Bắc Trà My đang nỗ lực giữ diện tích và khai thác giá trị kinh tế của cây cao su tiểu điền trên địa bàn sau gần 10 năm người dân đầu tư chăm trồng nhưng giá mủ không còn hấp dẫn như trước đây.
Hội nghị “ba bên”
Đánh giá kết quả thực hiện đề án phát triển cây cao su tiểu điền trên địa bàn huyện giai đoạn 2012 - 2020, UBND huyện Bắc Trà My cho biết, trong hai năm 2012 và 2013, 125 hộ dân tham gia đề án và trồng được tổng cộng 128,7ha.
Qua quá trình rà soát thống kê, hiện tại diện tích cao su nói trên còn lại 77,54ha (giảm 51ha), đạt tỷ lệ 60,3%; diện tích đảm bảo điều kiện đưa vào khai thác năm 2020 là 70ha.
Đến nay, đã có một số hộ khai thác tập trung tại xã Trà Đông, Trà Kót, Trà Tân... Đặc biệt, ở xã Trà Đông có hộ bán sản phẩm mủ cao su. Tuy nhiên, theo chính quyền địa phương, do chi phí đầu vào lớn, yêu cầu về mặt kỹ thuật cao, bên cạnh đó, do giá cả thị trường bấp bênh nên một số hộ gia đình trồng cao su tiểu điền hoang mang, lơ là trong việc chăm sóc. Người dân chưa muốn đầu tư tiếp mà phần lớn chỉ chăm sóc cầm chừng, chưa được quan tâm đúng mức.
Ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho rằng, với hơn 77ha cao su tiểu điền đang còn được chăm trồng trên địa bàn huyện, cho thấy các hộ dân rất tâm huyết với cây cao su. Đồng thời khẳng định, để duy trì diện tích và khai thác hiệu quả giá trị kinh tế từ cây cao su, UBND huyện cùng với Công ty TNHH MTV Cao su Nam Giang Quảng Nam và Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam sẽ luôn đồng hành cùng người dân, có sự hỗ trợ về vốn, kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh, khai thác mủ...
Một số hộ đã chặt bỏ, chuyển đổi sang cây trồng khác, chủ yếu tại xã Trà Dương, Trà Giang. Với xã Trà Giang, những hộ tham gia năm 2013 đã chặt bỏ hoàn toàn, có những hộ đến chu kỳ khai thác lại chặt bỏ.
Để bàn giải pháp “cứu” diện tích cao su tiểu điền còn lại, mới đây UBND huyện Bắc Trà My tổ chức hội nghị “ba bên” - với sự tham gia của người dân, chính quyền địa phương và đại diện hai Công ty TNHH MTV Cao su Nam Giang Quảng Nam và Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam trồng cao su đại điền trên địa bàn.
Tại hội nghị, ông Lê Kính Lý (thôn 2, xã Trà Giang) cho biết, năm 2013 gia đình đầu tư trồng 1ha cao su tiểu điền; đến nay cây chuẩn bị cho khai thác mủ. “Từ khi giá mủ cao su giảm xuống liên tục thì việc chăm sóc cây cao su bị lơ là. Mong rằng UBND huyện và đại diện các doanh nghiệp trồng cao su có định hướng hỗ trợ để khai thác giá trị kinh tế hiệu quả” - ông Lý chia sẻ.
Theo ông Huỳnh Ngọc Thiệu - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My, nhằm giữ vững diện tích cây cao su tiểu điền trên địa bàn, các ban ngành, Mặt trận, hội đoàn thể huyện phối hợp với các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân chăm sóc vườn cây đưa vào khai thác trong năm 2020; đào tạo hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân, cũng như phối hợp với hai công ty cao su đại điền để hỗ trợ kỹ thuật và mua sản phẩm cho nông dân. Ngoài ra, giao UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý đề án, tránh trường hợp người dân chăn thả gia súc làm hư hại vườn cây, chặt phá cây cao su để chuyển đổi cây trồng khác. Đặc biệt, sẽ có biện pháp chế tài (thu hồi nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước về giống) để xử lý những hộ chặt phá vườn cây, nhất là lưu ý đối với các hộ là cán bộ, đảng viên tham gia đề án.
Cam kết của doanh nghiệp
Tại hội nghị này, UBND huyện Bắc Trà My cho rằng, thời điểm hiện nay không nên can thiệp sâu về giá cả để người dân tự quyết định theo thị trường. Hiện Công ty TNHH MTV Cao su Nam Giang Quảng Nam và Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam thu mua với giá từ 11 - 12 nghìn đồng/1kg; trong khi đó, các doanh nghiệp ngoài mua với giá từ 13 - 15 nghìn đồng/1kg tại xã Trà Đông. Trong trường hợp giá mủ cao su rơi vào giá sàn mà doanh nghiệp ngoài không mua sản phẩm cho nông dân thì đề nghị hai công ty nêu trên phải có trách nhiệm thu mua sản phẩm cho nông dân.
Đại diện Công ty TNHH MTV Cao su Nam Giang Quảng Nam và Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam đánh giá, Bắc Trà My còn hơn 77ha cao su tiểu điền đều sinh trưởng tốt, hứa hẹn cho lượng mủ chất lượng cao, nằm ở vị trí thuận lợi cho giao thông và tổ chức khai thác mủ. Với giá mủ như hiện nay, dù thấp nhưng vẫn đảm bảo thu nhập cho người trồng cây cao su tiểu điền, cao hơn so với các cây trồng khác. Đến thời điểm này, cây cao su tiểu điền có hiệu quả kinh tế. Bởi theo tính toán, cây cao su có chu kỳ khai thác mủ từ 20 năm trở lên nếu làm đúng theo quy trình, đáp ứng được các ý tố kỹ thuật thì lượng mủ sẽ nhiều, chất lượng cao nên có giá mua cao hơn. Gỗ cây cao su sau khi hết chu kỳ khai thác mủ cũng rất có giá trị, ước tính giá bán thấp nhất khoảng 150 triệu đồng/ha. Hai công ty cam kết sẽ hỗ trợ bà con trong việc tổ chức khai thác mủ đảm bảo quy trình kỹ thuật, cam kết thu mua, bao tiêu toàn bộ sản phẩm mủ cao su trên địa bàn Bắc Trà My với giá minh bạch, cạnh tranh hơn. Hợp đồng cam kết thu mua với bà con sẽ được ký kết trong quý I này.