia đình anh Lê Xuân Vũ (thôn 2, xã Trà Đốc) đã nghiêm túc chấp hành việc chỉ khai thác, thu lượm quả ươi chín rụng theo chỉ đạo của chính quyền địa phương.
Anh Vũ cho biết: “Mùa này, người dân sau khi sạ cấy xong thì rảnh rỗi nên vào rừng nhặt ươi để có thêm thu nhập. Năm nay, huyện đã có hướng dẫn phải có giấy phép mới được tham gia khai thác quả ươi chín, gia đình tôi cũng đã hỏi UBND xã và làm theo cho đúng. Tôi và bà con ở đây không chặt hạ cây ươi, vì cứ theo chu kỳ mấy năm chúng tôi lại được vào được lượm ươi một lần. Mỗi lần đi như thế này tuy vất vả nhưng cả nhà cũng kiếm được vài triệu đồng để mua thêm dụng cụ, phân bón phục vụ sản xuất”.
Quả ươi có giá trị kinh tế rất lớn với nhiều công dụng như một thứ thảo dược tự nhiên hoặc làm nước uống được thị trường ưa chuộng. Trung bình mỗi cây ươi rừng cho thu hoạch 15 - 30kg ươi hạt. Hiện nay, giá ươi được thương lái thu mua khoảng 200.000 đồng/kg. Tuy nhiên, chu kỳ ra quả của cây ươi phải mất từ 6 đến 7 năm. Do vậy, việc bảo vệ, quản lý, khai thác quả ươi hợp lý sẽ góp phần rất lớn để người dân địa phương có nguồn thu nhập kinh tế bền vững, cải thiện đời sống khó khăn của chính người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
“Rút kinh nghiệm từ các năm trước, năm nay, huyện Bắc Trà My đã chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý, bảo vệ cây ươi trên địa bàn huyện. Theo đó, huyện đã sớm chỉ đạo 13 xã, thị trấn, nhất là tại các xã có diện tích cây ươi nhiều như Trà Bui, Trà Giác, Trà Sơn và Trà Nú tăng thêm các chốt kiểm soát, tăng cường công tác tuần tra, xử lý. Đồng thời, huyện cũng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể cho người dân các quy định về việc cấp phép khai thác quả ươi đã chín. Đến nay, Bắc Trà My cơ bản kiểm soát được lượng người từ các địa phương khác di chuyển đến địa bàn huyện, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay” - ông Trần Toại, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho hay.