Huyện Bắc Trà My có điều kiện đất đai khí hậu thích hợp với các loại cây trồng nên địa phương đã và đang đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn và bước đầu đã có những kết quả khả quan.
Vườn cây thanh trà của ông Lê Tự Hùng (xã Trà Tân) mang lại lợi ích kinh tế cao. Ảnh: N.DƯƠNG |
Hướng đi thích hợp
Theo ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, đia phương là một huyện miền núi cao, đời sống người dân chủ yếu phụ thuộc vào kinh tế rừng và những loại cây nông nghiệp ngắn ngày nên thu nhập rất bấp bênh. “Thổ nhưỡng và khí hậu ở đây phù hợp để phát triển nhiều loại cây ăn trái như cam, bưởi, lòn bon... Đây là những cây có giá trị kinh tế cao, vì vậy, chúng tôi vận động bà con thực hiện mô hình này và nhận sự đồng tình cao của người dân. Từ đó, huyện đã có kế hoạch phát triển kinh tế vườn giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025 nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, tạo sự chuyển biến mạnh về sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp. “Đây cũng là cách để tăng cường cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống cho nhân dân ở các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua đó, lồng ghép các chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống” - ông Tuấn cho biết thêm.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2016 - 2020, huyện sẽ vận động bà con trồng mới 250ha với các loại cây chủ yếu như cây cam đường, xoài, thanh trà, lòn bon, ổi... Để thực hiện điều đó, huyện đã xây dựng một vườn ươm cây giống đạt chuẩn đảm bảo nhu cầu về nguồn giống cho người dân. “Đồng thời huyện đang hoàn thiện hệ thống thủy lợi, nước sinh hoạt, hệ thống tưới tự động bằng nhiều hình thức thích hợp, mở rộng diện tích và lắp đặt hệ thống tự động chủ động tưới mỗi năm đảm bảo 50ha, không để tình trạng thiếu nước dẫn đến cây trồng chết, năng suất không đạt do nắng nóng gây ra” - ông Huỳnh Ngọc Thiệu - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho hay. Để giúp người dân thuận lợi trong việc phát triển kinh tế vườn, ngoài nguồn vốn được ngân sách nhà nước hỗ trợ, UBND huyện cũng đã tổ chức lồng ghép kinh phí từ các chương trình như: chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình 135, chương trình định canh, định cư, chương trình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn và các chương trình giảm nghèo khác. Qua đó, ưu tiên những hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số có quỹ đất, có lao động nhưng thiếu vốn làm ăn được vay vốn để phát triển kinh tế tăng thu nhập.
Tín hiệu khả quan
Trong năm 2016, UBND huyện đã hỗ trợ kinh phí hơn 1 tỷ đồng để giúp người dân mua cây giống, cải tạo vườn tạp và phát triển kinh tế vườn. Ông Lê Tự Hùng ở xã Trà Tân, cho biết, sau khi huyện phát động, gia đình ông đã trồng thử nghiệm 50 gốc thanh trà, ổi, đến nay vườn cây của ông đã đến mùa thu hoạch. Ông nhẩm tính, hiện nay vườn cây của ông vào vụ thu hoạch được gần 500kg, với giá bán 13 - 15 ngàn đồng/kg, gia đình ông thu được khoảng 7 - 8 triệu đồng. “Đây là vườn cây mới ra quả mùa đầu, năng suất chưa cao, nhưng về lâu dài thì vườn cây này cho hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với các loại cây trồng khác” - ông Hùng nói. Tương tự, bà Lê Thị Xuân ở thôn 2, xã Trà Tân cũng phát triển kinh tế vườn nên cuộc sống của gia đình bà cải thiện đáng kể nhờ thu nhập khá. Với các giống cây như cam đường, chuối, thanh trà được chăm sóc tốt, mỗi mùa bà thu về gần 10 triệu đồng, cao hơn nhiều so với những giống cây trồng khác. “Hơn nữa, tuổi thọ của những cây này rất cao, trồng một lần và chăm sóc cho tốt là hàng năm có thu hoạch” - bà Xuân nói.
Phòng NN&PTNT huyện đã nghiên cứu kỹ đặc điểm thổ nhưỡng của từng vùng đất để khuyến cáo bà con nên trồng loại cây nào cho phù hợp. “Ví dụ như cây lòn bon thì chọn xã Trà Sơn làm trọng tâm, mở rộng ra các xã Trà Tân, thị trấn Trà My, Trà Dương, Trà Giang; cây cam thì chọn xã Trà Tân làm trọng tâm, mở rộng ra các xã Trà Sơn, Trà Đốc, thị trấn, Trà Dương, Trà Giang và các xã vùng thấp; cây thanh trà thì chọn xã Trà Dương làm trọng tâm, mở rộng ra các xã Trà Sơn, Trà Giang, Trà Đông... Như vậy mới đảm bảo được hiệu quả cao nhất và người dân không gặp rủi ro khi phát triển kinh tế vườn nhà” - ông Huỳnh Ngọc Thiệu nói thêm. Theo ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, đây mới chỉ là bước đầu của kế hoạch, về lâu dài sẽ định hướng người dân phát triển kinh tế vườn kết hợp với làm du lịch theo chuỗi miệt vườn. “Để làm được điều đó còn phải làm nhiều việc nữa, nhưng quan trọng nhất là phải giúp bà con ổn định được cuộc sống, thoát nghèo nhanh. Có như thế rồi mới tính đến chuyện sau được. Trước mắt, mô hình này đang phát triển rất hiệu quả, nên trong thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ bà con trong việc phát triển kinh tế vườn này” - ông Tuấn cho hay.
NGUYỄN DƯƠNG